Thứ Bảy, 27/07/2019, 08:45 [GMT+7]

Tháng 7 sâu nặng nghĩa tình

“Vào dịp này mỗi năm, tấm lòng mỗi người Việt Nam đang được sống trong hòa bình và độc lập dường như lắng lại và rung lên những cung bậc sâu sắc, tri ân hàng triệu con người đã hi sinh, đã để lại nơi chiến trường một phần xương máu và một phần cuộc sống của mình vì nền độc lập, tự do của dân tộc, vì cuộc sống hạnh phúc, bình yên của nhân dân”.
 
Đây là những lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu tại Hội nghị tuyên dương 500 thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019 sáng 25/7. Những lời này cũng chính là nỗi lòng của những người dân Việt Nam mỗi dịp tháng 7 – tháng tri ân về.
 
Những ngày này, hàng triệu tấm lòng người Việt hướng về những địa danh lịch sử, những nghĩa trang trên cả nước từ Bắc vào Nam: Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, ngã ba Đồng Lộc, Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ Tây Ninh, Nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương - Côn Đảo... Những nén hương thơm, những nhành hoa tươi được thành kính dâng lên phần mộ những liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Ảnh minh họa: ĐT.
Ảnh minh họa: ĐT.
Tháng 7 này cũng chính là dịp nhìn lại để thấy 72 năm qua, công tác chăm sóc người có công với cách mạng đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hàng năm, ngân sách nhà nước đã dành hơn 32 nghìn tỷ đồng để thực hiện các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng, trong đó có gần 1,2 triệu liệt sĩ, hơn 138 nghìn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 2 triệu thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ; hàng trăm nghìn người bị địch bắt tù đày, người nhiễm chất độc hóa học; hàng nghìn người được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong kháng chiến, Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới.
 
Cùng với việc thực hiện chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, đáng trân trọng biết nhường nào khi toàn thể xã hội đã thể hiện lòng biết ơn bằng những việc làm thiết thực. Trong những năm qua, phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" đã được nhân dân, các doanh nghiệp cả nước thực hiện sâu rộng với các chương trình: Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, nhà tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa; chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Chỉ tính từ năm 2010 trở lại đây, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã tiếp nhận 6.481 tỷ đồng, xây mới 85.145 căn nhà tình nghĩa, sửa chữa 70.431 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí gần 12.683 tỷ đồng; tặng 124.029 sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá gần 981 tỷ đồng; cả nước có 6.186 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được các đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời.
 
Cần phải khẳng định, dù chúng ta đã làm được nhiều việc có ý nghĩa, nhưng vẫn chưa thể bù đắp hết những công lao của các anh hùng liệt sĩ, thương binh đã hi sinh cả cuộc đời vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
 
Người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã nhiều lần bày tỏ nỗi trăn trở: “Chúng ta chưa thể yên lòng khi một bộ phận người có công chưa được công nhận, chưa được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước. Các cơ quan chức năng mặc dù đã hết sức nỗ lực trong việc nghiên cứu, ban hành các chính sách để xác nhận người có công không còn hồ sơ, giấy tờ gốc, không còn người giao nhiệm vụ, người làm chứng... nhưng vẫn chưa thật sự mang lại kết quả đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của người có công và thân nhân. Nhiều trường hợp hy sinh đã mấy chục năm trôi qua, gia đình và người thân vẫn thầm mong, khắc khoải đợi chờ người cha, người chồng và người con của mình được vinh danh. Đây là điều trăn trở và day dứt đối với chúng ta, đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp”.
 
Dịp kỷ niệm 27/7 năm nay, 468 liệt sĩ đã được Nhà nước trao Bằng Tổ quốc ghi công. Trong số các liệt sỹ được công nhận, rất cảm động và day dứt bởi có đến 144 liệt sĩ hy sinh từ những thập niên 40, 50 của thế kỷ trước. 468 gia đình liệt sĩ vừa được trao Bằng Tổ quốc ghi công chính là hành động thiết thực nhất, ý nghĩa nhất, bày tỏ tấm lòng thành kính, một nén tâm nhang của thế hệ đi sau, của những người làm công tác thương binh liệt sĩ đối với những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Thế nhưng trăn trở và day dứt bởi lẽ còn bao nhiêu gia đình khác vẫn đang khắc khoải chờ mong...
 
Day dứt cũng bởi lẽ trên khắp dải đất hình chữ S này, vẫn còn bao gia đình chưa thể đoàn tụ, bao người mẹ già chưa tìm thấy con, bao người con chưa biết chỗ nằm của cha, bao liệt sỹ vẫn nằm đâu đó giữa đại ngàn xanh thẳm, vách núi, khe đá… Ngày 27/7 hàng năm, vẫn có biết bao gia đình đã lấy làm ngày giỗ cho những liệt sỹ vô danh. Cũng có nhiều gia đình, dù đã biết ngày hy sinh của liệt sĩ, nhưng trong những ngày này vẫn khói hương, cúng giỗ, coi đó là ngày giỗ chung, ngày cả nước hướng về những người đã hy sinh vì dân, vì nước, cống hiến tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do của dân tộc.
 
Dĩ nhiên, tri ân không chỉ trong tháng 7, không chỉ ở Ngày Thương binh - Liệt sĩ, mà là tâm niệm thường trực của các thế hệ người Việt Nam hiện nay đối với sự hy sinh của bao thế hệ cha, anh đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Bởi trên thực tế vẫn còn đó, rất nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trước mắt và lâu dài cần được tổ chức thực hiện thật tốt với tất cả lòng tri ân chân thành, với những tình cảm cách mạng sâu sắc đối với những hy sinh to lớn mà hàng triệu người có công đã mang lại cho chúng ta cuộc sống bình yên.
 
Dẫu vậy, Tháng 7 – tháng tri ân về, thêm một lần nữa chúng ta lại có dịp ý thức rõ hơn trách nhiệm của mình đối với đất nước, với thế hệ đi trước đã dâng hiến máu xương và tuổi thanh xuân để đem lại độc lập, tự do cho dân tộc. Như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Những hi sinh, những mất mát đó đã cho chúng ta cơ hội, và thôi thúc chúng ta sống tốt nhất, để cống hiến cho sự trường tồn, phồn vinh và chủ quyền của Việt Nam giàu mạnh, hùng cường, ấm no, hạnh phúc cho mọi nhà”./.
 
 
Tú Giang
 
.

Nguồn: Dangcongsan.vn

.