Thứ Năm, 17/10/2019, 15:03 [GMT+7]

Chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong trường học

(Congannghean.vn)-Học sinh toàn tỉnh bước vào năm học mới 2019 - 2020 đã gần 2 tháng. Cũng chừng ấy thời gian, nhiều bậc phụ huynh đang rất lo lắng về các khoản đóng góp đầu năm học. Ngoài khoản thu theo quy định, không ít cơ sở giáo dục đã thu thêm bằng nhiều khái niệm, nhiều tên gọi khác nhau, tạo ra nhiều khoản thu mới khiến cho nhiều phụ huynh rất hoang mang, bức xúc.  
 
Vẫn còn tình trạng lạm thu
 
Mặc dù năm học nào Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Sở GD&ĐT cũng ban hành công văn hướng dẫn triển khai, thực hiện các khoản thu, chi ngoài ngân sách tại các nhà trường, đồng thời nghiêm cấm tình trạng lạm thu; thế nhưng, tình trạng này vẫn cứ xảy ra ở nhiều nhà trường, ở các cơ sở giáo dục mà vẫn chưa xử lý dứt điểm.
Trường Mầm non Bình Minh hiện đã trả lại cho phụ huynh  những khoản thu ngoài quy định mà nhà trường đã thu trước đó
Trường Mầm non Bình Minh hiện đã trả lại cho phụ huynh những khoản thu ngoài quy định mà nhà trường đã thu trước đó
Tại Trường Mầm non Bình Minh, TX Cửa Lò, nhiều phụ huynh đã bày tỏ sự lo lắng sau khi nhà trường thông báo phải nộp tới…11 khoản đóng góp, với tổng số tiền hơn 3 triệu đồng. Trong đó, ngoài tiền học phí 1.000.000 đồng/5 tháng, tiền bảo hiểm thân thể thì các khoản khác đều chủ yếu là thỏa thuận. Đó là tiền quỹ lớp: 300.000 đồng; tiền lao công: 70.000 đồng; tiền gối, dép: 50.000 đồng; đồng phục: 110.000 đồng; chăm sóc bán trú: 810.000 đồng/năm; tiền quỹ hội: 100.000 đồng/năm; nước uống: 135.000 đồng; tài trợ: 600.000 đồng và học liệu: 350.000 đồng. Phụ huynh bày tỏ sự bức xúc vì trên tinh thần “tự nguyện và thỏa thuận” nhưng thực chất là “phải nộp”. Theo đó, phụ huynh ý kiến rằng, các cháu mầm non đều bán trú, đã nộp tiền ăn hàng tháng, tiền phục vụ bán trú, tại sao còn có những khoản thu “vô lý” như: Tiền lao công, tiền nước uống? Ngoài ra, học sinh mầm non mà nộp tiền học liệu lên đến 350.000 đồng/cháu có quá nhiều hay không? 
 
Theo báo cáo của Trường Mầm non Bình Minh thì khoản thu tiền lao công là do Ban đại diện cha mẹ học sinh nhận thấy khuôn viên trường quá lớn nên đã đề xuất với nhà trường thuê thêm người thu dọn vệ sinh. Về khoản thu tiền bảo hiểm thân thể, nhà trường lý giải là “thu hộ” cho cơ quan bảo hiểm. Riêng về khoản thu tiền học liệu, nhà trường thừa nhận việc thu của học sinh là chưa đúng, tuy nhiên, mục đích cũng muốn phục vụ cho việc học tập của học sinh trong trường.
 
Trao đổi về sự việc, ông Phùng Đức Nhân, Trưởng phòng GD&ĐT TX Cửa Lò cho biết: “Chúng tôi đã yêu cầu trường những khoản thu nào ngoài quy định thì phải lập tức trả lại cho phụ huynh. Đặc biệt, cần phải tiến hành họp phụ huynh giải thích rõ về những khoản thu tự nguyện trên. Chúng tôi cũng yêu cầu Ban giám hiệu viết tường trình, tự nhận hình thức kỷ luật, sau đó sẽ họp xử lý nghiêm”.
 
Liên quan đến sự việc, bà Nguyễn Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND TX Cửa Lò khẳng định, từ đầu năm học, UBND thị xã và Phòng GD&ĐT đã có nhiều chỉ đạo và văn bản hướng dẫn thực hiện các khoản thu chi tại các trường Mầm non, Tiểu học, THCS trên địa bàn thị xã. Riêng đối với cấp học Mầm non, chỉ có 1 khoản thu bắt buộc là tiền học phí. Ngoài ra, các khoản thỏa thuận là: Tiền nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ bán trú, khoản tài trợ cho giáo dục, kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Phòng cũng đã yêu cầu các cơ sở giáo dục tuyệt đối không đặt ra các khoản thu thêm nào khác ngoài các khoản thu được quy định.
 
“Sau sự việc xảy ra tại Trường Mầm non Bình Minh, UBND thị xã và Phòng GD&ĐT đã tổ chức cuộc họp hiệu trưởng các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Chúng tôi quán triệt các trường không được thu thêm bất kỳ một khoản nào ngoài quy định, nếu có thì phải lập tức trả lại cho phụ huynh. Nếu trường nào để xảy ra sự việc này thì sẽ phải chịu sự kỷ luật nặng”, Phó Chủ tịch UBND TX Cửa Lò cho biết thêm.
 
Khoản thu “tài trợ giáo dục” - tự nguyện hay áp đặt?
 
Trước đây, học sinh đi học phải đóng 2 khoản chính là tiền học phí và tiền xây dựng trường. Về sau, nhằm khuyến khích phụ huynh đưa trẻ đến trường, khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục, Nhà nước bỏ quy định đóng tiền xây dựng. Sau đó, thay vì thu tiền xây dựng như trước, các cơ sở giáo dục thu thêm khoản được gọi bằng cụm từ “xã hội hóa giáo dục”. Thế nhưng, các trường kêu gọi phụ huynh đóng góp tiền xã hội hóa “tùy tâm”, tùy theo điều kiện của mình nhưng bao giờ cũng được “cứng hóa” bằng một mức thấp nhất nào đó. Trước sự phản ứng của dư luận, từ năm học 2018 - 2019, các trường đã bãi bỏ khoản thu “xã hội hóa giáo dục”. Các bậc phụ huynh chưa kịp mừng thì thay vì khoản thu “xã hội hóa giáo dục” là một khái niệm cho khoản thu mới được đưa ra: “tài trợ giáo dục”. 
Thiết nghĩ, để tạo được sự đồng thuận cao trong phụ huynh và tránh tình trạng lạm thu, các khoản thu phải được  công khai và được thông qua các phụ huynh trước khi thu (Trong ảnh: Một tiết học của cô và trò Trường THPT Nghi Lộc 4, huyện Nghi Lộc)
Thiết nghĩ, để tạo được sự đồng thuận cao trong phụ huynh và tránh tình trạng lạm thu, các khoản thu phải được công khai và được thông qua các phụ huynh trước khi thu (Trong ảnh: Một tiết học của cô và trò Trường THPT Nghi Lộc 4, huyện Nghi Lộc)
Theo Công văn số 2354/SGD&ĐT-KHTC ngày 10/12/2018 của Sở GD&ĐT về thực hiện Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT ngày 3/8/2018 của Bộ GD&ĐT (quy định tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân), trong đó có yêu cầu: “Trong quá trình vận động, tiếp nhận, quản lý, sử dụng các khoản tài trợ phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc; không quy định mức tài trợ bình quân, mức tài trợ tối thiểu, không lợi dụng việc tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp và không coi huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo; việc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ phải được công bố, niêm yết công khai tại cơ sở giáo dục được nhận tài trợ và tuân thủ đúng quy định của pháp luật hiện hành. Nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa hội cha mẹ học sinh để thực hiện lạm thu tại các trường học”. 
 
Nhiều phụ huynh ở các huyện như Nghi Lộc, Cửa Lò, Thanh Chương…cũng phản ánh về tình trạng ép buộc nộp khoản tiền “tài trợ giáo dục” giao động từ 230.000 - 600.000 đồng/học sinh/năm. Phụ huynh P.T.M. (có con đang theo học tại một trường ở TP Vinh) bày tỏ sự bức xúc: “Cứ ghi là tài trợ tự nguyện nhưng nhà trường lại đưa ra mức tối thiểu 600.000 đồng/học sinh. Nhà trường lập sẵn danh sách, cô giáo chủ nhiệm đưa cho mỗi phụ huynh 1 tờ giấy đánh máy theo mẫu in sẵn ghi là “phiếu đăng ký tự nguyện tài trợ” rồi bảo phụ huynh nộp tiền và ký vào”. Mặc dù nhiều phụ huynh vẫn luôn thắc mắc tại sao năm nào nhà trường cũng cần nhiều tiền đến vậy, không đồng tình với khoản thu này…; thế nhưng, vì ngại thầy, cô giáo chủ nhiệm và đặc biệt, vì sợ con em mình đi học bị trù dập… nên đành nín thinh, nhắm mắt nộp tiền cho xong chuyện! 
 
Ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, Giám đốc Sở đã ký công văn  gửi Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố và các trường THPT trên địa bàn hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các khoản thu, chi năm học 2019 - 2020. Nếu trường nào thực hiện trái với nội dung công văn là sai và phải chịu trách nhiệm. Không những vậy, Sở GD&ĐT Nghệ An còn có Văn bản số 1739 ngày 19/9/2019 gửi Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị với nội dung: “Kiên quyết xử lý kỷ luật đối với những tập thể và cá nhân đã cố tình vi phạm, làm trái quy định của Nhà nước, tự tạo ra các khoản thu vượt mức quy định; không thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của Sở GD&ĐT tại Công văn số 1570/SGD &ĐT - KHTC”.
.

THU THỦY

.