Thứ Bảy, 19/10/2019, 16:09 [GMT+7]

Hội thảo khoa học vai trò nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong với nền kịch hát dân ca ví, giặm

(Congannghean.vn)-Sáng 19/10, Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An tổ chức Hội thảo Khoa học vai trò nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong với nền kịch hát dân ca ví, giặm.

Toàn cảnh buổi hội thảo
Toàn cảnh buổi hội thảo
 
PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ phát biểu tại hội thảo
PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ phát biểu tại hội thảo
Tham dự hội thảo, về phía đại biểu Trung ương có các đồng chí: PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam. Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Cao Thị Hiền - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Thị Thu Hường - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và thân nhân gia đình nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong. 
 
Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong (1929 – 1990) sinh ra tại làng Vân Tâp, xã Diễn Bình, huyện Diễn Châu trong một gia đình nho học.  Ông nguyên là Phó ty văn hóa tỉnh Nghệ An, Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Nghệ Tĩnh, là một nghệ sỹ có nhiều đóng góp to lớn cho nền sân khấu truyền thống tỉnh nhà, nhất là sự hình thành và phát triển kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh.
Các nghệ sỹ biểu diễn một số tiết mục do nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong sáng tác
Các nghệ sỹ biểu diễn một số tiết mục do nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong sáng tác
 
Trong sự nghiệp nghệ thuật của mình, Nguyễn Trung Phong để lại dấu ấn với nhiều tác phẩm giành nhiều giải thưởng cao. Đặc biệt, với vở chèo “Cô gái sông Lam” với 5 màn diễn đặc sắc đã đưa sân khấu Chèo Nghệ An lên một tầm cao mới. Vở diễn đã giành được 4 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1962. Dù không phải là một nhạc sỹ nhưng Nguyễn Trung Phong đã để lại cho đời làn điệu “Giận mà thương” bất hủ. Những câu hát ấy không chỉ giúp nhân vật trong vở kịch “Khi đội bạn đi vắng” của ông thể hiện được hết cung bậc cảm xúc của mình mà còn trở thành một điệu hát phổ biến và là chất liệu cho nhiều nhạc sỹ sáng tác ca khúc nổi tiếng sau này.
 
Tại buổi hội thảo, các nhà nghiên cứu, các văn nghệ sỹ đã tập trung thảo luận làm nổi bật một số nội dung, trong đó nêu bật vai trò của nhà viết kịch Nguyễn Trung  Phong đối với sự hình thành, phát triển của Kịch hát dân ca  Nghệ Tĩnh và sân khấu kịch truyền thống tỉnh nhà; Đánh giá và nhận diện đúng các giá trị nội dung, tư tưởng và nghệ thuật của các tác phẩm do nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong để lại cho đời; Đánh gá đúng con người và nhân cách của người nghê sỹ.
Tham quan triển lãm, trưng bày một số hình ảnh, tư liệu, hiện vật về nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong
Tham quan triển lãm, trưng bày một số hình ảnh, tư liệu, hiện vật về nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong
Cũng tại hội thảo, các đại biểu được lắng nghe những đề xuất mới xác đáng, giá trị, liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp và tác phẩm của Nguyễn Trung Phong.
 
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đánh giá cao vai trò, đóng góp quan trọng của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong đối với hoạt động sáng tạo nghệ thuật và cả trên cương vị nhà quản lý.  “Đề nghị Sở VH&TT Nghệ An kết hợp với các cơ quan chức năng và gia đình hoàn thiện hồ sơ, đề xuất tặng Giải thưởng Nhà nước đối với nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong”  - PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ phát biểu. 
.

Phan Tuyết

.