Thứ Hai, 14/10/2019, 14:50 [GMT+7]

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục

(Congannghean.vn)-Để đổi mới, nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục và đào tạo, nhất là từ năm học 2020 - 2021, học sinh lớp 1 sẽ tiến hành thay sách giáo khoa theo chương trình phổ thông tổng thể. Bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, kiểm tra, đánh giá chất lượng học sinh thì ngành Giáo dục ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn đẩy mạnh hơn nữa công tác tự bồi dưỡng thường xuyên giáo viên. Đây được xem là biện pháp nhằm khảo sát lại trình độ năng lực; qua đó, khuyến khích tinh thần tự học, tự bồi dưỡng, đổi mới phương pháp giảng dạy của đội ngũ giáo viên…

Giáo viên không chỉ là người chia sẻ kiến thức, kỹ năng, truyền cảm hứng học tập mà còn là người góp phần nuôi dưỡng, phát triển tâm hồn và hình thành nhân cách cho thế hệ trẻ (Trong ảnh: Một tiết học của cô và trò Trường THCS thị trấn Nam Đàn)
Giáo viên không chỉ là người chia sẻ kiến thức, kỹ năng, truyền cảm hứng học tập mà còn là người góp phần nuôi dưỡng, phát triển tâm hồn và hình thành nhân cách cho thế hệ trẻ (Trong ảnh: Một tiết học của cô và trò Trường THCS thị trấn Nam Đàn)

Thời gian qua, tại một số địa phương vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Một số địa phương thực hiện tinh giản biên chế đối với ngành Giáo dục khá cứng nhắc, chưa gắn với quy mô phát triển dân số (hằng năm cắt giảm theo lộ trình để đến năm 2021 giảm 10%); do vậy, không có biên chế để tuyển mới, dẫn đến thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non. Năng lực phát triển chương trình đào tạo, giảng dạy theo phương pháp đổi mới và kinh nghiệm thực tiễn của một số giảng viên còn hạn chế. Đặc biệt, vẫn còn có các vụ việc xảy ra như vi phạm đạo đức nhà giáo, tuyển dụng sử dụng đội ngũ chưa đúng quy định...

Để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã yêu cầu các Sở GD&ĐT thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT ngày 7/5/2018 về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo. Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên, giảng viên gắn với việc đảm bảo các quy định về định mức số lượng giáo viên, giảng viên đối với các cấp học và trình độ đào tạo, các chuẩn được ban hành, phù hợp với việc rà soát, sắp xếp, điều chỉnh lại một cách hợp lý hệ thống, quy mô trường, lớp.

Thực hiện bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trên toàn quốc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; bồi dưỡng nâng cao năng lực triển khai các nhiệm vụ cho giáo viên đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm; bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên. Trong năm học, căn cứ vào điều lệ nhà trường, các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, của Sở GD&ĐT, tùy tình hình thực tế của đơn vị, thủ trưởng xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ và kiểm tra chuyên đề đối với giáo viên một cách hợp lý, thiết thực để công tác kiểm tra đạt hiệu quả cao nhất. Giáo viên sẽ được kiểm tra toàn diện về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tổ chức kỷ luật; sự tín nhiệm của đồng nghiệp, của học sinh và nhân dân, tinh thần đoàn kết, quan hệ đồng nghiệp, thái độ phục vụ đối với nhân dân và người học.

Tại Nghệ An, để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp luôn là một trong những vấn đề được ngành Giáo dục đặc biệt quan tâm. Các nhà trường tổ chức thực hiện nghiêm túc quy chế chuyên môn, quy chế dân chủ, kỷ cương, nền nếp; tập trung đổi mới phương pháp giảng dạy; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy; không ngừng đổi mới sinh hoạt tổ, khối chuyên môn theo hướng thiết thực, hiệu quả; thường xuyên tổ chức hội thảo, hội thi, giao lưu đúc rút kinh nghiệm trong giảng dạy; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục tại các cơ sở giáo dục; duy trì việc phụ đạo cho học sinh có học lực yếu, kém...

Năm học 2019 - 2020, dự kiến kết thúc học kỳ I, Phòng GD&ĐT huyện Con Cuông sẽ tiến hành cho giáo viên làm bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên. Theo đó, bài thu hoạch sẽ được thực hiện với gần 1.200 giáo viên ở 3 cấp học: Mầm non, Tiểu học và THCS của toàn huyện. Bài kiểm tra sẽ được thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan và tự luận với thời gian làm bài 60 phút. Dự kiến, cấu trúc của bài kiểm tra sẽ gồm 50 câu, trong đó 20 câu đầu tiên sẽ là phần kiến thức chung gồm các câu hỏi về chính trị, nghiệp vụ sư phạm, 30 câu hỏi sau là các câu hỏi về kiến thức chuyên môn. Kết quả của bài kiểm tra sẽ được đánh giá theo 4 mức gồm giỏi (9 - 10 điểm), khá (7 - 9 điểm), trung bình (5 - 7 điểm) và yếu dưới 5 điểm.

Ông Lê Thanh An, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Con Cuông cho biết: Hàng năm, Phòng GD&ĐT huyện đều thực hiện đợt học bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên ở 3 cấp học Mầm non, Tiểu học và THCS. Năm nay, Phòng có thêm đổi mới về nội dung học, giúp các giáo viên nâng cao hiểu biết về mọi mặt. Đơn cử như: Chương trình học bồi dưỡng thường xuyên của giáo viên có các phần như huyện giảng, phòng giảng, nhà trường giảng và giáo viên tự học, theo các chuyên đề hàng năm. Chương trình học tích hợp có 2 phần chính: Phần lý luận thì nhận thức về chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, tư tưởng Hồ Chí Minh; Đảng, Nhà nước có những chính sách mới gì; những vấn đề mới của ngành Giáo dục; năm học 2019 - 2020 đề cập vấn đề gì…; Phần thứ 2 là chuyên môn của giáo viên: Giáo viên sẽ thể hiện ở chuyên môn của mình, những phương pháp dạy học mới…

“Đây là căn cứ để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của các đơn vị, tự học, tự bồi dưỡng của các giáo viên. Phòng cũng sẽ miễn “sát hạch” với các đối tượng như: Giáo viên sẽ nghỉ hưu trong năm học (miễn hoàn toàn), cán bộ quản lý, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, tổng phụ trách đội giỏi cấp tỉnh (được miễn về phần chuyên môn)”, ông Lê Thanh An cho biết thêm.

Tại huyện Kỳ Sơn, vài năm trở lại đây, nhằm nâng cao chất lượng của giáo viên cũng như dạy và học trên địa bàn toàn huyện, Phòng GD&ĐT huyện cũng đẩy mạnh hơn công tác bồi dưỡng thường xuyên của giáo viên. Hàng năm, thông qua kiểm tra công tác tự bồi dưỡng thường xuyên của giáo viên, căn cứ vào kết quả, Phòng GD&ĐT huyện căn cứ vào đó để đánh giá, phân nhóm giáo viên theo từng mức độ khác nhau từ khá, giỏi, trung bình, chưa đạt yêu cầu. Đặc biệt, ở nhóm chưa đạt yêu cầu, vào dịp hè hàng năm, các giáo viên ở trong nhóm này sẽ được bồi dưỡng tập trung 1 tháng tại huyện và một tuần 4 ngày (trong năm học). Bên cạnh đó, tại các trường, giáo viên cốt cán, có trình độ, năng lực khá, giỏi kèm cặp, bồi dưỡng thêm các giáo viên ở nhóm chưa đạt yêu cầu. Ngoài ra, Phòng cũng khuyến khích các giáo viên tự học, tự nâng cao trình độ. Hàng tháng, giáo viên đều phải làm một bài thu hoạch theo các nội dung trong chuyên đề giáo viên đã được bồi dưỡng. Căn cứ vào đó, Phòng GD&ĐT sẽ đánh giá và tiếp tục triển khai những biện pháp bồi dưỡng cụ thể phù hợp hơn.

Ông Nguyễn Văn Thiết, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn chia sẻ: “Học tập suốt đời”, giáo viên luôn phải bồi dưỡng chính mình để cập nhật, nâng cao các đổi mới chương trình sách giáo khoa, đặc biệt sang năm học 2020 - 2021, chủ trương thay chương trình sách giáo khoa lớp 1. Qua kiểm tra công tác tự bồi dưỡng thường xuyên của giáo viên thì Phòng sẽ xác định năng lực thực tế, giáo viên nào non, giáo viên nào thiếu mặt gì để qua đó bồi dưỡng đúng đối tượng”.

Kết quả, kết thúc năm học 2018 - 2019 vừa qua, qua khảo sát, toàn huyện Kỳ Sơn chỉ còn 123 giáo viên Tiểu học thuộc diện không dạy được toàn cấp, trong đó có 8 giáo viên không thể bố trí đứng lớp. Hiện cũng đã có 27 giáo viên xin nghỉ trước tuổi, 2 giáo viên tự giác xin chuyển sang phục vụ và 5 giáo viên xin chuyển xuống bậc mầm non. Ở bậc THCS, nay chỉ còn 19/119 giáo viên không đáp ứng được nhiệm vụ chuyên môn (trong đó, có 5 giáo viên xin nghỉ trước tuổi, 2 giáo viên xin chuyển công việc sang làm phục vụ và 2 giáo viên có đơn xin đi học nghiệp vụ để chuyển xuống bậc mầm non).

Việc đẩy mạnh công tác bồi dưỡng thường xuyên của giáo viên, nhất là ở các huyện miền núi và qua kết quả của các bài thu hoạch, kiểm tra các địa phương sẽ xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, khuyến khích tinh thần tự học để nâng cao chất lượng giáo viên cũng như góp phần nâng cao kết quả học tập của học sinh. Tuy nhiên, quá trình triển khai, các địa phương, nhất là các huyện miền núi cũng gặp không ít khó khăn như một số giáo viên còn ngại thay đổi, không muốn phấn đấu, tâm lý ỷ lại…Vì vậy, trong thời gian tới, bên cạnh sự nỗ lực của ngành Giáo dục, rất cần sự quan tâm, chú trọng hơn nữa của các cấp, ngành trong việc đào tạo, bồi dưỡng các giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

.

Thu Thủy

.