Thứ Sáu, 01/11/2019, 08:09 [GMT+7]

Công tác khoa học lịch sử, bảo tàng truyền thống của Công an Nnghệ An

(Congannghean.vn)-Ngày 11/11/2016, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký ban hành Chỉ thị số 10/CT-BCA-X11 “Về công tác nghiên cứu khoa học lịch sử, bảo tàng truyền thống Công an nhân dân đến năm 2020, tầm nhìn 2030” (sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 10). Thực hiện Chỉ thị của Bộ Công an, Ban Thường vụ Đảng ủy, Lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An đã tập trung chỉ đạo quyết liệt nhiều biện pháp, giải pháp nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, tổng kết lịch sử, bảo tàng truyền thống của Công an tỉnh Nghệ An, góp phần làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống, khơi dậy niềm tự hào, khí thế thi đua sôi nổi trong cán bộ, chiến sỹ, xây dựng lực lượng Công an Nghệ An ngày càng cách mạng, hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân theo 6 điều Bác Hồ dạy CAND.

Đồng chí Đại tá Lê Xuân Hoài, Phó Giám đốc Công an tỉnh
Đồng chí Đại tá Lê Xuân Hoài, Phó Giám đốc Công an tỉnh

1. Bám sát những yêu cầu của Chỉ thị số 10, Ban Thường vụ Đảng ủy, Lãnh Công an tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo sớm thành lập Hội đồng nghiên cứu khoa học, tổng kết lịch sử của Công an tỉnh. Hội đồng do 1 đồng chí Phó Giám đốc làm Chủ tịch Hội đồng, phân công thành viên trực tiếp chỉ đạo, thực hiện công tác nghiên cứu, biên soạn, tổng kết lịch sử ở các đơn vị; thường xuyên kiện toàn, duy trì và nâng cao hoạt động của Hội đồng đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Hội đồng đã tham mưu Ban Thường vụ Đảng ủy, Lãnh đạo Công an tỉnh tổ chức quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 09/10/2014 của Bộ Chính trị về “Công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến 2030”; Nghị quyết số 16-NQ/ĐUCA, ngày 05/3/2014 của Đảng ủy Công an Trung ương về “Công tác khoa học Công an trong tình hình mới”; Chỉ thị số 02/CT-BCA, ngày 06/3/2014 của Bộ trưởng Bộ Công an về “Tăng cường công tác khoa học Công an trong tình hình mới và chiến lược phát triển khoa học và công nghệ CAND đến năm 2020, tầm nhìn 2030”. Song song với đó, Hội đồng cũng tham mưu Ban Thường vụ Đảng ủy, Lãnh đạo Công an tỉnh kịp thời ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác khoa học lịch sử phù hợp với từng giai đoạn, từng thời kỳ gắn với thực tiễn, yêu cầu công tác, điển hình như: Kế hoạch “Nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử và bảo tàng truyền thống Công an tỉnh Nghệ An giai đoạn 2011 - 2015 và những năm tiếp theo”; Chương trình hành động số 09-CTr/ĐUCA về “Nhiệm vụ phát triển khoa học trong Công an tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2025”... Đặc biệt, Công an tỉnh Nghệ An đã kịp thời xây dựng kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo thống nhất, chất lượng, hiệu quả, qua đó nâng cao nhận thức của lãnh đạo, nhất là của thủ trưởng Công an các đơn vị và CBCS về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác khoa học lịch sử, bảo tàng truyền thống đối với công tác xây dựng lực lượng, giáo dục chính trị, tư tưởng.

Để tạo động lực thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học lịch sử, Ban Thường vụ Đảng ủy, Lãnh đạo Công an tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo, yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương hàng năm đăng ký ít nhất một công trình nghiên cứu,  biên soạn lịch sử, coi kết quả việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học lịch sử là một trong những tiêu chí đánh giá, phân loại thi đua cuối năm; yêu cầu hàng năm mỗi CBCS có trình độ thạc sĩ trở lên phải chủ trì hoặc tham gia một công trình nghiên cứu khoa học, lịch sử hoặc có ít nhất một bài viết đăng trên các tạp chí trong và ngoài ngành hoặc cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh. Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Đảng ủy, Lãnh đạo Công an tỉnh, các đơn vị, địa phương đã đăng ký, tập trung nghiên cứu biên soạn xây dựng lịch sử biên niên, lịch sử truyền thống của đơn vị, địa phương mình.

Cán bộ Đội Tổng kết lịch sử và quản lý khoa học đang nghiên cứu, biên soạn lịch sử
Cán bộ Đội Tổng kết lịch sử và quản lý khoa học đang nghiên cứu, biên soạn lịch sử

Từ năm 2016 đến nay, sau 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 10, Công an tỉnh Nghệ An đã nghiên cứu, hoàn thành 5 đề tài tổng kết lịch sử (nổi bật là: Đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế thời kỳ đổi mới (1986 - 2016); Công an Nghệ An trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước); 16 đề tài lịch sử biên niên, lịch sử truyền thống (5 công trình của Công an tỉnh; 11 công trình của Công an các đơn vị, địa phương); sơ, tổng kết nhiều chuyên đề trên các lĩnh vực công tác Công an... Hàng năm, Công an các đơn vị, địa phương tổng hợp, báo cáo ít nhất 10 sự kiện tiêu biểu của đơn vị mình về Công an tỉnh để phục vụ công tác rà soát, tổng hợp, xây dựng biên niên các sự kiện lịch sử nổi bật. Do làm tốt nội dung này nên tất cả các sự kiện, chiến công nổi bật, xuất sắc hàng năm của Công an tỉnh Nghệ An đều được tổng hợp đầy đủ, cụ thể, chi tiết, phục vụ tốt công tác tổng kết lịch sử cũng như công tác nghiên cứu thực tiễn, tổng kết lý luận phục vụ yêu cầu công tác.

Song song với việc chỉ đạo nghiên cứu khoa học lịch sử, Ban Thường vụ Đảng ủy, Lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An đặc biệt quan tâm, chỉ đạo tăng cường tổng kết thực tiễn công tác đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn, nhất là kết quả đấu tranh, khám phá các chuyên án hình sự, kinh tế, ma túy và xâm phạm ANQG, các vụ việc liên quan an ninh xã hội, hàng năm tổ chức tổng kết công tác phối hợp với Công an nước bạn Lào trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Qua tổng kết thực tiễn công tác công an vừa giúp các đơn vị, địa phương kịp thời rút ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình chỉ đạo, đấu tranh, giải quyết vụ án, vụ việc; đồng thời phục vụ tốt công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử và tổng kết lý luận phục vụ công tác đảm bảo ANTT trong thời gian tiếp theo.

Để lưu giữ các tư liệu, hiện vật lịch sử ghi dấu những sự kiện điển hình, những thành tích, chiến công nổi bật, đặc biệt xuất sắc của lực lượng Công an Nghệ An góp phần phục vụ đắc lực công tác nghiên cứu khoa học lịch sử và giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống cho CBCS, Ban Thường vụ Đảng ủy, Lãnh đạo Công an tỉnh đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng bảo tàng truyền thống của Công an tỉnh. Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Công an tỉnh, thời gian qua, các bộ phận làm công tác lịch sử đã phối hợp với các đơn vị, địa phương và các bộ phận liên quan tích cực sưu tập tư liệu, hiện vật lịch sử phản ánh quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Công an tỉnh Nghệ An để phục vụ công tác lưu giữ, trưng bày. Tính đến nay, Công an tỉnh đã sưu tập và trưng bày gần 1.000 hiện vật, tư liệu lịch sử của Công an Nghệ An qua các thời kỳ tại Nhà truyền thống Công an tỉnh và gần 400 tư liệu, hiện vật tại Nhà lưu niệm cố Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn tại xã Nam Trung, huyện Nam Đàn. Hàng năm, Nhà truyền thống Công an tỉnh và Nhà lưu niệm cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã đón tiếp nhiều đoàn Lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo Bộ Công an, Lãnh đạo các bộ, ban, ngành ở Trung ương và địa phương cùng hàng nghìn lượt CBCS đến tham quan, học tập truyền thống.

Bên cạnh đó, công tác tổ chức, kiện toàn xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu lịch sử đảm bảo về số lượng, chất lượng, phục vụ tốt yêu cầu công tác được thường xuyên quan tâm. Bám sát yêu cầu quy hoạch phát triển nguồn nhân lực khoa học lịch sử, bảo tàng truyền thống CAND gắn kết chặt chẽ với chiến lược cán bộ và chiến lược phát triển khoa học và công nghệ trong CAND đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Ban Thường vụ Đảng ủy, Lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo kiện toàn lại đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác nghiên cứu khoa học, lịch sử và bảo tàng truyền thống theo hướng: có trình độ đại học trở lên, tốt nghiệp các ngành đào tạo khoa học xã hội nhân văn, được bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ chuyên môn...

Đoàn viên thanh niên thăm quan Bảo tàng Công an Nghệ An. Ảnh: Bình Minh
Đoàn viên thanh niên thăm quan Bảo tàng Công an Nghệ An. Ảnh: Bình Minh

Song song với đó, Lãnh đạo Công an tỉnh đã tập trung chỉ đạo các giải pháp nhằm phát huy tối đa CBCS có trình độ chuyên môn cao phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và tổng kết lịch sử. Đội ngũ này đã đóng góp nhiều trí tuệ, sức lực phục vụ hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết lịch sử của Công an tỉnh. Đặc biệt, từ năm 2017, Ban Thường vụ Đảng ủy, Lãnh đạo Công an tỉnh đã lấy kết quả công tác nghiên cứu khoa học, lịch sử là một trong những tiêu chí để bình xét chiến sĩ thi đua cấp cơ sở đối với cán bộ có trình độ từ thạc sĩ trở lên. Vì vậy, số lượng, chất lượng các công trình nghiên cứu khoa học, lịch sử, các bài viết của Công an Nghệ An được đăng trên các tạp chí trong và ngoài ngành ngày càng tăng, có giá trị ứng dụng vào thực tiễn công tác, chiến đấu của lực lượng Công an trong tình hình mới.

2. Công tác nghiên cứu, biên soạn, tổng kết lịch sử và bảo tàng truyền thống ở Công an tỉnh tuy đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, tự hào, tuy nhiên nếu so với yêu cầu của Chỉ thị số 10 thì còn một số hạn chế:

- Công tác sưu tầm, xác minh, khai thác tư liệu lịch sử hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Nguồn tư liệu thành văn không có nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là do trải qua chiến tranh nên công tác lưu trữ không đảm bảo thường xuyên, liên tục, thậm chí nhiều tài liệu bị thất lạc, hư hỏng do điều kiện lưu trữ không đảm bảo… Bên cạnh đó, các nhân chứng lịch sử, nhất là những nhân chứng trong thời kỳ chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhiều người đã mất hoặc đã tuổi cao, sức yếu. Việc động viên CBCS và nhân dân tham gia phát hiện, cung cấp thông tin, tài liệu, hiện vật phục vụ công tác nghiên cứu lịch sử, bảo tàng truyền thống của Công an tỉnh chưa được làm sâu rộng. Chất lượng, giá trị lịch sử của một số tài liệu thu được chưa cao, hồ sơ, lý lịch của nhiều hiện vật vẫn chưa rõ ràng, nhiều tư liệu, hiện vật có giá trị bị bỏ sót hoặc sưu tầm không đầy đủ… Đây là khó khăn, thách thức lớn nhất đối với công tác nghiên cứu, biên soạn, tổng kết lịch sử và bảo tàng truyền thống của Công an tỉnh.

- Đội ngũ cán bộ làm công tác khoa học lịch sử, bảo tàng truyền thống còn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu. Ngoài đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác lịch sử và bảo tàng truyền thống ở Công an tỉnh được đào tạo đúng hoặc gần sát với chuyên ngành, còn lại ở các đơn vị, địa phương hầu hết do cán bộ bán chuyên trách đảm nhiệm, không được đào tạo chuyên sâu về công tác này.

- Mặc dù Bộ Công an và Công an tỉnh đã dành sự quan tâm, đầu tư kinh phí phục vụ công tác khoa học lịch sử và bảo tàng truyền thống nhưng theo quy định của Bộ Tài chính thì định mức chi thù lao phục vụ nghiên cứu, biên soạn, tổng kết lịch sử, xây dựng, bổ sung tư liệu, hiện vật cho bảo tàng truyền thống như hiện nay là rất thấp, không phù hợp với thực tế, không khuyến khích được nhiều người cùng tham gia.

3. Tỉnh Nghệ An được Chính phủ, Bộ Công an xác định là một trong những địa bàn trọng điểm phức tạp về ANTT của cả nước. Do đó, nhiệm vụ đảm bảo ANTT, phòng, chống tội phạm của Công an tỉnh Nghệ An là rất nặng nề. Ban Thường vụ Đảng ủy, Lãnh đạo Công an tỉnh xác định giáo dục chính trị, tư tưởng kết hợp với giáo dục lịch sử truyền thống là một giải pháp hữu hiệu, góp phần xây dựng lực lượng Công an Nghệ An trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, ngang tầm nhiệm vụ đảm bảo ANQG và trật tự, an toàn xã hội tại địa bàn tỉnh.

Thời gian tới, để nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học lịch sử và bảo tàng truyền thống của lực lượng CAND nói chung và của Công an tỉnh Nghệ An nói riêng, ngoài tiếp tục thực hiện các giải pháp, biện pháp đã nêu trên, Công an tỉnh Nghệ An sẽ thực hiện cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng của Bộ, các địa phương có liên quan, sự hướng dẫn của Viện Lịch sử Công an nhân dâ trong thực hiện Chỉ thị số 10. Mặt khác, tiếp tục xây dựng được đội ngũ cán bộ vừa có trình độ, kiến thức nghiệp vụ, vừa am hiểu công tác nghiên cứu khoa học, lịch sử; tổ chức cho đội ngũ cán bộ chuyên trách và bán chuyên trách được đi thực tế tại các di tích lịch sử, nhất là các di tích lịch sử của lực lượng CAND để bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ và kỹ năng...

Đặc biệt là, năm 2010, Công an Nghệ An đã khởi công xây dựng và hoàn thành Nhà lưu niệm cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, góp phần phục vụ tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống của lực lượng Công an. Thời gian tới, để Khu nhà lưu niệm đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn trở thành địa chỉ đỏ về nguồn, học tập lịch sử như một số khu lưu niệm khác, Công an tỉnh Nghệ An với chức năng là cơ quan được giao quản lý, khai thác, sử dụng, sẽ đề xuất Lãnh đạo Bộ Công an nghiên cứu, xem xét, nâng cấp Khu nhà lưu niệm đồng chí cố Bộ trưởng thành Khu lưu niệm cấp Bộ. Công an tỉnh Nghệ An rất mong muốn Công an các đơn vị, địa phương phối hợp sưu tầm tư liệu, hiện vật liên quan đến đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn; nếu có các hiện vật, hình ảnh, tư liệu về đồng chí cố Bộ trưởng có thể bàn giao hoặc cho Công an tỉnh Nghệ An sao chép lại phục vụ công tác lưu giữ, trưng bày tại Khu nhà lưu niệm đồng chí cố Bộ trưởng./.

.

Đại tá Lê Xuân Hoài
Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An