Thứ Năm, 07/11/2019, 08:53 [GMT+7]

Đẩy mạnh công tác chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới

(Congannghean.vn)-Năm 2020, toàn quốc triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới và thay sách giáo khoa lớp 1. Tuy nhiên, việc triển khai chương trình GDPT mới còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, để đảm bảo việc triển khai có chất lượng và hiệu quả, sớm khắc phục những hạn chế thiếu sót, bên cạnh sự nỗ lực của ngành Giáo dục trong việc triển khai nhiều giải pháp, trên cơ sở phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của địa phương thì rất cần sự chung tay của cả cộng đồng.

Mô hình bố trí các môn học theo chương trình GDPT mới (Ảnh: Internet)
Mô hình bố trí các môn học theo chương trình GDPT mới (Ảnh: Internet)

Chú trọng công tác bồi dưỡng giáo viên

Để chuẩn bị cho chương trình GDPT mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã và đang tổ chức lớp tập huấn bồi dưỡng với hàng chục nghìn giáo viên cốt cán tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cũng khẳng định, nhân tố quyết định thành công của chương trình GDPT mới là đội ngũ giáo viên và đây là nhiệm vụ quan trọng của ngành.

Tại Nghệ An, bên cạnh yêu cầu các giáo viên, nhà trường thực hiện Văn bản 4612 của Bộ GD&ĐT về đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh… thì nhằm tăng cường trình độ năng lực đội ngũ đáp ứng yêu cầu chương trình GDPT mới, Sở GD&ĐT Nghệ An đã xây dựng Kế hoạch 1314/KH-SGD&ĐT về việc bồi dưỡng giáo viên và cán bộ, quản lý giáo dục giai đoạn 2019 - 2024. Sở GD&ĐT chủ động phối hợp với các trường ĐH, cơ sở bồi dưỡng giáo viên xây dựng những chuyên đề về chương trình GDPT tổng thể để triển khai cho các đơn vị cơ sở. Riêng đối với lớp 1 là khối đầu tiên thực hiện chương trình GDPT mới và áp dụng thay sách giáo khoa vào năm 2020 - 2021, vì vậy, năm 2019, Sở sẽ ưu tiên tập trung bồi dưỡng cho bậc Tiểu học.

Đơn cử như ngày 19/10 vừa qua, Sở GD&ĐT phối hợp với Trường Đại học Vinh tổ chức khai mạc bồi dưỡng cho giáo viên dạy lớp 1 của toàn tỉnh. Ngoài địa điểm tại Trường Đại học Vinh, giáo viên các huyện, thành, thị sẽ được giảng viên trực tiếp về bồi dưỡng ở các Phòng GD&ĐT. Chương trình bồi dưỡng có tổng số 47 lớp với 2.344 giáo viên lớp 1 trong toàn tỉnh Nghệ An. Nội dung bồi dưỡng gồm: Hướng dẫn dạy học các môn học trong chương trình GDPT mới (cấp tiểu học) theo tiếp cận năng lực, tăng cường năng lực đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá môn học. Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT cũng tập trung đẩy mạnh sắp xếp, quy hoạch mạng lưới trường lớp; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, tài liệu, học liệu để thực hiện chương trình GDPT mới…

Vẫn còn những khó khăn, vướng mắc

Tuy nhiên, nhiều giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng cũng bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng khi đến thời điểm hiện tại, Bộ GD&ĐT vẫn chưa có sách giáo khoa chính thức để so sánh với chương trình sách giáo khoa cũ để biết được điểm nào mới, chương trình sách giáo khoa mới được thay đổi như thế nào?… Được biết, ngày 31/10, theo ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ này dự kiến công bố sách giáo khoa lớp 1 mới vào giữa tháng 11 (lùi lại so với kế hoạch ban đầu).

Theo chương trình GDPT mới, Ngoại ngữ (tiếng Anh) và Tin học sẽ là các môn học bắt buộc (trong chương trình từ lớp 3 - 5). Môn học bắt buộc tăng nhưng định biên giáo viên không tăng. Tại Nghệ An, hiện giáo viên tiếng Anh vì không bố trí đủ nên thay vì dạy chương trình 10 năm (1 tuần/4 tiết cho các khối từ lớp 3 trở lên), nhiều trường Tiểu học đang lựa chọn chương trình tự chọn (thực hiện dạy học nếu có điều kiện). Như ở bậc Tiểu học, tỉ lệ học sinh học chương trình tiếng Anh 10 năm ở Nghệ An chỉ mới hơn 70%. Toàn tỉnh đang có 7 địa phương chưa dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 1, 2.

Yêu cầu về cơ sở vật chất phục vụ việc giảng dạy cũng là một vấn đề lớn. Như môn Tin học, nhà trường cần đảm bảo có phòng thực hành máy tính hiện đại và đầy đủ cho học sinh. Tuy nhiên, nhiều trường học hiện chưa có điều kiện trang bị đủ cơ sở vật chất, có phòng máy phục vụ nhu cầu cho học sinh. Nhất là ở các huyện miền núi, nếu điểm trường chính có phòng máy, không thể di chuyển máy tính từ điểm trường chính về điểm lẻ dạy cho học sinh và ngược lại, cũng không thể bắt học sinh chuyển lên điểm chính để học. Vì thế, các điểm trường lẻ buộc phải tính đến phương án sáp nhập các điểm lẻ để thực hiện giảng dạy tập trung Tin học và Tiếng Anh theo chương trình GDPT mới (bắt buộc từ lớp 3). Tuy nhiên, những khó khăn như: Gây khó khăn cho học sinh đến trường (vì quãng đường quá xa, địa hình hiểm trở…), công tác đầu tư cơ sở vật chất trường học… nên để việc sáp nhập đạt hiệu quả cao nhất rất cần có một lộ trình hợp lý.

 
Một trong những điểm mới của chương trình GDPT mới là việc tích hợp liên môn để giúp học sinh giảm tải áp lực trong học tập. Việc dạy tích hợp ở phổ thông được coi là phương pháp phát huy được năng lực của học sinh trong việc lĩnh hội kiến thức và vận dụng kiến thức vào cuộc sống hàng ngày. Theo lộ trình áp dụng chương trình GDPT mới của Bộ GD&ĐT, năm học 2020 - 2021, Bộ GD&ĐT bắt đầu thực hiện chương trình GDPT mới với học sinh lớp 1 bằng việc thay đổi sách giáo khoa. Năm học 2021 - 2022 với lớp 2 và 6; năm học 2022 - 2023 với lớp 3, 7 và 10; năm học 2023 - 2024 với lớp 4 , 8 và 11; năm học 2024 - 2025 với lớp 5, 9 và 12.

 

.

Thu Thủy

.