Thứ Ba, 03/12/2019, 10:51 [GMT+7]

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

(Congannghean.vn)-Di sản văn hóa là những giá trị cốt lõi được tạo dựng, lưu giữ và trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, là nguồn lực, là sản nghiệp văn hóa của mỗi dân tộc. Trong những năm qua, hoạt động bảo tồn, phát huy di sản văn hóa ở Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Bảo tồn di sản văn hóa truyền thống các đồng bào dân tộc thiểu số
Bảo tồn di sản văn hóa truyền thống các đồng bào dân tộc thiểu số

Thời gian qua, Nghệ An đã làm tốt công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích - danh thắng. Đây là tỉnh đầu tiên và duy nhất trong cả nước đã lập, phê duyệt Quy hoạch hệ thống di tích định hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2050, ban hành được quyết định về tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn công đức tại các di tích và nhiều văn bản cụ thể hóa Luật Di sản văn hóa và các văn bản liên quan khác.

Hiện, Nghệ An có 2.606 di tích đã được kiểm kê, phân cấp quản lý, trong đó có 440 di tích, danh thắng được xếp hạng, gồm: 4 di tích quốc gia đặc biệt, 114 di tích quốc gia và 292 di tích cấp tỉnh. UBND tỉnh cũng đã quan tâm, đầu tư cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản thông qua các chủ trương hỗ trợ kinh phí lập hồ sơ xếp hạng, đón bằng xếp hạng di tích, cắm mốc giới bảo vệ, chống mối cho di tích. Hàng năm, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với các địa phương tổ chức tốt 25 lễ hội truyền thống gắn với các di tích, sắp xếp, bài trí tượng pháp và đồ tế khí, hướng dẫn tổ chức sinh hoạt văn hóa tâm linh, sưu tầm, kiểm kê, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể.

Trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, chúng ta vinh dự và tự hào khi dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hiện, có 7 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đang xây dựng, hoàn thiện 2 hồ sơ khác trình lên Bộ. Thực hiện chương trình hành động quốc gia về bảo vệ, phát huy dân ca ví, giặm, 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt đề án bảo vệ và phát huy di sản  dân ca ví, giặm giai đoạn 2019 - 2030. Đối với các di sản văn hóa phi vật thể khác, Sở Văn hóa và Thể thao cũng đang tiến hành kiểm kê khoa học giai đoạn 2018 - 2020 làm cơ sở cho việc lập danh mục và đề xuất phương án bảo vệ, phát huy di sản trước mắt và lâu dài.

Trong lĩnh vực bảo tàng, tại các địa phương, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức trưng bày, đón tiếp khách quan, công tác bảo quản, sưu tầm hiện vật được tiến hành thường xuyên. Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đang từng ngày đổi mới hoạt động, nâng cao chất lượng phục vụ du khách và giáo dục truyền thống. Bảo tàng Nghệ An hiện đã hoàn thiện dự án trưng bày nội thất, chuẩn bị mở cửa đón khách tham quan và tổ chức kỷ niệm 40 năm thành lập. Với nhiều nguồn tư liệu, hiện vật quý, trong đó có 3 bảo vật quốc gia sẽ là điểm hấp dẫn của nhân dân, du khách trong tương lai.

Có thể thấy, những kết quả đạt được trong những năm qua rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, một thực tế, Nghệ An là tỉnh rộng, địa bàn phức tạp, số lượng di sản văn hóa nhiều, nguồn ngân sách Nhà nước còn hạn chế nên trong công tác bảo tồn, phát huy di sản vẫn còn tồn tại một số bất cập như nguồn lực về tài chính đầu tư cho công tác bảo tồn, tôn tạo di tích còn hạn chế, chưa đủ đáp ứng nhu cầu thực tế. Nhận thức về di sản và trách nhiệm trong việc bảo vệ, phát huy di sản của một số cán bộ, người dân chưa cao. Ở một số địa phương, công tác quy hoạch, tu bổ, tôn tạo di tích còn thiếu tầm nhìn, chưa phù hợp, chưa tạo ra được nguồn thu xứng với tiềm năng. Các di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là di sản văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số đang có nguy cơ mai một, thất truyền, trong khi các giải pháp, bảo vệ, phát huy chưa thực sự hiệu quả. Bên cạnh đó, hoạt động bảo tàng chưa có nhiều đổi mới, chưa phát huy được giá trị, tiềm năng vốn có. Công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực từ cộng đồng trong bảo vệ, phát huy di sản còn hạn chế, thậm chí tại một số địa phương còn vi phạm Luật Di sản văn hóa.

Thiết nghĩ, di sản văn hóa là lĩnh vực hoạt động khó, đòi hỏi chuyên môn sâu và kiến thức rộng cả về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ. Hoạt động bảo vệ, phát huy di sản văn hóa dân tộc trên nhiều mảng di sản vật thể, phi vật thể diễn ra ở nhiều nơi, liên quan đến nhiều địa phương, nội dung có những vấn đề phức tạp, nhạy cảm. Vì vậy, các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân, trước hết là những người làm công tác bảo tồn và phát huy giá trị, đưa di sản văn hóa xứ Nghệ trở thành nguồn tài nguyên văn hóa, du lịch bền vững, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước, quê hương.

.

Phan Tuyết

.