Thứ Năm, 05/12/2019, 08:58 [GMT+7]

Bảo vệ, bảo tồn và phát huy di sản gốm sứ truyền thống

(Congannghean.vn)-Cổ vật gốm sứ là một bộ phận cấu thành quan trọng của di sản văn hóa Việt Nam. Trong những năm qua, việc bảo vệ di sản văn hóa, các di tích và cổ vật nói riêng đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển nền kinh tế, sự hình thành thị trường hàng hóa văn hóa nói chung, thị trường cổ vật và thị trường cổ vật gốm sứ nói riêng là tất yếu khách quan thì việc bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản cổ vật đang đứng trước những thách thức.
Trước ngày diễn ra khai mạc, rất đông người dân đến tham quan                            với khu trưng bày “Gốm sứ truyền thống”
Trước ngày diễn ra khai mạc, rất đông người dân đến tham quan với khu trưng bày “Gốm sứ truyền thống”
Trong lịch sử, sự ra đời của đồ gốm đã đánh dấu một mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của nhân loại. Đây cũng là một trong những nghề thủ công truyền thống lâu đời tại Việt Nam.  Bằng trí tuệ và đôi bàn tay khéo léo của mình, những người thợ gốm đã thổi hồn vào đất để đưa nghề gốm truyền thống Việt Nam ngày càng trở nên phổ biến, phong phú về thể loại, đa dạng về loại hình, không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng của các tầng lớp nhân dân  mà còn mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc.
 
Ở Nghệ An, đồ gốm xuất hiện sớm, từ văn hóa Hòa Bình, người Việt cổ đã biết dùng đất sét để làm nên những sản phẩm gốm sử dụng trong cuộc sống hằng ngày. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, nghề gốm dần mai một. Nhắc đến làng gốm phải kể đến làng nghề gốm Trù Sơn, Đô Lương. Đây là làng nghề được mệnh danh là cái nôi của nghề gốm xứ Nghệ. Nghề làm gốm không chỉ mang đến thu nhập, giải quyết việc làm lúc nông nhàn mà còn giúp người dân nơi đây gắn bó với nghề, lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống từ bao đời nay.  Hiện, cả tỉnh Nghệ An cũng chỉ còn làng gốm Trù Sơn còn “đỏ lửa”, tuy nhiên, đang hoạt động một cách cầm chừng.
 
 Làm thế nào để bảo tồn, phát huy giá trị khối di sản văn hóa liên quan đến nghề gốm, sứ truyền thống của dân tộc và hướng đi nào để phát triển nghề gốm trong bối cảnh giao lưu, hội nhập quốc tế như hiện nay là một câu hỏi lớn đang tìm lời giải đáp.
 
Để bảo tồn và phát huy giá trị những nghề, làng nghề truyền thống cũng là một cách để bảo tồn gốm sứ - cổ vật truyền thống của quê hương, thời gian qua, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đã quan tâm đầu tư kinh phí, công sức, trí tuệ, con người để xây mới, tôn tạo, tu bổ, nâng cấp và khai thác tiềm năng của di sản văn hóa, gắn với việc trưng bày, triển lãm và lễ hội, du lịch. Nhiều bảo tàng tư nhân, nhiều bộ sưu tập cá nhân đã được công chúng đón nhận và trân trọng, góp phần làm đa dạng, phong phú thêm bức tranh bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
 
Trong tháng 12 này, Bảo tàng Nghệ An phối hợp với các nhà sưu tập thuộc Chi hội Di sản cổ vật sông Lam tổ chức trưng bày chuyên đề “Gốm sứ truyền thống Việt Nam tại Nghệ An” với 3 chủ đề: Gốm từ thời Tiền sơ sử đến thế kỷ X ở Nghệ An; gốm sứ truyền thống Việt Nam từ thế kỷ XI đến thế kỷ XX và bảo tồn, phát huy giá trị nghề gốm sứ truyền thống. Hơn 400 tài liệu hình ảnh, hiện vật, đặc biệt là những sưu tập cổ vật quý hiếm như: Sưu tập bình vôi, sưu tập hũ, bình, bát, chóe  thời Lý - Trần, Lê - Nguyễn hứa hẹn sẽ đem đến cho công chúng những cảm nhận phong phú về nghề gốm truyền thống của dân tộc. Trưng bày sẽ thể hiện các quy trình sản xuất gốm truyền thống như khâu làm đất, tạo dáng sản phẩm, trang trí hoa văn, tráng men, nung đất, giúp người xem có cái nhìn chân thực về các sản phẩm gốm của Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng. 
 
Bà Phan Hà Long, Trưởng phòng Trưng bày, tuyên truyền giáo dục Bảo tàng Nghệ An cho biết: Đa dạng hóa hoạt động trưng bày, các hội viên của Chi hội cổ vật sông Lam có cơ hội giao lưu, học hỏi. Thông qua hoạt động trưng bày, kêu gọi các hội viên hiến tặng hiện vật cho bảo tàng. Hiện nay, số hiện vật đang tặng và đăng ký gần 160 hiện vật - những hiện vật có giá trị lịch sử và văn hóa. Năm nay, Bảo tàng Nghệ An tập trung hướng vào các hiện vật mà bảo tàng còn khuyết, còn thiếu. Trưng bày chuyên đề “Gốm sứ truyền thống Việt Nam”, hy vọng sẽ cung cấp thêm nguồn tư liệu quý, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho các tầng lớp nhân dân Nghệ An, đặc biệt là thế hệ trẻ thêm hiểu, thêm yêu về nghề gốm sứ truyền thống của dân tộc, từ đó nâng cao ý thức về bảo tồn và phát huy giá trị di sản; phát triển nghề truyền thống nhằm góp phần phát triển kinh tế của địa phương, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
.

Phan Tuyết

.