Thứ Ba, 31/12/2019, 09:02 [GMT+7]

'Bữa cơm tình thương' cho các em học sinh nghèo miền núi

(Congannghean.vn)-Tuy điều kiện còn khó khăn, thiếu thốn nhưng đã hơn 3 năm nay, tập thể giáo viên Trường Tiểu học Châu Phong 1, huyện Quỳ Châu vẫn tự nguyện trích tiền lương ít ỏi của mình để tổ chức “Bữa cơm tình thương” cho các em học sinh nghèo và nhà ở xa điểm trường.

Các thầy, cô giáo Trường Tiểu học Châu Phong 1, huyện Quỳ Châu chăm lo bữa trưa cho các em học sinh
Các thầy, cô giáo Trường Tiểu học Châu Phong 1, huyện Quỳ Châu chăm lo bữa trưa cho các em học sinh

Tùng…tùng…tùng….tùng !!! 11 giờ trưa, khi những tiếng trống trường vang lên cũng là lúc những tiếng ê a học bài vừa dứt, thay vào đó là tiếng gọi nhau í ới của lũ trẻ. 30 em học sinh ở điểm trường lẻ (đóng ở bản Ban, xã Châu Phong) Trường Tiểu học Châu Phong 1 cùng nhau có mặt tại nhà công vụ, nhanh chóng ngồi vào ghế, trên bàn những khay cơm cùng thức ăn đã được thầy cô chuẩn bị sẵn. Thực đơn trưa hôm nay gồm món trứng rán, cá nục kho và rau cải xào cùng bát canh măng. Những gương mặt lộ rõ vẻ háo hức, rạng ngời nhanh tay lấy đũa, thìa xúc cơm ăn ngon lành.

Chỉ sau khoảng 10 - 15 phút, các em đều đã ăn xong và đứng dậy dọn dẹp, lau sạch bàn ăn. Các bạn nam học lớp 4, lớp 5 thì xếp bàn ghế, còn các bạn nữ thì cùng nhau rửa các khay đựng thức ăn, phơi khô sạch sẽ. 11 giờ 45 phút, các em nối đuôi nhau vào phòng ngủ trưa dưới sự kiểm soát của 4 thầy, cô giáo.

Đều đặn như vậy đã hơn 3 năm nay, với mong muốn giúp đỡ các em có bữa trưa đầy đủ chất dinh dưỡng, các thầy cô Trường Tiểu học Châu Phong 1 đã góp tiền duy trì hoạt động “Bữa cơm tình thương”. Hiện, nhà trường có 387/403 học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, hoàn cảnh rất khó khăn. Trước đây, để thuyết phục được phụ huynh cũng như các em đến trường đã khó, giữ các em ở lại trường học còn khó hơn. Vì vậy, để động viên, khuyến khích các em đi học, từ năm học 2017 - 2018 đến nay, Ban Giám hiệu nhà trường giao cho thầy cô chủ nhiệm các lớp tìm hiểu và xác minh hoàn cảnh của các em học sinh. Theo đó, nhà trường sẽ chọn 30 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhất và ở những bản xa như bản Bua, bản Chiềng, bản Khe Chan, bản Tóng… để tham gia “Bữa cơm tình thương”.

Để duy trì “Bữa cơm tình thương”, hàng tháng cán bộ quản lý của trường mỗi người đóng góp 100 nghìn đồng; còn giáo viên, nhân viên mỗi người đóng góp 50 nghìn đồng để lấy tiền mua thực phẩm nấu bữa trưa cho các em. Để tiết kiệm tài chính và cung cấp nguồn rau sạch, tận dụng khoảng đất trống trong khuôn viên trường, các thầy cô tranh thủ những ngày nghỉ đã cùng nhau cuốc cỏ, vun luống, trồng đủ loại rau xanh. Được biết, do tính chất công việc nên việc đi chợ, nấu cơm cho 30 em học sinh hiện đang do cô Lữ Thị Hồng Lan, nhân viên y tế trường đảm nhiệm chính. Tranh thủ giờ ra chơi, các thầy cô khác tranh thủ nhặt rau, sơ chế biến thức ăn. Sau khi các em ăn trưa xong, sẽ về ngủ trưa ở các phòng trong nhà công vụ của trường. Nhà trường phân công 4 thầy cô/ngày phụ trách quản lý, đảm bảo an toàn cho các em khi ngủ trưa.

Khi bắt đầu thực hiện, các thầy, cô giáo gặp rất nhiều khó khăn như: Thiếu nồi niêu, xoong chảo, khay ăn, cốc uống nước, chăn ấm, sạp gỗ ngủ trưa…Để khắc phục, mỗi thầy cô lại trích đồng lương ít ỏi của mình để mua sắm những đồ dùng thiết yếu nói trên, đồng thời, tiến hành sửa chữa lại phòng nhà công vụ để làm nơi ăn, ngủ cho các em. Đặc biệt, từ khi được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tặng một bộ bếp gas, các thầy cô đã không còn phải hì hục nấu bếp củi. Cùng với đó, từ nay, 30 em học sinh đã có những giấc ngủ trưa ấm áp hơn khi được một Đoàn tài trợ tặng những chiếc chăn ấm.

“Trong từng bữa ăn, chúng tôi luôn cố gắng cân bằng, đổi món, đảm bảo dinh dưỡng, đủ chất cho các em. Ở đây, thực phẩm được mua, chế biến và sử dụng hết trong ngày. Tuy hoàn cảnh các thầy cô trong trường đa số cũng đều đang khó khăn, song các thầy cô luôn đồng lòng, hết sức ủng hộ quỹ trong việc duy trì bữa ăn trưa cho các em học sinh nghèo. Từ đó, góp phần động viên, khích lệ các em cố gắng vượt khó vươn lên trong học tập. Đồng thời, duy trì được chương trình học hai buổi/ngày và đặc biệt là giữ các em ở lại trường, tránh trường hợp các em bỏ học giữa chừng. Từ khi triển khai đến nay, hoạt động này đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình của cấp trên, chính quyền địa phương và phụ huynh học sinh”, cô Trần Thị Ái Liên, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

.

Thu Thủy

.