Thứ Năm, 05/12/2019, 09:02 [GMT+7]

Người thầy với hơn 20 năm 'gieo chữ' vùng cao

(Congannghean.vn)-Hơn 20 năm trong sự nghiệp trồng người, thầy giáo Lộc Huy Du (SN 1975) trú tại xã Cam Lâm, huyện Con Cuông đã gắn bó với học sinh miền núi, cùng các đồng nghiệp miệt mài “gieo chữ”, góp phần vào sự đổi thay các bản làng ở vùng cao.
Thầy giáo Lộc Huy Du trao truyền kiến thức cho học trò
Thầy giáo Lộc Huy Du trao truyền kiến thức cho học trò
Năm 1998, sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm Văn, Trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An, mang theo hoài bão của tuổi trẻ, thầy giáo Lộc Huy Du được phân công về giảng dạy tại Trường Dân tộc nội trú Châu Thôn, huyện Quế Phong; 3 năm sau, thầy Du được chuyển về công tác tại Trường THCS Cam Lâm, huyện Con Cuông. Từ năm 2008 đến nay, thầy Du gắn bó với ngôi trường THCS Môn Sơn, huyện Con Cuông với nhiều dấu ấn. Với nhiệt huyết và tình yêu nghề, thầy Du đã mang một luồng gió mới, với phương pháp dạy học sáng tạo, tạo nên những tiết học Ngữ Văn lý thú, bổ ích, thu hút các em học sinh. Đặc biệt, bên cạnh công tác chuyên môn giảng dạy, với cương vị là “thủ lĩnh” Công đoàn của trường, thầy Du cùng các đồng nghiệp tích cực “vào tận nhà, gõ từng cửa” để vận động học sinh đến trường. 
 
Đầu năm học mới luôn là thời điểm các thầy cô phải tập trung vận động để đưa học sinh trở lại lớp sau kỳ nghỉ hè, nhất là học sinh ở 2 bản Cò Phạt và bản Búng - nơi người Đan Lai nhiều đời sinh sống. Ở đây, trong thời gian được nghỉ hè, các em theo bố mẹ đi làm rẫy, thậm chí ở luôn trên lán trong rừng để đỡ đi lại vất vả. Do đời sống còn khó khăn nên phụ huynh nơi đây chưa quan tâm tới việc cho con em đến trường, vì thế, các thầy cô lại phải làm công tác “vận động tư tưởng”. Trước đây, để vào được bản Cò Phạt và bản Búng, chỉ có một con đường duy nhất là đi xuồng ngược sông Giăng. Vào mùa nước cạn, thuyền không đi được, thầy Du và đồng nghiệp phải cuốc bộ gần ngày trời mới đến nơi được. 
 
Thời gian gần đây, tuy đường sá đã được đầu tư, song do lũ lụt, sụt lở thường xuyên xảy ra khiến đường trơn trượt, thậm chí bị đá lở che lấp nên thầy Du cùng đồng nghiệp cũng rất vất vả, trầy trật mỗi khi chạy xe máy để vào 2 bản. Hơn 10 năm gắn bó với Môn Sơn, thầy Du đã quen với những cung đường dẫn xuống bản, vào từng ngôi nhà. Đến nay, thầy không nhớ rõ đã bao nhiêu lần ngược suối, băng rừng vận động học sinh đi học. Chỉ biết rằng, sau đó, nhiều cô cậu học trò đã quay lại trường, tiếp tục theo đuổi con chữ…
 
Vận động các em học sinh trở lại trường đã khó, giữ các em ở lại học tập lại càng khó hơn. Trước thực trạng các em hay bỏ học về nhà không xin phép và sinh hoạt tự do, không biết vệ sinh cá nhân…, Công đoàn nhà trường đã phối hợp với Đồn Biên phòng Môn Sơn tận tình hướng dẫn và rèn luyện cho các em nề nếp sinh hoạt hàng ngày như tự vệ sinh cá nhân, xếp chăn màn gọn gàng, tập thể dục buổi sáng… Đặc biệt, dù Trường THCS Môn Sơn không thuộc diện bán trú nhưng do tính chất đặc thù đường sá đi lại hiểm trở, nhà trường đã tổ chức cho hơn 70 em học sinh đồng bào dân tộc Đan Lai được ở lại ký túc xá của trường. Công đoàn đã phối hợp với Lãnh đạo nhà trường tổ chức hỗ trợ, trích kinh phí để thuê người nấu ăn cho các em; phân công các nhóm giáo viên quan tâm, theo dõi sâu sát, đảm bảo chế độ ăn uống, ngủ, nghỉ… của các em học sinh. 
 
Ngoài ra, Công đoàn nhà trường cũng rất chú trọng, quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên trong các dịp lễ Tết, thăm hỏi khi đau ốm, hiếu hỉ... Hiện, Trường THCS Môn Sơn có 31 cán bộ, giáo viên, trong đó có một số giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, chưa có nhà ở. Với vai trò Chủ tịch Công đoàn nhà trường, thầy Du đã tham mưu và kêu gọi các công đoàn viên khác cùng chung tay, góp sức với tinh thần “lá lành đùm lá rách” ủng hộ tiền cho các giáo viên; đề xuất với Liên đoàn lao động cấp trên để có những chế độ hỗ trợ kịp thời với các giáo viên có hoàn cảnh khó khăn... Bên cạnh đó, để tạo không khí phấn khởi, tái tạo năng lượng sau những giờ dạy học căng thẳng, mệt nhọc, thầy Du đã khởi xướng nhiều sân chơi bổ ích cho cán bộ, giáo viên như CLB bóng chuyền, bóng đá, văn nghệ… 
 
Với những thành tích xuất sắc trên, vừa qua, thầy giáo Lộc Huy Du là một trong 9 cá nhân được Liên đoàn Lao động tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác (1969 - 2019) và 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (1929 - 2019).
.

THU THỦY

.