Thứ Ba, 28/01/2020, 08:18 [GMT+7]

Tết Việt trong mắt thầy giáo tình nguyện viên Hàn Quốc

(Congannghean.vn)-Với những người nước ngoài đang sinh sống, làm việc, học tập tại Việt Nam, được ăn Tết của Việt Nam luôn mang lại những trải nghiệm thú vị và đáng nhớ. Bởi đó là khoảnh khắc họ được hòa mình cùng phong tục, tập quán của người dân địa phương, khám phá những nét văn hóa độc đáo trong ngày Tết cổ truyền. và thầy giáo tình nguyện viên người Hàn Moon Kyoung Min cũng không ngoại lệ.
Thầy Moon Kyoung Min chia sẻ về công việc tại Việt Nam
Thầy Moon Kyoung Min chia sẻ về công việc tại Việt Nam
Những kỷ niệm ở Việt Nam
 
Thầy Moon Kyoung Min, tình nguyện viên của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) hiện đang làm việc tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp (KTCN) Việt Nam - Hàn Quốc trông trẻ hơn rất nhiều so với độ tuổi ngoài 40 của mình. Sự trẻ trung, sôi nổi, năng động và đầy nhiệt huyết là những điều hội tụ ở thầy giáo người nước ngoài này. Đó cũng chính là điểm thu hút của thầy Moon khiến thầy nhận được nhiều tình cảm yêu mến của các sinh viên. 
 
Sau gần 2 năm gắn bó với Việt Nam, đặc biệt là quãng thời gian tình nguyện tại Trường Cao đẳng KTCN Việt Nam - Hàn Quốc, thầy Moon đã dành cho mảnh đất cũng như con người xứ Nghệ nhiều tình cảm đặc biệt. Với khát khao được cống hiến sức mình cho đất nước, khi còn ở Hàn Quốc, thầy Moon là một trong những tình nguyện viên tích cực của nhiều chương trình tình nguyện do Chính phủ nước này tổ chức. Đó cũng chính là lý do thầy Moon trở thành tình nguyện viên của KOICA. 
 
Sau khi đăng ký tham gia tình nguyện tại Việt Nam, trước khi về giảng dạy tại Trường Cao đẳng KTCN Việt Nam - Hàn Quốc, thầy Moon có hơn 2 tháng học tiếng Việt tại Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh. Đó cũng là lần đầu tiên thầy Moon đến Việt Nam. Sự năng động, nhộn nhịp của thành phố mang tên Bác khiến thầy cảm nhận được nhịp sống hiện đại, tươi trẻ của Việt Nam. Cũng chính vì thế mà sau khi hoàn thành khóa học tiếng Việt, ra Nghệ An nhận công tác, thầy Moon không khỏi ngạc nhiên. Thầy chia sẻ: “Nhịp sống nhộn nhịp ở Sài Gòn khiến tôi không thấy quá khác biệt so với ở Hàn Quốc. Thế nhưng, khi đến Nghệ An, tôi khá sốc vì sự yên bình ở đây. Những hôm đầu tiên ở trường, tôi khá vất vả khi đi tìm các cửa hàng, bởi mới chỉ hơn 9 giờ tối nhưng nhiều quán xá đã đóng cửa. Giờ thì quen rồi, lại cảm thấy yêu sự yên bình, tĩnh lặng của thành phố này”.
 
So với những tình nguyện viên của KOICA trước đây, công việc của thầy Moon Kyoung Min có nhiều thuận lợi hơn. Bởi hiện nay, nhà trường đã thành lập khoa tiếng Hàn. Mặt khác, để tạo thuận lợi nhất cho giáo viên nước ngoài, nhà trường đã đầu tư xây dựng hệ thống phòng làm việc, nghiên cứu với cơ sở vật chất hiện đại, đầy đủ. Thầy Moon cho rằng, đó là một may mắn lớn của mình. Theo chương trình của Dự án KOICA, mỗi tình nguyện viên có 2 năm để thực hiện công việc của mình. Trong hơn 1 năm qua, thầy Moon đã tổ chức dạy tiếng Hàn miễn phí, giới thiệu văn hóa Hàn Quốc, tổ chức hội thảo chuyên đề cùng giáo viên tiếng Hàn của địa phương và nhiều hoạt động có ý nghĩa tại Việt Nam.
Thầy Moon Kyoung Min và các                   sinh viên Trường    Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc
Thầy Moon Kyoung Min và các sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc
Tết Việt trong mắt thầy giáo Hàn
 
Gần 2 năm công tác tại Việt Nam, thầy Moon đã có những kỷ niệm đáng nhớ với các bạn sinh viên xứ này. Sự cần cù, chịu khó, ham học hỏi của các sinh viên khiến thầy Moon thực sự cảm phục. Sau hơn 1 năm giảng dạy, khả năng nghe nói tiếng Hàn của các bạn tốt lên rất nhiều. Điều này càng khiến thầy cảm thấy công việc mình đang làm trở nên có ý nghĩa. Đó cũng là lý do thầy dành toàn bộ thời gian cho các bạn sinh viên. Ngoài việc dạy tiếng Hàn, thầy dành nhiều thời gian giới thiệu văn hóa, phong tục tập quán, lễ nghi của Hàn Quốc để các bạn sinh viên làm quen, tìm hiểu, tạo thuận lợi cho công việc ở Hàn Quốc sau này. 
 
Khoảng thời gian gắn bó với Việt Nam đã giúp thầy khám phá thêm nhiều nét văn hóa, phong tục độc đáo của đất nước, con người nơi đây. Trong đó không thể không nhắc đến ngày Tết cổ truyền của Việt Nam. Thời gian 2 tháng học tiếng Việt trùng với khoảng thời gian gần Tết Nguyên đán của người Việt, đó cũng là cái Tết đầu tiên ở Việt Nam của thầy. Xa gia đình trong dịp năm mới, thầy Moon chọn cách đi du lịch để khỏa lấp nỗi nhớ nhà cũng như để thăm thú, tận hưởng không khí đón năm mới ở phương xa. Tết năm đó, thầy Moon đã đến Đà Lạt, hòa mình với những lễ hội đầu Xuân đặc sắc. Tại đây, thầy bắt gặp nhiều gia đình đi du lịch dịp đầu năm. Điều này khiến thầy khá bất ngờ. Bởi trong suy nghĩ và tìm hiểu của thầy Moon, ngày Tết ở Việt Nam mọi người sẽ dành nhiều thời gian để ở bên gia đình, bạn bè. Thế nhưng, phải đến Tết Nguyên đán vừa rồi, thầy mới được trải nghiệm cảm giác đón Tết thực sự ở Việt Nam. “Không khí mua sắm nhộn nhịp của mọi người khiến tôi thực sự háo hức, tò mò về ngày Tết của các bạn. Do nhiều tương đồng về văn hóa nên không khí đón Tết cổ truyền ở Việt Nam có nhiều nét giống với Hàn Quốc. Đó là vào ngày đầu năm mới, mọi người thường giành thời gian cho gia đình, thực hiện các nghi lễ, lì xì và đi thăm hỏi, chúc Tết bà con, anh em, quây quần bên mâm cơm đoàn viên thưởng thức các món ăn truyền thống. Điều này khiến tôi cảm nhận được sự ấm cúng, thân thuộc như ở đất nước của mình vậy”, thầy Moon chia sẻ. 
 
Năm nay là năm thứ 3 ăn Tết ở Việt Nam, thầy Moon cảm thấy may mắn vì điều đó. Mỗi cái Tết lại là những trải nghiệm khác nhau. Dịp này, thầy nhận được nhiều lời mời du Xuân từ những đồng nghiệp, tuy nhiên, thầy lại muốn giành thời gian để tự mình đi du lịch, khám phá nhiều địa danh nổi tiếng của Việt Nam. Thầy Moon cho biết: Tết này thầy sẽ dành thời gian ở Nha Trang. Ở đó khách du lịch rất đông, vì vậy, thầy sẽ có cơ hội làm quen với những người bạn mới trên khắp muôn phương, cùng họ chờ đón khoảnh khắc đón năm mới tại đất nước Việt Nam xinh đẹp. Sau kỳ nghỉ Tết, thầy Moon sẽ tiếp tục dành thời gian để đi tham quan các khu vực vùng núi phía Bắc của Việt Nam.
.

Khánh Vân