Thứ Năm, 15/10/2020, 08:57 [GMT+7]

Lập hàng loạt 'phường' để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

(Congannghean.vn)-Cơ quan CSĐT Công an huyện Đô Lương vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Võ Thị Hương (SN 1961) trú tại xóm Lưu Quang, xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Bị can Võ Thị Hương
Bị can Võ Thị Hương
 
Trong mắt nhiều người dân xóm Lưu Quang, xã Lưu Sơn và khu vực lân cận, Võ Thị Hương là một người phụ nữ tháo vát, đảm đang. Kinh doanh ki-ốt nhỏ ở chợ, chồng không nghề nghiệp gì, lại có đến 5 người con, tuy nhiên, gia đình Hương có cuộc sống khá đầy đủ. Thế nhưng, thân quen trong giới kinh doanh ở chợ Sỏi - Lưu Sơn đều biết rõ, ngoài buôn bán lặt vặt, Hương còn là “bà chủ” của rất nhiều “phường”. 
 
Thực ra, chơi “phường” không có gì mới mẻ, nó xuất hiện từ khá lâu trong đời sống của người dân. “Phường” được xác định là một hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán, được thực hiện dựa trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người cùng tập hợp lại với nhau để định ra số người chơi, thời gian tham gia, số tiền hoặc tài sản khác, phương thức góp, cách thức lĩnh cũng như quyền và nghĩa vụ của các thành viên. Đối với những người cần tiền gấp, thường là những người dân nghèo, “phường, hụi” có thể là cách thức dễ dàng và nhanh chóng nhất để họ có một số vốn làm ăn và thoát khỏi tình cảnh nguy cấp hiện tại. Vì thế, nhiều người đã không ngại ngần tham gia các “dây phường”, nhất là tại các vùng quê nông thôn, dù đã nhiều lần được cảnh báo về những rủi ro có thể xảy ra.
 
Trở lại với trường hợp của Võ Thị Hương. Nắm bắt thời cuộc, Hương lập “phường” từ sớm - năm 1996. Đối tượng bắt đầu từ những người thân quen, bạn bè rồi mở rộng ra địa bàn xã Lưu Sơn và khu vực lân cận. Cách thức mà Hương tổ chức được thống nhất như sau: Một số người có nhu cầu đi “phường” sẽ gặp trực tiếp Võ Thị Hương để đăng ký vào “phường”, một số khác thì Hương sẽ tự liên hệ tham gia “phường”. Khi mọi người đăng ký vào “phường” thì Hương sẽ ghi vào một tờ giấy nháp. Đến tháng đầu tiên mọi người nộp tiền đầy đủ, Hương ghi danh sách chính thức những người tham gia dây "phường" vào sổ để theo dõi. Hàng tháng, đến ngày đấu “phường”, những người có nhu cầu “đấu” sẽ trực tiếp đến ki-ốt của Hương ở chợ Sỏi, xã Lưu Sơn để đấu, hoặc gửi người đấu “phường”, cũng có thể nhờ Hương ghi hộ. Khi đấu “phường”, Hương sẽ phát một tờ giấy để ghi họ tên và số tiền đấu, sau đó mọi người đưa phiếu cho Hương để Hương công khai số tiền đấu. Người nào cao hơn sẽ trúng “phường”.  Trong vòng 5 ngày kể từ ngày đấu “phường”, Võ Thị Hương có trách nhiệm thu tiền của những người trong dây “phường” để đưa cho người đã đấu trúng “phường”. Riêng Võ Thị Hương được trúng “phường” suất thứ ba nguyên suất và được hưởng lời các tháng tiếp theo.
 
Lúc đầu mới thành lập, số tiền trong các dây “phường” của Hương là từ 50.000 - 100.000 đồng.  Nhưng những năm sau, số tiền cứ tăng dần lên cho đến 2 triệu đồng. Ở mỗi dây “phường”, Hương đều tham gia và hàng tháng đều đặn, Võ Thị Hương đều nộp tiền vào các dây “phường”. Đó cũng chính là nguyên nhân cho hành vi vi phạm pháp luật sau này của Hương. Bản thân Hương không có nghề nghiệp ổn định, chỉ kinh doanh một ki-ốt nhỏ tại chợ, chồng cũng chỉ ở nhà, trong khi nuôi 5 người con ăn học. Áp lực cơm áo gạo tiền cộng với việc phải dồn tiền cho các dây “phường” khiến Hương rơi vào cảnh mất khả năng trả nợ “phường” cho những người tham gia.  Bí bách, Võ Thị Hương đã nghĩ ra cách lập các “phường” mới để lợi dụng vào các dây “phường” rồi hợp thức hóa nhằm chiếm đoạt tiền của những người tham gia dây “phường” hòng có tiền trả nợ.
 
Do những người tham gia trong dây không biết nhau và mỗi lần đấu "phường" không có mặt đầy đủ, chỉ khoảng 3 - 5 người nên Hương đã lừa những người trúng "phường" mà không có mặt rằng họ không trúng. Đối với những người không có nhu cầu đấu "phường" thì Hương thông báo chính Hương đã trúng "phường" để thu tiền của họ về cho mình. Nếu người  đấu “phường” tò mò muốn biết ai trúng thì Hương sẽ tự “bịa” ra một cái tên bất kỳ nào đó.
 
Đến ngày 23/4/2020, do không có khả năng trả nợ nên Võ Thị Hương đã rời khỏi địa phương. 1 tuần sau, Hương trở về nhà và dừng mọi hoạt động của các dây “phường”... Tính đến thời điểm hiện tại, Võ Thị Hương đã chiếm đoạt gần 1 tỉ đồng. Những người tham gia đấu “phường” của Hương, có người mất vài triệu đồng nhưng cũng có người lên đến hàng chục triệu đồng - một con số không nhỏ với người dân ở nông thôn. 
 
Hiện, Công an huyện Đô Lương đang tiếp tục điều tra mở rộng. Vụ việc trên cũng là lời cảnh tỉnh cho những người dân, nhất là ở các vùng quê khi quyết định chơi “phường, hụi”. Trên thực tế, việc chơi “phường”, đấu “phường” chỉ kết nối nhau bằng tín chấp; nghĩa là người chơi góp vốn bằng niềm tin chứ không có tài sản bảo đảm. Vì thế, mỗi người dân cần tự nâng cao nhận thức để bảo vệ tài sản của chính mình.
.

TUỆ TRANG

.