Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201302/26271-cai-tet-xa-nha-dau-tien-cua-pham-nhan-9x-392548/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201302/26271-cai-tet-xa-nha-dau-tien-cua-pham-nhan-9x-392548/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Cái Tết xa nhà đầu tiên của phạm nhân 9X - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 20/02/2013, 13:42 [GMT+7]
26271

Cái Tết xa nhà đầu tiên của phạm nhân 9X

Giờ đây, đối mặt với bốn bức tường đá lạnh lẽo, Quý có muốn được trở về cùng gia đình để được hưởng không khí sum họp của một cái tết cổ truyền cũng không được nữa rồi. Nhưng đó chính là cái kết cục mà cậu phải chịu vì con đường lầm lỗi mình đã gây ra…
 
Niềm hy vọng của gia đình
 
Nguyễn Văn Quý (23 tuổi) được sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Cũng vì thế, cơ may cho cậu được thừa hưởng tài năng của cha mẹ và sự dạy dỗ hết sức ân cần. Gia đình Quý cũng như thầy cô nhận thấy ở cậu khả năng của một nghệ sĩ múa tương lai. Để hy vọng con trai có thể sớm thành tài và đạt được những gì gia đình mong muốn, bố mẹ Quý gửi cậu xuống Hà Nội ăn học từ sớm.

Tại Thủ đô phồn hoa này, khả năng của Quý càng được bộc lộ và được nhiều thầy cô giáo đánh giá là có nhiều triển vọng. Thế nhưng, chính Nguyễn Văn Quý đã phản bội lại niềm tin và sự kì vọng của gia đình, trong cậu nảy sinh tâm lý tự mãn và đi lạc khỏi con đường ban đầu thầy cô và bố mẹ cậu đã định hướng.
 
Trong thời gian đi học ở Hà Nội, ban đầu Quý cũng hết sức chú tâm vào việc học tập và đạt nhiều kết quả khả quan đúng như mong đợi. Thế nhưng, cái nghiệp nghệ sĩ đã ám vào người cậu sinh viên trẻ quá sớm.
 
Trong những lần đi diễn theo lời mời “ngoài luồng”, sau khi kết thúc buổi diễn thay vì về nhà để nghỉ ngơi để giữ sức khỏe cho các buổi học thì Quý lại chìm trong men rượu. Những buổi nhậu đến với Quý như là một điều không thể thiếu trong cuộc sống, nó diễn ra ngày qua ngày, thâu đêm suốt sáng và vắt kiệt cả thể chất lẫn trí óc của cậu sinh viên trẻ đầy triển vọng này.
 
Hơn nữa, với bản lĩnh chưa đủ để chống chọi với những cám dỗ, Nguyễn Văn Quý bị lôi kéo bởi các trò vui cờ bạc, đỏ đen cũng giống như nhiều cậu sinh viên khác.
 
Quý sa vào những tệ nạn ấy tất cả do những bạn bè xấu lôi kéo. Thấy cậu có vẻ hiền lành và dễ lợi dụng, nhiều kẻ xấu giở trò gạ gẫm và dạy cho Quý biết cách đánh “lô đề” cùng nhiều trò cờ bạc khác. Với cậu sinh viên từ Thái Nguyên xuống Hà Nội học, những lần thắng “lô-đề” hàng trăm ngàn đã là số tiền quá lớn mà cậu không thể từ chối. Hơn nữa, các cuộc rượu chè của Quý cũng cần phải có tiền chi trả.
 
Là sinh viên, chưa thể tự kiếm được một số tiền lớn nên Quý cũng xem việc kiếm tiền từ “lô-đề” là một cách “hay” đối với cậu lúc ấy. Bị tiền che mắt, Quý đâm ra nghiện những trò đỏ đen này và cậu bắt đầu nướng tiền vào chúng không thương tiếc, dù cho có thua bao nhiêu đi chăng nữa cũng không khiến cậu từ bỏ.
 
Theo như những gì Quý tâm sự, ngoài những thói hư tật xấu mà cậu đã bị tiêm nhiễm kể trên, việc cậu cần nhiều tiền hơn nữa đó chính là để cung phụng cô người yêu xinh đẹp.
 
Quen nhau được một thời gian, để ra oai với đám bạn và cũng là một người chiều người yêu, Quý đã tiêu hết cả số tiền thu nhập ít ỏi của mình cùng số tiền gia đình gửi. Để có thêm tiền, dĩ nhiên ngoài việc đi làm thêm bằng các buổi diễn, Quý cũng “huy động” nhiều tiền của gia đình bởi các lí do chính đáng mà cậu có thể nghĩ ra. Nhưng rồi, sau nhiều lần như vậy, lòng tin của gia đình dành cho cậu cũng không còn.
 
Cũng từ lúc “cạn” nguồn tiền từ gia đình, Quý bắt đầu nghĩ tới việc vay mượn của người thân, bạn bè để có tiền tiêu xài và đốt vào các trò đỏ đen, cờ bạc. Mỗi ngày, số tiền nợ của Quý càng tăng cao đến nỗi hy vọng trả nợ của cậu đã là con số 0 tròn trĩnh. Bị bạn bè, chủ nợ đòi tiền gắt gao, Quý bắt đầu thấy lo sợ vì không còn khả năng chi trả. Đến lúc này, cậu bắt đầu nghĩ quẩn và lên kế hoạch để kiếm tiền nhanh nhất có thể. Dĩ nhiên, để có một số tiền lớn để trả nợ, Nguyễn Văn Quý đã gây ra một vụ lừa đảo mà cho đến giờ cậu vẫn cảm thấy hối hận khôn nguôi.
 
Lạc lối
 
Lên kế hoạch một cách kĩ càng, Nguyễn Văn Quý nghỉ học để nộp hồ sơ xin vào làm việc cho hãng taxi Alpha. Là một sinh viên có lí lịch sạch sẽ cùng với vẻ mặt hiền lành, dĩ nhiên Quý nhận được sự tin tưởng của người tuyển dụng.
 
Vào 15h ngày 14/4/2011, Quý được công ty giao xe để bắt đầu làm việc. Nhưng theo kế hoạch mà Quý đã bàn tính từ trước, cậu đã cùng một người quen biết mang chiếc xe của công ty đến “đặt” tại cửa hiệu cầm đồ trên địa bàn phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội để lấy 10 triệu đồng rồi cả hai bỏ trốn.
 
Tưởng rằng kế hoạch sẽ thành công trót lọt và không ai tìm ra mình, Quý cầm số tiền để tiêu xài cùng đồng bọn thay vì thanh toán tất cả nợ nần. Nhưng dù kế hoạch của Quý có tính kĩ đến như thế nào đi chăng nữa cũng không thể qua mắt được các chiến sĩ Công an.
 
Bằng các kĩ năng nghiệp vụ, đến chiều 26/4, sau khi xác định được vị trí chính xác của đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Từ Liêm đã phục kích và bắt giữ Nguyễn Văn Quý. Lúc này, Quý đang lẩn trốn tại khu vực gần nhà người yêu trên địa bàn phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Đến chiều 28/4, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Từ Liêm đã tạm giữ hình sự Nguyễn Văn Quý về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
 
Ngay sau đó, phiên tòa xét xử tội danh của Quý diễn ra, án phạt 42 tháng giống như tiếng sét đánh ngang tai với cậu cũng như gia đình. Bố mẹ Quý có lẽ chẳng thể tin được rằng đứa con mình mong mỏi biết bao nhiêu lại có thể làm họ thất vọng như vậy.
 
Sau khi được tại ngoại một thời gian, Quý đi thụ án ở Trại tạm giam Công an tỉnh Thái Nguyên. Với lí lịch tốt trước khi phạm tội, cậu được giữ lại để lao động trong trại tạm giam. Đối với một người tù, điều đó còn tốt hơn rất nhiều với việc phải đối mặt với bốn bức tường đá lạnh lẽo.
 
Nhắc về gia đình, Quý đượm buồn khi nghĩ về cha mẹ và em trai của mình. Chỉ một phút nông nổi, cậu đã lạc đi khỏi con đường tốt đẹp mà cha mẹ đã tạo dựng cho từ đầu. Quý vô cùng hối hận nhưng nghĩ theo cách tích cực, may sao tội lỗi của cậu chưa phải quá nặng nề so với nhiều trường hợp vì tiền mà phạm phải những tội ác tày trời. Chính Quý cũng cho rằng, đây là một đòn đau nhớ đời nhưng cậu vẫn có cơ hội làm lại từ đầu, còn tốt hơn nhiều kẻ nhúng chân quá sâu vào tội ác.
 
Khi hỏi về cái Tết sắp tới, vẻ mặt đượm buồn, Quý tâm sự: “Mỗi tháng gia đình em lại gửi đồ tiếp tế, nhưng gần đến Tết rồi, nhìn vẻ mặt của bố mẹ mỗi khi đến thăm em biết bố mẹ buồn lắm. Vào đây em mới thấm cái nỗi khổ không được đoàn tụ cùng gia đình, thế mới biết được mình dại thế nào…”.
 
Quả đúng thật, nếu ai nhìn vào trường hợp của Nguyễn Văn Quý cũng thấy cậu đã quá dại dột. Nếu không sa vào tội lỗi, giờ đây Quý đã tốt nghiệp và có khả năng trở thành một nghệ sĩ tài năng. Nhưng rốt cuộc, con đường cậu chọn là tù tội. Ở nơi đây, Quý có thời gian để sám hối để nghĩ lại những sai lầm của mình và chắc chắn cậu sẽ không bao giờ phạm phải một lần nữa.
 
Và cái Tết ở trong trại giam có lẽ sẽ không bao giờ Nguyễn Văn Quý có thể quên, dù nó cũng có đầy đủ hương vị Tết từ bánh trưng, mứt ngọt đến cành mai, đào. Nhưng thứ quan trọng nhất mà cậu không có chính là khoảnh khắc ở bên gia đình, sự ấm cúng trong vòng tay và tình thương yêu của cha mẹ.
 
Câu chuyện của cậu có lẽ sẽ được nhiều bạn bè kể lại như một lời răn đe với những người bạn học đi vào con đường lầm lỗi. Và hy vọng rằng, sau khi mãn hạn tù, Quý có thể làm lại cuộc đời một cách tốt nhất với những kì vọng của gia đình. Để rồi câu chuyện của cậu có một hồi kết tốt đẹp hơn để có thể cho những sinh viên trẻ có thể lấy đó làm bài học. Quan trọng nhất, đó chính là sự tự do, được ở bên gia đình, đón những cái Tết đầm ấm.

CSTC
.