Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201312/cau-be-lop-5-mo-cua-bat-oc-nuoi-ba-noi-425304/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201312/cau-be-lop-5-mo-cua-bat-oc-nuoi-ba-noi-425304/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Cậu bé lớp 5 mò cua, bắt ốc nuôi bà nội - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 07/12/2013, 13:51 [GMT+7]

Cậu bé lớp 5 mò cua, bắt ốc nuôi bà nội

(Congannghean.vn)-Khuôn mặt gầy, đen sạm vì nắng gió. Tuổi thơ của em không được may mắn như các bạn cùng trang lứa. Bố mẹ chia tay rồi bỏ đi biệt xứ khi em vừa tròn 4 tháng tuổi, được chăm bẵm bởi tiếng ầu ơ, ôm ấp của bà nội. Lớn lên một chút, sau những buổi đến lớp, em lại cặm cụi bên ruộng lúa, ao hồ mò cua, bắt ốc để lấy tiền nuôi bà và nuôi dưỡng ước mơ được cắp sách đến trường. Em là Lê Văn Chiến, học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương (Nghệ An).

Chúng tôi đến thăm em khi trời đã quá trưa. Chiến vừa mới đi học về. Cất chiếc cặp, em vội vàng lúi húi bên bếp lửa vắng lạnh nhiều ngày nay. Bà Lê Thị Hường, bà nội Chiến năm nay đã 84 tuổi, từ sáng đã ra đồng, có ai thuê việc gì thì làm việc nấy, khi thì nhổ cỏ, khi thì làm rau. Hai bà cháu nương tựa vào nhau mà sống. Mùa đông lạnh lẽo, trong ngôi nhà lụp xụp, vắng bóng người lại càng lạnh lẽo hơn. Để có nơi chui ra chui vào, hai bà cháu đang sống nhờ vào nhà một người anh em đi làm ăn xa để lại.
 
Trên tay cầm túi nilon rau má, bà Hường vội vã trở về để nấu ăn cho cháu. Thấy chúng tôi, bà rơm rớm nước mắt chia sẻ: Không kể hết nỗi cùng cực mà hai bà cháu đã trải qua. Cha mẹ chia tay rồi bỏ đi biệt xứ từ ngày Chiến mới lọt lòng. Được bà chăm bẵm, nuôi lớn rồi cho ăn học nay cũng đã chuẩn bị hết tiểu học. Ngày ấy, mỗi lần cháu khát sữa, bà lại chắt nước cơm cho cháu, rồi qua nhà hàng xóm để xin sữa. Mỗi lần quang gánh đi làm đồng, cháu một đầu, lúa một đầu tất tưởi đi trong nắng rát. Giờ sức khỏe yếu dần, bà không còn sức để làm được nhiều cho cháu. Lớn lên, sau mỗi giờ học, Chiến lại lang thang khắp các cánh đồng mò cua, bắt ốc bán lấy tiền để 2 bà cháu rau cháo nuôi nhau. Chiếc xe đạp là tài sản duy nhất trong ngôi nhà, là người bạn gắn bó với Chiến. Em cười bẽn lẽn: “Đó là chiếc xe em mua được từ việc tích góp tiền sau mấy mùa bán cua, bán ốc”. Mỗi ngày, em kiếm được 20.000 đến 30.000 đồng từ việc bán cua, bán ốc của mình. Bán được bao nhiêu, em đưa về cho bà nội hết. Dù nắng hay mưa, sau buổi học về nấu cơm ăn cùng bà, Chiến lại cầm túi ra đồng bắt cua.
 
Hai bà cháu Lê Văn Chiến bên ngôi nhà nhỏ
Hai bà cháu Lê Văn Chiến bên ngôi nhà nhỏ
 
Mặc dù vất vả, nhưng Chiến lại ham học. Ở lớp, em được cô yêu, bạn mến. Vượt lên hoàn cảnh, năm nào Chiến cũng là học sinh giỏi của trường. “Em chỉ muốn được đi học để sau này kiếm tiền nuôi bà. Bà là mẹ, là người bạn duy nhất của em”. Cô giáo Hoàng Thị Hà, giáo viên chủ nhiệm Chiến cho biết: Chiến là một cậu bé hiền lành, lém lỉnh và rất thông minh. Em hiểu bài rất nhanh và làm các phép tính chỉ trong một thời gian rất ngắn. Năm nay, em là một trong những học sinh nằm trong đội tuyển đi thi học sinh giỏi huyện. Ngoài việc học, Chiến còn là một đứa cháu hiếu thuận với bà. Sau khi đi học về, em tranh thủ mò cua, bắt ốc kiếm tiền để hai bà cháu sống qua ngày”.
 
Nói về Chiến, cô Lê Thị Hồng Hạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngọc Sơn không khỏi nghẹn ngào khi nhắc đến hoàn cảnh của em: Ý thức được hoàn cảnh nên Chiến rất ngoan, tự giác học tập. Biết rõ hoàn cảnh nên nhà trường cũng rất thông cảm tạo mọi điều kiện. Thương em vất vả, nhà trường cũng khuyến khích em đến trường. Đồng thời, giảm một số khoản đóng góp. Các cô giáo trong trường cũng như các anh, chị Đoàn thanh niên cũng hỗ trợ thêm về tiền, quần áo, sách vở để em có cơ hội được đến trường. Thương nhất là nhiều hôm nhịn đói đi học nên ngất trên lớp. Khi được các cô bế vào phòng y tế, được cô cho sữa uống, tỉnh lại, giọt nước mắt lăn trên má khiến các cô đau lòng”.
 
Mặc dù được nhà trường ưu ái một vài khoản không phải đóng góp nhưng đó chỉ là tạm thời. Bà nội Chiến nay đã già yếu, “chỉ lo tôi chết đi, cháu sẽ không còn ai mà nương tựa nữa”, liệu rồi con đường, ước mơ được cắp sách đến trường có dở dang hay không? Điều đó cần sự chung tay của các cá nhân, các tấm lòng hảo tâm giúp đỡ.
.

Phan Tuyết