Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201508/am-ap-tinh-nguoi-tu-ngan-hang-mau-song-631264/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201508/am-ap-tinh-nguoi-tu-ngan-hang-mau-song-631264/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Ấm áp tình người từ 'Ngân hàng máu sống' - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 18/08/2015, 08:39 [GMT+7]

Ấm áp tình người từ 'Ngân hàng máu sống'

(Congannghean.vn)-Mặc dù chưa được tổ chức một cách chặt chẽ, nhưng mô hình “Ngân hàng máu sống” đang “manh nha” tại một số bệnh viện tuyến huyện đã và đang phát huy hiệu quả rõ nét, cứu sống nhiều bệnh nhân trong cơn nguy cấp. Những tình nguyện viên của “Ngân hàng máu sống” chủ yếu là các y, bác sĩ, đoàn viên thanh niên nơi các bệnh viện đóng chân. Mỗi khi có bệnh nhân trong tình trạng nguy cấp, bệnh viện không còn lượng máu dự trữ, họ sẵn sàng cho máu để cứu sống người bệnh mà không đòi hỏi bất cứ điều gì.

Sau khi người con dâu bị băng huyết trong quá trình sinh con được cứu sống bởi các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Chương, bà Nguyễn Thị Sửu trú tại khối 9, thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương đã viết bức thư khá dài gửi lên Giám đốc Sở Y tế Nghệ An để cảm ơn.

Anh Nguyễn Đình Thanh sẵn sàng  hiến máu khi được bệnh viện huy động
Anh Nguyễn Đình Thanh sẵn sàng hiến máu khi được bệnh viện huy động

Bà Sửu cho biết, khoảng  10 giờ 35 phút ngày 18/3/2015, con dâu của bà Sửu là chị Phú Bích Lộc (SN 1979) trú tại thị trấn Dùng có dấu hiệu chuyển dạ sinh con, được gia đình nhanh chóng chuyển đến Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Chương để chờ sinh. Sau khi sinh con, chị Lộc không may bị băng huyết, cần phải truyền máu gấp, nếu không thì khó có thể giữ được tính mạng. Thế nhưng, lúc đó, lượng máu dự trữ tại Bệnh viện đã cạn kiệt, hàng chục người thân trong gia đình chị được huy động để thử máu nhưng không ai có nhóm máu A (trùng nhóm máu của chị Lộc - P.V).

Lúc đó, gia đình sản phụ hết sức hoang mang. Trước tình hình đó, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Chương đã huy động các tình nguyện viên trong câu lạc bộ “Ngân hàng máu sống” cho máu cấp cứu bệnh nhân, đồng thời cử người và xe đến Trung tâm Huyết học tỉnh lấy máu tiếp ứng. May thay, bác sĩ Nguyễn Hữu Xô là người có cùng nhóm máu với sản phụ và sẵn sàng cho máu.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Xô nhiều lần hiến máu cứu bệnh nhân trong lúc nguy cấp
Bác sĩ Nguyễn Hữu Xô nhiều lần hiến máu cứu bệnh nhân trong lúc nguy cấp

Nhờ vậy, chị Lộc đã may mắn giữ được mạng sống trong gang tấc. Bức thư của bà Sửu có đoạn: “Khi con dâu tôi bị băng huyết, thiếu máu trầm trọng nhưng người thân trong gia đình không tìm được người có cùng nhóm máu, cả gia đình chỉ biết khóc, lo sợ mất người thân nhưng sau đó mọi người lại khóc vì vui sướng trước nghĩa cử cao đẹp của bác sĩ Nguyễn Hữu Xô…”. Đó chỉ là một trong rất nhiều trường hợp bệnh nhân cấp cứu trong tình trạng “thập tử nhất sinh” tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Chương được cứu sống nhờ nguồn máu “sống” từ những tình nguyện viên tại chỗ, sẵn sàng cho máu lúc nguy cấp.

Qua tìm hiểu được biết, hiện tại, Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Chương đã vận động được trên 90 đoàn viên thanh niên trong cơ quan có sức khỏe tốt, sẵn sàng hiến máu cứu sống bệnh nhân bất cứ lúc nào. Theo số liệu thống kê của Bệnh viện, từ năm 2012 - 2014, cán bộ, nhân viên Bệnh viện đã hiến được hơn 100 đơn vị máu. Từ cuối năm 2014 đến tháng 4/2015, các tình nguyện viên đã hiến thêm 46 đơn vị máu. Đáng chú ý, có nhiều y, bác sĩ đã hiến máu trên 2 lần như đồng chí Bùi Gia Hà, Nguyễn Trọng Đức, Đậu Đình Thịnh…

Bác sĩ Nguyễn Hải Linh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Chương cho biết: “Với đặc thù là bệnh viện tuyến huyện, cách xa trung tâm TP Vinh hơn 50 km nên mỗi lần cần máu để truyền cho bệnh nhân, nếu tính thời gian đi về, nhanh nhất cũng mất hơn 2 giờ đồng hồ, trong khi đó, sự sống của nhiều bệnh nhân chỉ tính bằng phút. Do đó, từ năm 2012, chúng tôi đã xây dựng mô hình “Ngân hàng máu sống” ngay tại Bệnh viện, nòng cốt là các đoàn viên, thanh niên trong Bệnh viện có sức khỏe tốt, sẵn sàng cho máu khi cần thiết.

Hiện nay, mô hình này đã thu hút được nhiều đoàn viên thanh niên ở các cơ quan khác trên địa bàn huyện cùng tham gia, đó là “nguồn máu” dự trữ hết sức cần thiết trong các trường hợp cấp cứu. Để nhân rộng mô hình, sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp với Huyện đoàn Thanh Chương và Hội Chữ thập đỏ huyện xây dựng đề án trình lên UBND huyện, thiết lập mô hình có tổ chức chặt chẽ, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong tương lai gần, Bệnh viện đang hướng đến việc điều trị các bệnh về máu, như chạy thận nhân tạo”.

Anh Nguyễn Đình Thanh, cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Thanh Chương cho biết: “Trước đây, tôi cũng đã hiến máu vài lần tại các chương trình do Trung tâm Huyết học tỉnh tổ chức, nhưng từ khi biết Bệnh viện Đa khoa huyện xây dựng mô hình “Ngân hàng máu sống” tại chỗ, tôi đã đăng ký làm tình nguyện viên. Tôi nghĩ, một giọt máu mình cho đi để cứu sống một mạng người thì không nên tiếc, vì đó là giọt máu có ích cho đời. Vì vậy, khi nào người bệnh cần, tôi sẽ sẵn sàng cho máu”. Hay như trường hợp bác sĩ Nguyễn Hữu Xô, sau khi hiến máu cho bệnh nhân xong đã không kịp nghỉ ngơi mà tiếp tục về Bệnh viện để mổ cho một bệnh nhân khác đang chờ…

Tìm hiểu tại Đô Lương, bác sĩ Lê Đình Nam, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Đô Lương cho biết: “Mặc dù Bệnh viện huyện đã xây dựng được một tủ bảo quản máu thường xuyên, thế nhưng, việc xây dựng “ngân hàng máu sống” tại chỗ cũng hết sức cần thiết. Từ năm ngoái đến nay, các y bác sĩ tại đây cũng đã hiến được 20 đơn vị máu để truyền cho bệnh nhân lúc nguy cấp.

Bác sĩ Nguyễn Duy Chính, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thành cho biết: “Trong năm 2014, Bệnh viện đã huy động cán bộ, nhân viên cho máu để cấp cứu cho 3 bệnh nhân. Mặc dù đây là con số còn khá khiêm tốn nhưng nó thể hiện tính nhân văn và chúng tôi cũng đã có chính sách “thưởng nóng” những người cho máu để khuyến khích họ và những người khác”. Cũng theo bác sĩ Chính thì từ Yên Thành đến Trung tâm Huyết học tỉnh để lấy máu phải mất khoảng 3 giờ đi xe ôtô nên việc huy động nguồn máu tại chỗ trong cấp cứu là hết sức cần thiết”.

Với địa bàn trải rộng trên diện tích lớn như tỉnh ta, nhiều huyện cách xa trung tâm tỉnh hàng trăm km, việc đi lại mất rất nhiều thời gian. Vì vậy, ngoài xây dựng các tủ bảo quản máu thường xuyên thì việc xây dựng “ngân hàng máu sống” tại chỗ là hết sức cần thiết, đặc biệt là trong trường hợp khẩn cấp khi lượng máu dự trữ không còn và người nhà bệnh nhân lại không có cùng nhóm máu với người bệnh. Hiện nay, “ngân hàng máu sống” tại chỗ tuy chưa được tổ chức chặt chẽ, song mô hình này đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân trước lưỡi hái tử thần.

.

Đức Thắng

.