Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201404/cang-suc-chong-benh-soi-476653/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201404/cang-suc-chong-benh-soi-476653/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Căng sức chống bệnh sởi - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 23/04/2014, 08:30 [GMT+7]

Căng sức chống bệnh sởi

(Congannghean.vn)-Dịch sởi đang xuất hiện và lây lan nhanh tại nhiều địa phương trong cả nước. Tính đến hết ngày 18/4, cả nước có gần 9.000 trường hợp mắc sởi, 114 ca tử vong liên quan đến sởi. Tại tỉnh Nghệ An, số lượng trẻ em bị sởi nhập viện tăng cao với nhiều diễn biến phức tạp. Để đối phó với tình trạng bệnh sởi tăng nhanh, Nghệ An đã tăng cường công tác tiêm vắc-xin phòng sởi và tiêm vét vắc-xin sởi, tích cực kiểm tra, đôn đốc các cơ sở y tế, hạn chế bệnh lây lan và tình trạng tử vong ở trẻ.

Bệnh sởi diễn biến phức tạp

Những ngày gần đây, số lượng trẻ em các độ tuổi mắc sởi điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An có từ 40 đến trên 50 cháu. Trong số này, hơn 90% bệnh nhân có biến chứng viêm phổi và số trẻ dưới 9 tháng tuổi chiếm tỉ lệ cao. Điều đáng nói là, hầu hết các bệnh nhi bị mắc sởi đều chưa được tiêm phòng sởi.

Có mặt tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi, chúng tôi chứng kiến không khí làm việc khẩn trương của các bác sĩ trong khoa. Mặc dù trong điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực thiếu thốn, bệnh nhân sởi phải nằm giường đôi, giường ba, nhưng tập thể khoa đã có nhiều cố gắng trong việc điều trị cho bệnh nhân.

Bác sĩ CKI Nguyễn Văn Sơn - Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An cho biết: Năm nay, dịch sởi có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Đã có 10 trường hợp phải chuyển lên tuyến trên. Ngoài sởi còn có nhiều cháu mắc bệnh tay - chân - miệng, thủy đậu, rubenla... Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là do quá tải, cơ sở vật chất lại thiếu thốn nên không thể cách ly riêng các bệnh nhân sởi ra được. Điều này khiến dịch sởi có nguy cơ lây lan nhanh hơn ngay từ bệnh viện.

Theo thống kê của Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An: Từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã điều trị nội trú cho gần 100 bệnh nhân mắc sởi, trong đó 53 ca sởi biến chứng viêm phổi, còn lại là sởi thông thường. Trong đó, trẻ dưới 12 tháng tuổi là 40 cháu, trẻ từ 1 đến 6 tuổi là 34 cháu, trên 6 tuổi 6 cháu…

Bệnh viện đã điều trị khỏi và đỡ cho 75 trường hợp. Hiện có hai cháu bị sởi rất nặng phải thở bằng máy, đang được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực là cháu Nguyễn Hữu Đạt 34 tháng tuổi, trú phường Quang Tiến, thị xã Thái Hòa và cháu Quang Mạnh Khang, 14 tháng tuổi, ở xã Tam Đình, huyện Tương Dương.

Bệnh sởi đang bùng phát mạnh trên địa bàn tỉnh ta trong thời gian qua (Trong ảnh: Bác sĩ Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An đang khám và điều trị cho một bệnh nhi bị sởi nặng) - Ảnh: Doãn Hòa

Theo ông Trần Văn Cương - Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi: Thường thì các bệnh truyền nhiễm trong đó có sởi nếu bị vào cuối mùa sẽ hay bị nặng. Hiện nay, số lượng trẻ trong độ 4 tuổi bị sởi rất nhiều. Trước tình hình bệnh sởi tăng nhanh, phía bệnh viện gặp không ít khó khăn, khi mà dịch sởi xảy ra vào đúng thời điểm bệnh quá tải chung. Do đó, để tách bệnh nhân sởi riêng ra là rất khó. Chúng tôi cũng khuyến cáo, khi trẻ sốt thì người nhà cần đưa cháu đến ngay các cơ sở y tế để khám, kiểm tra. Trong trường hợp sốt không rõ nguyên nhân thì nên điều trị ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới, chứ không nên chuyển lên tuyến trên, tránh tình trạng bị lây sởi ngay tại bệnh viện. Khi có kết quả xét nghiệm mắc sởi mới nhập viện tuyến tỉnh.

Tiêm vắc-xin sởi: Biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất

Qua tìm hiểu được biết, trong số các các bệnh nhân mắc sởi tại Nghệ An chủ yếu tập trung ở khu vực thành phố Vinh và vùng phụ cận, bởi các khu vực này đô hội nên thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp lây lan nhanh. Đặc biệt, những trẻ mắc sởi chủ yếu do chưa được tiêm phòng sởi, mà theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân do 1 phần trục trặc từ khi xảy ra những sự cố tai biến sau khi tiêm vắc-xin Quinvaxem hồi đầu năm 2013, khiến người dân ngại đưa trẻ đi tiêm.

Do đó, tỉ lệ tiêm phòng giảm xuống và đó chính là một trong những nguyên nhân khiến bệnh sởi tái phát. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có trên 200 trường hợp mắc bệnh sởi, số bệnh nhân này cư trú ở 14 huyện, thành, thị, đồng nghĩa với việc bệnh sởi đã lây lan lớn trên diện rộng.

Phần lớn các bệnh nhân mắc sởi đều được điều trị tại Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An, đã có 146 bệnh nhân khỏi bệnh, 78 bệnh nhân biến chứng viêm phổi, 10 bệnh nhân đã phải vào Khoa Hồi sức tích cực và 10 bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên. Điều cần quan tâm là có tới 85% số cháu mắc bệnh do chưa tiêm phòng vắc-xin sởi, 15% còn lại mới tiêm mũi thứ nhất.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Đăng Hảo - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Đứng trước thực trạng dịch sởi có nguy cơ bùng phát trên diện rộng, Nghệ An đã triển khai thực hiện Kế hoạch 124 của UBND tỉnh về tiêm vắc-xin phòng chống dịch sởi và tiêm vét vắc-xin sởi trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, tăng cường công tác truyền thông về nguy cơ lây nhiễm và khả năng phòng tránh để người dân hiểu rõ được lợi ích to lớn của tiêm chủng nói chung và tiêm vắc-xin sởi nói riêng trong việc ngăn ngừa bệnh. Bởi vì, tiêm ngừa vắc-xin sởi là phương án số 1 để chống dịch sởi. Bên cạnh đó, Sở Y tế đã có công văn gửi cho các đơn vị trong toàn ngành, kể cả các đơn vị của Bộ Y tế đóng trên địa bàn, giám sát và thống kê về hiện tượng bệnh sởi ở các đơn vị, hàng ngày tổng hợp báo cáo lên sở. Không loại trừ khả năng sau khi các đơn vị báo cáo con số đợt này, sở sẽ có báo cáo gửi UBND tỉnh xin triển khai một cuộc họp khẩn cấp về Ban phòng chống dịch nguy hiểm cho người để chủ động trong công tác phòng chống.

Theo các bác sĩ, để tránh lây lan, cần cách ly người bệnh trong suốt giai đoạn có biểu hiện bệnh cho đến ít nhất bốn ngày sau khi bắt đầu phát ban. Để phòng bệnh sởi hữu hiệu nhất, cần cho trẻ đi tiêm chủng phòng bệnh sởi hai mũi theo chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia lúc trẻ được 9 tháng tuổi và lúc 18 tháng tuổi. Mũi tiêm này chỉ chứa vắc-xin sởi. Chỉ có tiêm phòng và tiêm phòng nhắc lại vắc-xin sởi mới nâng cao hiệu quả của kháng thể.

Ngoài ra, cần phòng chống bệnh sởi cho các cháu như vệ sinh sạch sẽ, ăn uống đủ chất, sử dụng đủ các vitamin để tăng sức đề kháng. Khi phát hiện con em mình bị sởi phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị, tránh để lại những hậu quả khôn lường cho con trẻ.

Bác sĩ Trần Văn Cương - Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An cho biết: “Hiện tại, bệnh viện ghi nhận 3 trường hợp đã tử vong là cháu Trần Thị Tr. (10 tháng tuổi, trú xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương), cháu Bùi Thị Thảo Ng. (12 tháng tuổi, trú xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn) và cháu Đậu Đức T. (xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu). Ngoài 3 trường hợp trên tử vong bị bệnh sởi sau khi điều trị tại bệnh viện thì hiện tại ở bệnh viện còn có nhiều trường hợp bị bệnh sởi nặng, trong đó có 6 bệnh nhân đang phải cho thở ôxy tại Khoa Hồi sức cấp cứu”.

 

.

Hoa Lê