Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201805/du-an-mo-rong-co-so-1-truong-dai-hoc-vinh-vi-sao-1-ho-dan-khong-chiu-di-doi-794744/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201805/du-an-mo-rong-co-so-1-truong-dai-hoc-vinh-vi-sao-1-ho-dan-khong-chiu-di-doi-794744/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Vì sao 1 hộ dân không chịu di dời? - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 17/05/2018, 08:10 [GMT+7]
Dự án mở rộng cơ sở 1 Trường Đại học Vinh

Vì sao 1 hộ dân không chịu di dời?

(Congannghean.vn)-Được phê duyệt quy hoạch từ năm 2002 nhưng đến nay, dự án mở rộng cơ sở 1 Trường Đại học Vinh tại phường Trường Thi, TP Vinh vẫn vướng mắc ở khâu đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB). Hiện, vẫn còn 1 hộ dân chưa chịu di dời, bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư tiến hành san lấp, xây dựng cơ sở hạ tầng.
 
Kéo dài vì phường xác nhận sai nguồn gốc đất
 
Theo quyết định phê duyệt của UBND tỉnh Nghệ An vào năm 2002, mặt bằng tổng thể khuôn viên Trường Đại học Vinh cơ sở 1 sẽ được mở rộng thêm 3.277,5 m2, thuộc địa phận khối 9, phường Trường Thi, TP Vinh. Để thực hiện dự án, ngày 23/5/2013, Hội đồng tư vấn đất đai phường Trường Thi đã xác định, phần đất thuộc dự án mở rộng có 15 hộ gia đình thuộc khu tập thể Trường Kỹ thuật Xây dựng Việt Đức (cũ) đang sinh sống có “nguồn gốc từ quy hoạch Trường Việt Đức, cấp từ năm 1982 đến trước ngày 15/10/1993”. Các hộ dân bị ảnh hưởng không đồng tình với kết luận này, cho rằng nguồn gốc đất sử dụng từ trước ngày 18/12/1980 nên đề nghị xác minh lại. 
Dự án mở rộng cơ sở 1 Trường ĐH Vinh vẫn còn vướng mắc bởi 1 hộ dân
Dự án mở rộng cơ sở 1 Trường ĐH Vinh vẫn còn vướng mắc bởi 1 hộ dân
Ngày 6/9/2014, UBND phường Trường Thi đã xác nhận nguồn gốc sử dụng đất cho các hộ gia đình ở Khu tập thể Việt Đức (cũ) khẳng định, thời điểm bắt đầu sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân là từ năm 1976. Trên cơ sở này, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Vinh đã lập phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB, có 6 hộ dân đồng ý nhận tiền bồi thường và di chuyển chỗ ở, 6 hộ còn lại không đồng tình. Đến tháng 12/2016, có 3 hộ dân vẫn “cố thủ” và từ năm 2017 đến nay, còn hộ gia đình ông Đặng Sỹ Cương và bà Nguyễn Thị Bích Thủy vẫn không chịu di dời, bàn giao mặt bằng. 
 
Trước đó, ngày 9/5/2016, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Vinh có phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB và tái định cư (TĐC) để thực hiện dự án mở rộng cơ sở 1 Trường ĐH Vinh. Đối với hộ ông Cương và bà Thủy, phương án nêu rõ: Hộ gia đình đang sử dụng thửa đất số 79, tờ bản đồ số 37 với diện tích 251,2 m2, trong đó phần diện tích 210,3 m2 đã được UBND TP Vinh cấp GCNQSDĐ ngày 19/8/2002, được UBND phường Trường Thi xác nhận nguồn gốc đất này sử dụng ổn định từ trước ngày 18/12/1980, nên được bồi thường theo giá đất ở. Còn phần diện tích tăng thêm 40,9 m2 là do lấn chiếm trên phần đất của Trường Việt Đức (cũ) sau thời điểm cấp GCNQSDĐ nên không được bồi thường. Trung tâm Phát triển quỹ đất cũng đã đưa ra phương án TĐC, là giao 2 lô đất số 75 và 76 với diện tích 206,9 m2 tại Khu quy hoạch TĐC Trường ĐH Vinh trên địa bàn phường Hà Huy Tập (TP Vinh) theo hình thức bồi thường bằng đất. 
 
Tuy nhiên, dựa trên cơ sở giấy xác nhận nguồn gốc, thời gian và diện tích sử dụng đất của UBND phường Trường Thi vào tháng 10/2017, khẳng định đất của gia đình ông Cương, bà Thủy được Trường Việt Đức cấp để làm nhà ở sau ngày 18/12/1980, ngày 18/12/2017, UBND TP Vinh đã có Quyết định 9119, hủy bỏ các quyết định đã phê duyệt phương án để hỗ trợ, bồi thường cho gia đình ông Cương trước đó để phê duyệt lại. Ngày 31/10/2017, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Vinh đã lập lại phương án bồi thường đối với thửa đất này.
 
Cho rằng, trong quá trình xác minh nguồn gốc phần diện tích tăng thêm 40,9 m2 này, đã phát hiện nguồn gốc phần đất mà ông Cương sử dụng được Trường Việt Đức cấp có nguồn gốc sau ngày 18/12/1980. Do đó, ngày 10/10/2017, UBND phường Trường Thi đã có Báo cáo 197/BC-UBND về nguồn gốc thửa đất số79, tờ bản đồ số 37, khẳng định: “Thửa đất ông Cương đang sử dụng đã được UBND TP Vinh cấp GCNQSDĐ năm 2002, có nguồn gốc được Trường Việt Đức cấp sau ngày 18/12/1980, không nhận chuyển nhượng từ người khác”. Trên cơ sở này, phương án bồi thường đối với gia đình ông Cương, bà Thủy được đưa ra là chỉ được bồi thường 150 m2 theo giá đất ở, 60,3 m2 theo giá đất vườn (được bồi thường 1 lần giá đất nông nghiệp và hỗ trợ 50% chênh lệnh giá đất ở với giá đất nông nghiệp). Diện tích 40,9 m2 vẫn xác định là lấn chiếm nên không bồi thường. Với phương án này, gia đình ông Cương được bồi thường gần 3,7 tỉ đồng, trong đó giá trị bồi thường, hỗ trợ về đất là hơn 3 tỉ đồng. 
 
Nhiều tình tiết cần làm rõ
 
Ngày 5/3/2018, UBND TP Vinh ra Quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất của gia đình ông Cương, bà Thủy do không chấp hành việc bàn giao mặt bằng, thời gian thực hiện cưỡng chế từ 12/3 - 30/6/2018. Không đồng ý với những quyết định nói trên, ông Cương tiếp tục khiếu nại, khiếu kiện đến các cấp, đồng thời khởi kiện ra tòa án việc không được đền bù 40,9 m2 vì cho rằng lấn chiếm. Ngày 9/5, UBND TP Vinh đã tổ chức đối thoại với gia đình ông Cương. 1 ngày sau đó, TAND TP Vinh cũng đã tiến hành đo vẽ, xác định lại hiện trạng sử dụng đất đối với mảnh đất này. Trao đổi với phóng viên, ông Cương, bà Thủy đều khẳng định, việc UBND phường Trường Thi xác định nguồn gốc đất sử dụng sau ngày 18/12/1980 cũng như không đền bù 40,9 m2 ngoài bìa đất vì cho rằng lấn chiếm là không có cơ sở, gây thiệt hại về kinh tế cho gia đình nên kiên quyết đòi quyền lợi. Theo ông Cương, gia đình ông cùng với 77 hộ khác là cán bộ, giáo viên của Trường Việt Đức cũ sinh sống trên thửa đất quy hoạch của trường này từ năm 1975.
 
Trong văn bản xin xác nhận nguồn gốc để cấp GCNQSDĐ của hiệu trưởng nhà trường đầu tiên, cũng xác nhận phần đất của 12 hộ dân nằm trong quy hoạch dự án mở rộng khuôn viên cơ sở 1 Trường ĐH Vinh, trong đó có thửa đất của ông Cương có nguồn gốc từ năm 1976. Theo ông Cương, thửa đất ông đang ở có nguồn gốc từ năm 1976, cùng với 11 thửa đất khác. Có chăng chỉ là gia đình ông sử dụng từ năm 1988, nên UBND phường Trường Thi xác nhận nguồn gốc sau ngày 18/12/1980 là không đúng, trong khi 11 hộ dân khác đều được xác định cùng nguồn gốc, gia đình ông lại theo một mốc giới khác là không công bằng. Riêng về diện tích cho rằng lấn chiếm, theo ông Cương nguyên nhân là do đo đạc trước đây không chính xác chứ không phải gia đình cơi nới, lấn chiếm vì vị trí, ranh giới đã được xác định rất rõ; quá trình sử dụng không tranh chấp, diện tích các hộ liền kề cũng không bị ảnh hưởng nên không thể nói gia đình ông lấn chiếm được. 
 
Ông Nguyễn Tất Thiện, Chủ tịch UBND phường Trường Thi cho biết: Hồ sơ, tài liệu lưu trữ về đất tại Trường Việt Đức hiện không còn lưu trữ. Qua kiểm tra tại phường Trường Thi, hiện không có hồ sơ, tài liệu và các căn cứ pháp lý nào phản ánh nguồn gốc thửa đất của ông Cương hiện nay được cấp từ trước ngày 18/12/1980. Trong khi đó, kiểm tra hồ sơ cấp GCNQSDĐ năm 2002 lưu tại UBND TP Vinh thì cho thấy, thửa đất này được Trường Việt Đức cấp cho gia đình ông Cương vào năm 1988. Cụ thể, lô đất của ông Cương là 1 trong số 12 lô đất nằm trong khu quy hoạch của Trường Việt Đức năm 1976, được cấp cho bà Phạm Thị Hoa, là cán bộ giáo viên nhà trường cùng với 11 hộ khác. Tuy nhiên, do bà Hoa không nhận nên năm 1988 đã xét duyệt cho gia đình ông Cương. Đây là cơ sở để xác nhận thửa đất này gia đình ông Cương sử dụng sau ngày 18/12/1980. 
 
Hiện nay, các quyết định của UBND phường Trường Thi và UBND TP Vinh vẫn chưa được gia đình ông Cương chấp nhận, trong khi gia đình đang khởi kiện vụ việc ra tòa án chờ phán quyết thì UBND TP Vinh vẫn ban hành quyết định cưỡng chế. Báo Công an Nghệ An sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
.

THIỆN THÀNH

.