Thứ Tư, 04/09/2019, 11:08 [GMT+7]

Tăng cường quản lý người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp

(Congannghean.vn)-Thời gian vừa qua, trên địa bàn Nghệ An xảy ra hiện tượng một số doanh nghiệp thỏa thuận với lao động là người nước ngoài đến lao động, làm việc nhưng không đăng ký với các cơ quan chức năng, gây khó khăn trong công tác quản lý. 
 
Chiều 18/8, tại tòa nhà thuộc Trung tâm anh ngữ quốc tế Cleverlearn (đóng tại số 39A, đường Lê Hồng Phong, TP Vinh), một người đàn ông mang quốc tịch nước ngoài đã bất ngờ rơi từ tầng 4 của tòa nhà xuống đất tử vong tại chỗ. Được biết, người đàn ông này là thầy giáo người nước ngoài, mới chuyển về giảng dạy tại Trung tâm này được hơn 1 tuần. 
 
Ngay sau khi sự việc xảy ra, cơ quan chức năng đã tiến hành vào cuộc, điều tra, làm rõ nguyên nhân sự việc. Trao đổi qua điện thoại với phóng viên, bà Nguyễn Thị Hiền, chủ đầu tư của hệ thống Cleverlearn cho biết: Liên quan đến trường hợp này, Trung tâm chỉ mới làm thủ tục bảo lãnh, chưa ký hợp đồng lao động vì người này cũng vừa mới về Trung tâm, đang tìm hiểu giáo trình của Trung tâm để xem xét có phù hợp với năng lực, sở trường của mình hay không. Thời điểm xảy ra sự việc, người này cũng chưa được khám sức khỏe, chưa làm thủ tục lý lịch tư pháp, cấp phép lao động nên chưa được giảng dạy. 
Quyết định xử phạt 5 công dân Trung Quốc tại Phòng khám đa khoa Vinh
Quyết định xử phạt 5 công dân Trung Quốc tại Phòng khám đa khoa Vinh
Liên quan đến hoạt động của người nước ngoài trên địa bàn, trước đó từ kết quả kiểm tra của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh về sai phạm tại Phòng khám Đa khoa Vinh (địa chỉ 12, đường Nguyễn Phong Sắc, phường Hưng Dũng, TP Vinh), phát hiện tại đây có 5 người Trung Quốc, trong đó có 2 bác sĩ và 3 nhân viên đang cư trú, làm việc bất hợp pháp tại đây khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Ngày 6/6/2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh ký liên tiếp 5 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 công dân này, bao gồm: An Jun Ly, Li Bing Qing; Zhang Ai Hua, Ho Zhong Wen, Ke Zhixiong, mỗi người bị xử phạt 20 triệu đồng và buộc phải chấm dứt ngay hành vi vi phạm, phải thực hiện đầy đủ các thủ tục để được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp phép trước khi hành nghề hoặc có hoạt động khác tại Việt Nam.
 
Số liệu thống kê cho thấy, từ năm 2013 - 2018, các cơ quan chức năng ở Nghệ An đã phát hiện đấu tranh, xử lý 172 vụ việc liên quan đến hoạt động của người nước ngoài trên địa bàn tỉnh, trong đó xử lý 249 trường hợp người nước ngoài liên quan đến hoạt động lao động, làm việc trong các doanh nghiệp vi phạm pháp luật trên lĩnh vực xuất nhập cảnh. Từ đầu năm đến nay, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh phối hợp với Sở LĐ-TB&XH kiểm tra 10 doanh nghiệp về việc chấp hành các quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú và làm việc của lao động người nước ngoài tại Việt Nam. Tính đến quý II/2019, trên địa bàn tỉnh có 398 lao động là người nước ngoài đang làm việc ở 71 doanh nghiệp và 1 nhà thầu. Trong đó, có 389 người lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động. 
 
Số lao động là người nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động là 9 người chủ yếu là chủ sở hữu công ty TNHH, thành viên góp vốn của công ty cổ phần. Số lao động nước ngoài đang làm việc tại Nghệ An chủ yếu đến từ các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Philippines, Indonesia. Trong đó, tập trung tại các địa phương như TP Vinh, Nghi Lộc và Quỳ Hợp. Theo bà Đặng Thị Phương Thủy,  Phó Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở LĐ-TB&XH thì hiện vẫn còn một số ít lao động nước ngoài sử dụng visa du lịch hoặc visa doanh nghiệp nhập cảnh để làm việc, không thực hiện việc làm thủ tục cấp giấy phép lao động. Những trường hợp này thời gian qua đã được các cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện và xử lý. 
 
Để xảy ra tình trạng người nước ngoài cư trú, lao động bất hợp pháp trên địa bàn, một phần là do chủ sử dụng lao động không tuân thủ nghiêm túc các quy định của Luật Lao động, trong khi lao động là người nước ngoài lại chưa chủ động tìm hiểu quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý, cấp giấy phép cho lao động. Bởi theo quy định, lao động là người nước ngoài muốn làm việc tại Việt Nam phải được cấp phép trước khi nhập cảnh, song từ trước đến nay phần lớn là nhập cảnh vào lãnh thổ Việt Nam rồi sau đó mới làm giấy phép lao động. Một số đã được cấp giấy phép lao động nhưng thực tế làm việc không đúng với nội dung đã được cấp phép như sai về nơi làm việc, sai về vị trí công việc.
 
Theo Sở LĐ-TB&XH, hiện nay vẫn còn một số doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài chưa chấp hành thông báo việc lao động nước ngoài làm việc tại doanh nghiệp dưới 90 ngày cộng dồn trong 1 năm. Đặc biệt là tại các trung tâm tiếng Anh, nhiều lao động nước ngoài sau khi vào Việt Nam, đến Nghệ An đi du lịch thì đã vào làm việc với vai trò giảng dạy. Tuy nhiên, thời gian họ hoạt động ngắn, trong khi theo quy định thì chưa phải xin cấp phép. Điều này khiến các cơ quan chức năng khó khăn trong việc quản lý lao động nước ngoài làm việc ngắn hạn tại Việt Nam. Ngoài ra, lợi dụng kẽ hở tại quy định người nước ngoài là thành viên góp vốn sẽ không thuộc diện cấp giấy phép lao động, nhiều trường hợp là người nước ngoài chỉ cần góp từ 5 - 10 triệu đồng là có thể xin xác nhận không phải cấp giấy phép để làm việc.
 
.

Thiện Thành