Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201405/loan-khai-thac-cat-soi-nup-bong-nong-thon-moi-480728/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201405/loan-khai-thac-cat-soi-nup-bong-nong-thon-moi-480728/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Loạn khai thác cát, sỏi 'núp bóng' nông thôn mới - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 06/05/2014, 08:57 [GMT+7]

Loạn khai thác cát, sỏi 'núp bóng' nông thôn mới

(Congannghean.vn)-Chủ trương cho phép các địa phương tận dụng nguồn tài nguyên cát, sỏi để khai thác phục vụ tại chỗ đối với các công trình xây dựng nông thôn là điều cần thiết. Thế nhưng, thời gian qua, trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn, thị xã Thái Hòa (Nghệ An) đã xảy ra tình trạng lợi dụng xây dựng nông thôn mới để vô tư bới móc dòng sông Hiếu, khiến dư luận bất bình, tình hình ANTT bị đảo lộn.
 
Thời gian qua, nạn “cát tặc” tồn tại chưa thể dẹp bỏ hoàn toàn trên địa phận các xã của huyện Nghĩa Đàn và thị xã Thái Hòa thì tại những địa phương này lại xuất hiện những doanh nghiệp ồ ạt nhảy vào khai thác, “núp bóng” dưới dạng phục vụ nông thôn mới. Tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép tại sông Hiếu lâu nay đã được nhiều cơ quan thông tin đại chúng phản ánh, kiến nghị lên cơ quan chức năng. Tuy nhiên, theo lý giải của một số đại diện lãnh đạo địa phương có sông Hiếu chảy qua thì, để dẹp được nạn khai thác cát, sỏi trái phép là điều rất khó khăn. Hơn nữa, với trữ lượng cát, sỏi tập trung ở sông Hiếu đoạn qua huyện Nghĩa Đàn và thị xã Thái Hòa tương đối lớn nên hầu hết các địa phương khác đã về đây để khai thác, trung chuyển xuôi, ngược dưới mọi hình thức.
 
“Đại công trường” khai thác cát, sỏi trái phép tại xóm Thọ Lộc, xã Nghĩa Khánh (Nghĩa Đàn)
“Đại công trường” khai thác cát, sỏi trái phép tại xóm Thọ Lộc, xã Nghĩa Khánh (Nghĩa Đàn)
Theo ghi nhận của phóng viên trong những ngày cuối tháng 4 vừa qua, trên địa phận xã Nghĩa Hòa (thị xã Thái Hòa) và xã Nghĩa Khánh (Nghĩa Đàn), hàng chục tàu thuyền, máy móc đã đổ dồn về đây, tạo thành các “đại công trường” khai thác cát, sỏi. Tại địa phận xã Nghĩa Hòa, ngay sát Di chỉ khảo cổ học làng Vạc của thị xã Thái Hòa đã xuất hiện 2 đơn vị khai thác cát, sỏi đang huy động hàng chục máy chạy dầu, thòng vòi rồng xuống sông Hiếu hút cát cả ngày lẫn đêm. Ngay sau lưng trụ sở UBND xã Nghĩa Hòa khoảng 500 m, tại xóm Tân Ấp, chúng tôi phát hiện có khoảng trên 10 chiếc máy Đông Phong cùng hàng chục ôtô tải đang nối đuôi nhau để vào chở cát, sỏi. Thấy người lạ vào bến bãi, một người đàn ông tự xưng tên là Đồng - người cai quản ở đây cho biết, việc khai thác cát, sỏi ở đây đã được lãnh đạo UBND xã cho phép?
 
Cũng tại xã Nghĩa Hòa, cách xóm Tân Ấp khoảng 1 km xuôi về phía thượng nguồn sông Hiếu, tại xóm Diễn Bình, cảnh tượng máy ngoạp, máy xúc, hàng chục vòi rồng từ máy Đông Phong tập kết ngay sát lòng sông để hút cát, sỏi giữa thanh thiên bạch nhật. Đi qua con đường mòn trải cấp phối đá hộc “độc đạo” nối liền con đường trải nhựa liên xã vào bến bãi, người lạ không khó để có thể nhận thấy rõ bến bãi khai thác cát, sỏi nơi này. Tại đây, không chỉ máy móc tập kết tạo thành công trường khai thác cát, sỏi mà còn xuất hiện lán trại được dựng lên để “phục vụ tại chỗ” cho hàng chục công nhân làm việc. Theo phản ánh của người dân thì, bến bãi khai thác cát, sỏi tại xóm Diễn Bình đã tồn tại trong suốt thời gian dài mà không hề gặp bất cứ trở ngại nào từ các cơ quan chức năng?
 
Làm việc trực tiếp với ông Hoàng Văn Thái - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa thì được biết, bến bãi khai thác cát, sỏi nói trên không hề có giấy phép. “Chúng tôi sẽ tiến hành thành lập tổ công tác xuống hiện trường đẩy đuổi và ngăn chặn không cho xe ôtô tải vào chở cát ở đó nữa. Việc cá nhân được lãnh đạo UBND xã cho phép khai thác cát, hoàn toàn không có điều đó. Làm sao UBND xã có thẩm quyền cho phép cá nhân, đơn vị tiến hành khai thác cát, sỏi được?” - ông Thái cho hay. Còn việc hút, tập kết cát, sỏi tại xóm Diễn Bình đang tồn tại, ông Thái cho biết là của Công ty TNHH Phú Đại Lộc đã được UBND tỉnh cấp phép để khai thác phục vụ nông thôn mới từ tháng 12/2013. Vậy nhưng, khi tiến hành xác minh qua hồ sơ, tài liệu thì đơn vị này đã hết phép từ ngày 30/3/2014. Khi chúng tôi đặt câu hỏi vì sao đơn vị đã hết phép mà vẫn ngang nhiên khai thác thì ông Thái trả lời, sẽ chỉ đạo cho đơn vị phải dừng ngay nếu chưa hoàn thiện các thủ tục cấp phép mới?!
 
Bãi khai thác cát, sỏi “núp bóng” nông thôn mới tại xóm Diễn Bình, xã Nghĩa Hòa (thị xã Thái Hòa)
Bãi khai thác cát, sỏi “núp bóng” nông thôn mới tại xóm Diễn Bình, xã Nghĩa Hòa (thị xã Thái Hòa)
 
Tương tự, tại địa phận xóm Thọ Lộc, xã Nghĩa Khánh (Nghĩa Đàn) cũng diễn ra tình trạng khai thác cát, sỏi một cách ồ ạt với đầy đủ phương tiện máy móc, do HTX Sơn Long đứng ra làm chủ bãi. Mặc dù vẫn khai thác “núp bóng” dưới hình thức phục vụ nông thôn mới, nhưng thời điểm chúng tôi tìm hiểu thì với quy mô rộng lớn như vậy, liệu các cơ quan có thẩm quyền có quản lý được việc đơn vị này thực hiện theo đúng trữ lượng đã được phê duyệt? Khi đem vấn đề này trao đổi với ông Trần Đình Hợi - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Khánh thì vị lãnh đạo này cho biết: “Việc khai thác cát, sỏi của HTX Sơn Long trên địa bàn xã Nghĩa Khánh là được UBND tỉnh cấp phép để phục vụ nông thôn mới. Tuy nhiên, đến thời điểm vừa qua thì đơn vị này đã hết thời hạn cho phép. Chúng tôi cũng có nghe đơn vị này được tiếp tục cấp phép khai thác nhưng hiện nay (23/4/2014 - P.V), xã vẫn chưa nhận được văn bản, tài liệu nào?!”. Khi phóng viên đặt vấn đề, liệu địa phương có quản lý được việc đơn vị có khai thác đúng phê duyệt để xây dựng nông thôn mới hay không, ông Hợi thừa nhận là có việc tẩu tán nguồn cát, sỏi ra bên ngoài để trục lợi cá nhân. Điều này cũng gây ra thất thoát rất lớn đối với nguồn tài nguyên của Nhà nước và vi phạm pháp luật.
 
Đã có nhiều đoàn công tác liên ngành phối hợp đẩy, đuổi, tịch thu phương tiện nhưng cũng như “bắt cóc bỏ đĩa”. Cát tặc vẫn ngang nhiên hoành hành, sông Hiếu vẫn phải oằn mình gánh lấy hậu quả trong suốt thời gian dài vì bị “rút ruột” vô tội vạ. Không ít diện tích đất canh tác hoa màu của bà con nông dân 2 bên bờ sông Hiếu đang ngày càng bị thu hẹp dần. Dòng chảy của con sông Hiếu đã không còn hiền hòa thơ mộng mà trở nên dữ dằn, khúc khuỷu và hung tợn như muốn nuốt chửng tất cả vào mùa mưa lũ khi công tác quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi hiện nay đang bị “thả nổi” như vậy.
.

T.N.T