Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201411/giao-duc-phong-chong-toi-pham-trong-hoc-sinh-556949/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201411/giao-duc-phong-chong-toi-pham-trong-hoc-sinh-556949/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Giáo dục, phòng chống tội phạm trong học sinh - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 11/11/2014, 08:37 [GMT+7]

Giáo dục, phòng chống tội phạm trong học sinh

(Congannghean.vn)-Biểu hiện phức tạp của các hình thức tội phạm, các tệ nạn xã hội trong nhà trường là một trở ngại không nhỏ đối với công tác giáo dục đạo đức và học tập của học sinh trong các trường học. Bằng những hình thức tuyên truyền, giáo dục có hiệu quả, thời gian qua, tình hình học sinh vi phạm pháp luật đã giảm hẳn.
 
Nhắc đến những vụ học sinh vi phạm pháp luật, hẳn chúng ta sẽ không quên vụ việc xảy ra cách đây gần 1 năm tại xã Hưng Lĩnh, huyện Hưng Nguyên: Nguyễn Văn Hùng, học sinh lớp 11, Trường THPT Lê Hồng Phong đã có hành vi hiếp dâm, bị cơ quan chức năng truy tố trước pháp luật; hay vào tháng 6 vừa qua, trên địa bàn xã Thanh Hưng, huyện Thanh Chương đã xảy ra vụ xô xát giữa 2 em Trần Văn Minh và Nguyễn Hữu Cường, học sinh lớp 9, Trường THCS Thanh Hưng, khiến em Minh tử vong... Đây chỉ là 2 ví dụ trong rất nhiều trường hợp học sinh vi phạm pháp luật. Qua đó để thấy một thực tế rằng, hiện nay, tội phạm đang có nguy cơ phát sinh trong môi trường giáo dục, nơi mà chúng ta vẫn cho là “an toàn” nhất, trong đó, đối tượng vi phạm không ai khác là các em học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường.
 
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Nghệ An, 6 tháng đầu năm 2014, trong số 1.541 học sinh vi phạm pháp luật, ngoài số lượng học sinh vi phạm ATGT nhiều nhất thì có 1 học sinh vi phạm tệ nạn xã hội, 14 học sinh có hành vi trộm tài sản, 7 trường hợp có hành vi cố ý gây thương tích, 20 trường hợp gây rối trật tự công cộng... So với năm ngoái, tình hình vi phạm pháp luật trong nhà trường đã giảm hẳn. Hầu hết các đơn vị nghiêm túc làm tốt công tác phòng chống ma túy, phòng chống tội phạm trong trường học.
 
Các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức về pháp luật thường xuyên được các cơ quan chức năng tổ chức trong các nhà trường
Các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức về pháp luật thường xuyên được các cơ quan chức năng tổ chức trong các nhà trường
 
Để làm tốt điều đó, ngoài công tác tham mưu, Sở GD&ĐT thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục về công tác phòng chống ma túy, phòng chống tệ nạn xã hội, phối hợp với Công an tỉnh tổ chức thành công giao ban an ninh trong các trường phổ thông trên địa bàn toàn tỉnh. Đặc biệt, triển khai in pa-nô, áp phích tuyên truyền công tác phòng chống ma túy trong trường học. Đến nay, 21/21 phòng giáo dục, 139/139 đơn vị trực thuộc Sở đã củng cố và kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống ma túy, triển khai hoạt động theo hướng dẫn của Sở.
 
Để hoạt động tuyên truyền có chiều sâu, tại các trường học thường xuyên nghiên cứu đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền phù hợp như tổ chức hình thức giáo dục ngoại khóa, kết hợp với các cuộc thi văn nghệ, thơ ca, hò vè, phát tờ rơi hoặc mời cán bộ chuyên trách về nói chuyện để tuyên truyền một cách sâu rộng và nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên; các mô hình, phong trào ra đời đã góp phần không nhỏ trong việc tuyên truyền, giáo dục nhận thức cho học sinh, như phong trào “Hòm thư giúp bạn” phát huy có hiệu quả, đã phát hiện rất nhiều trường hợp nghiện ma túy, vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật.
 
Song song với công tác tuyên truyền, công tác phối hợp với chính quyền cơ sở và Công an địa phương, Cảnh sát khu vực được các trường quan tâm, chú trọng nhằm triển khai tốt công tác quản lý, nắm bắt tình hình, tư tưởng học sinh, sinh viên nội trú cũng như ngoại trú nhằm hạn chế sự lây lan của tệ nạn ma túy, tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên.
 
Thiết nghĩ, giáo dục và ngăn chặn có hiệu quả các hiện tượng vi phạm pháp luật trong trường học không chỉ là trách nhiệm của nhà trường, ngành giáo dục mà còn là sự chung tay giữa Hội cha mẹ học sinh để có các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn sớm những tác động tiêu cực, cũng như chủ động kiến nghị với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng để có những biện pháp kiểm tra, xử lý kịp thời. Và hơn ai hết, trách nhiệm ấy thuộc về ý thức, nhận thức của mỗi học sinh.
 
.

Phan Tuyết