Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201206/21069-hoa-giang-ho-396622/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201206/21069-hoa-giang-ho-396622/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Hoa giang hồ - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 21/06/2012, 14:56 [GMT+7]
21069

Hoa giang hồ

Trưởng thôn Nguyễn Thành Hưng
Với hơn 20 năm vào tù ra tội rồi tỉnh ngộ, trở về quê hương làm lại cuộc đời, ông là một trưởng thôn đặc biệt nhất mà tôi từng biết. Quan trọng hơn, ông đã dựng chùa, mở đường làng, giúp xây dựng quê hương đổi mới, được bà con quý mến, ủng hộ. Tôi đã viết một cuốn tiểu thuyết về cuộc đời ông và bản thân nhận thấy dường như thế vẫn là chưa đủ, chưa nói hết quãng thời gian dài ông sa lầy trong tội lỗi, tiêu cực và cả thế giới giang hồ với biết bao hung bạo.

Tu nhân, tích đức

Vị trưởng thôn độc đáo đó là ông Nguyễn Thành Hưng, thôn Phù Khê Thượng, xã Phù Khê (Từ Sơn, Bắc Ninh), từng một thời là tướng cướp cộm cán, nhanh tay, nhanh chân khiến các đàn em nể phục và nhiều “đại ca” các vùng đất khác muốn bắt tay hợp tác. Giờ ngồi nói chuyện với ông, những ký ức xưa kia còn khắc rõ trong tâm trí một người đã biết thế nào là sự mỏi mệt của giang hồ, cái giá của tiền bạc, nước mắt và lương tâm. Ông đã hoàn lương như một số người hoàn lương khác, ông đang sống thanh thản trong sự nể trọng của nhiều người và cũng đang giúp một số đối tượng từng một thời xưng hùng xưng bá.

Quan trọng nhất với gia đình, xã hội là ông đã hoàn lương và tích đức mỗi ngày. Việc làm thể hiện bản lĩnh của một gã từng thét ra lửa trong giang hồ là đã dựng được chùa Hồng  Ân ngay sau khi được bầu làm trưởng thôn ít ngày, theo nguyện vọng của người dân mà trước đó rất lâu không làm được.

Khởi công xây dựng từ tháng 6/2005 và đến tháng 11/2006, người dân Phù Khê Thượng hân hoan tổ chức lễ khánh thành ngôi chùa. Lúc đó, các công trình có tổng giá trị khoảng 30 tỷ đồng, do nhiều cá nhân, tổ chức, các nhà hảo tâm ủng hộ nhưng nó còn thể hiện tài xoay xở của ông trưởng thôn. Thật lạ là, chính trưởng thôn được bầu làm Trưởng Ban kiến thiết, tự đứng lên vẽ thiết kế và thuê thợ mộc, thợ nề giỏi về làm. Các cụ già kể lại, lúc đó công trình chùa Hồng Ân thu hút hết tâm lực của ông Hưng. Cả đêm lẫn ngày lăn lộn với công trình quên ăn, quên ngủ đến nỗi cơ thể gầy sọp chỉ còn hơn 30 cân! Ngày khánh thành chùa, trai tráng trong làng quá sung sướng, một số đã ôm hôn ông trưởng thôn nhiệt thành, sau đó tung lên trời và công kênh như một huấn luyện viên đưa đội bóng của mình đoạt cúp vô địch. Thật vui và ngộ!

Việc tích đức của ông Hưng còn thể hiện ở chỗ, ông dứt khoát đưa vùng quê nghèo này đi lên bằng việc đoàn kết, chung tay xây dựng quê hương giàu đẹp. Một làng quê muốn giàu có thì phải làm đường. Nghĩ luôn đi đôi với triển khai tức khắc, đó là cá tính của ông. Những lời đề nghị của ông được nhân dân nhiệt tình ủng hộ bởi nó thuyết phục. Đường bê-tông ô tô đi được lan nhanh đến từng xóm, có người hiến cả đất làm đường.

Quả nhiên, như người dân vẫn nói vui: “Ô tô đi đến đâu tiền lan đến đấy”. Phù Khê Thượng có nghề mộc truyền thống, ngõ rộng đường to đồng nghĩa với việc tiện lợi giao lưu buôn bán. Tiếp theo là chuyện giãn dân, những hộ đất chật sẽ được “nhảy” ra khu phố mới tiện làm ăn buôn bán. Tất cả được xét duyệt một cách công bằng, minh bạch anh em họ hàng ông Hưng nếu không thuộc diện cũng “nghỉ khỏe”! Vì thế dân tin, dân phục, dân đồng lòng góp sức. Tiếp theo việc làm chợ, nhà văn hóa, cải tạo nghĩa trang, dựng lại nhà lưu niệm và tượng đài cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ… cũng được hanh thông, nhanh chóng.

“Sóc bay” một thuở

Ông Hưng sinh năm 1953, từng là một học sinh rất khá, và đúng lúc đang học Trường Trung cấp Sư phạm của tỉnh với ước mơ làm thầy giáo thì bỏ đi làm cướp. Thông minh, nhanh trí, chẳng bao lâu, Hưng đã tổ chức cầm đầu một đám đàn em giang hồ đi trộm cắp. Nói về động cơ dẫn đến chuyện đi trộm cắp, ông tâm sự: “Xin nói thẳng, lúc đầu cuộc sống gia đình tôi quá khó khăn mà nhận thức của tôi phải làm sao bằng bạn bằng bè. Chúng có cái áo đẹp, mình cũng phải cố mà có. Nhưng tiền không có, phải tìm cách. Từ đó dẫn đến việc không làm chủ được mình, thế là ra tay làm liều: đi ăn cắp của người ta để trang bị cho mình, chia cho các bạn và cho một số người mà tôi thấy họ nghèo.

Trước khi đi ăn cắp, tôi từng là một học sinh rất thông minh, ước mơ làm một thầy giáo. Nhưng đời mà, ai biết đâu được chữ ngờ. Giờ thì tôi tu trong mọi chuyện, sống và làm việc, luôn cố gắng để lại cái tiếng thơm cho đời. Những người như chúng tôi phá hoại cuộc đời này quá nhiều rồi”.

Phải, Nguyễn Thành Hưng nhận ra, những người từng trộm cắp, gây nhiễu loạn xã hội đã phá hoại cuộc đời này quá nhiều và sự tỉnh thức của ông đáng để nhiều người lầm lỡ phải học tập.

Những “chiến tích” tiêu biểu như tháng 3/1973, Hưng bị Tòa án nhân dân Hà Nội xử phạt 18 tháng tù giam về tội trộm cắp tài sản. Ra tù, về quê làm gạch, đám đàn em tìm đến cầu cứu người mà họ tôn là “sóc bay” (nhanh như con sóc bay) ra lãnh đạo đàn em. Thương đám đàn em nghèo khổ nheo nhóc, không người dẫn dắt, Hưng tiếp tục đi quậy phá.

Năm 1975 Hưng bị bắt lại và bị TAND tỉnh Hà Bắc (cũ) kết án 10 năm tù về tội trộm cắp. Thiếu Hưng, cánh đàn em lần lượt sa lưới pháp luật, hoặc phải chui lủi không dám xuất đầu lộ diện. Năm 1984, Hưng được ra tù và đám đàn em còn lại tiếp tục vời ra dẫn dắt anh em làm ăn. Hưng liên tiếp tổ chức các vụ trộm cắp để “nuôi” đàn em đang đói khổ và bị truy nã. Năm 1985, Hưng bị bắt và bị TAND tỉnh Thái Nguyên xử 10 năm tù giam với cùng tội danh trên. Sau hơn 20 năm ăn cơm tù mặc áo số, ngoảnh lại thì tuổi đã xế chiều.

Đầu năm 1995, Hưng “sóc” được giảm án 6 tháng ra trại và trở về quê, trong tâm trạng của một người thấm thía nỗi đau của kẻ đã “cống hiến” tuổi thanh xuân cho những trò tội lỗi. Lúc này, bố mẹ đã mất, lúc nhắm mắt không được nhìn mặt con trai, vẫn chỉ một niềm mong con nghĩ lại. Hưng ra mô viếng song thân rồi về nhà quyết tâm đổi tính, thay nết, làm lại cuộc đời.

Dù với quyết tâm cao thì con đường trở về của Hưng cũng thật khó khăn. Dẫu cưới được vợ từ năm 1995 nhưng kinh tế để nuôi gia đình, chăm sóc con cái lại là một thách thức. Nhiều người dân trong làng cưu mang, giúp đỡ, bởi họ mang ơn ông. Lý do là ngày trước ông đi cướp về để chia cho những người nghèo. Nguyễn Thành Hưng đi buôn gỗ, mấy chuyến lỗ chổng vó, tưởng phải bán nhà. Một số phần tử xấu hay những đàn em cũ vẫn rủ rê vời ông anh trở lại giang hồ. Thế nhưng, người đàn ông đã luống tuổi một mực cự tuyệt.

“Thời tuổi trẻ bồng bột, tôi đã nghĩ sai, lúc ngộ ra rồi, dứt khoát không đi vào con đường tối nữa. Máu lửa giang hồ phải được dập tắt, hơn nữa tôi gánh trên vai trách nhiệm của người chồng và đứa con đang lớn dần trong bụng vợ, cần phải để cho những người tin tưởng, không thất vọng về tôi nữa…”, Nguyễn Thành Hưng ân hận nói.

Sau những lần buôn bán thua lỗ, cũng may ông Hưng tìm lại được người đàn em cũ của mình, cũng đã hoàn lương, trở thành người giàu có. Có người em giúp một tay, làm ăn mấy chuyến vào cầu, ông trả hết nợ, rồi sau đó mở cửa hàng tạp hóa tại nhà cho vợ bán, kiếm tiền nuôi nấng con cái. Tổ ấm với người vợ đảm đang, những đứa con ngoan giúp ông thấy thanh thản và hiểu rõ hơn giá trị của hạnh phúc. Và cũng trong lúc ông đang cảm nhận rõ sự thay đổi của mình thì một quyết định của những người yêu mến đã làm thay đổi một bước nữa cuộc đời Hưng “sóc”, đó là giới thiệu ông làm trưởng thôn.

Cuối năm 2004, Nguyễn Thành Hưng lĩnh nhận trách nhiệm, trở thành trưởng thôn độc đáo. Hỏi, vì sao người dân lại tín nhiệm ông đến thế, Hưng “sóc” nói: “Theo tôi, có lẽ, người ta hiểu ngày xưa tôi sa vào con đường trộm cắp không phải để thỏa mãn sự tham lam cá nhân. Sau đó, có thể người dân tin bản chất của tôi là tốt. Ngày tôi ra tù, trong làng ai cũng đến hỏi thăm, động viên, muốn tôi trở thành người lương thiện. Bầu tôi làm trưởng thôn là mọi người muốn tạo cơ hội cho tôi làm lại cuộc đời”.

Sống vì anh em

Cuốn tiểu thuyết về ông có tên Hoa giang hồ đã cơ bản hoàn thành, đi sâu vào phân tích tâm lý, kết hợp với những tình tiết li kỳ về quãng đời tung hoành của Hưng “sóc”. Tên cuốn sách có hàm ý một kẻ giang hồ nay đã là một bông hoa đang tỏa hương thơm, một “người sa ngã có ý thức vì người khác”. Tôi đã đưa ông đọc và thấy ông hài lòng. Ông bảo: “Trước hết tôi là tôi thôi, không dám nhận là “hoa giang hồ”. Nay tôi thích cuộc sống bình yên, muốn cống hiến nốt chút sức lực để góp phần làm đẹp quê hương. Xưa tôi sống vì tình anh em nhiều, nay vẫn vậy. Tôi luôn tốt với anh em và ngược lại, tôi cũng nhận được sự kính trọng của đám đàn em, nay cũng đã hoàn lương. Điều đó làm tôi thêm yêu cuộc sống này và cảm nhận sâu sắc niềm hạnh phúc của tự do cũng như người đàn ông có tổ ấm”.

Càng tiếp xúc, tôi càng nhận ra trái tim nhân hậu của ông Hưng vẫn ngày ngày lan tỏa. Bằng chứng là, ông đã và đang giúp đỡ nhiều anh em, có người từng nghiện ngập, từng tù tội có được cuộc sống ổn định, tránh xa con đường lầm lỗi. Trong công việc của một trưởng thôn, ông còn ra tay dàn xếp nhiều vụ va chạm cũng như giữ gìn trật tự an ninh tại địa bàn và được chính quyền tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Hiện tại gia đình ông vẫn sống trong ngôi nhà chật chội. Hỏi, ông bảo chưa muốn xây nhà cao cửa rộng vì thấy nhiều anh em của mình còn khó khăn. Ông sẽ dành tâm sức để cùng họ vực kinh tế gia đình. Điều đó càng làm anh em mến ông hơn.

Thôn Phù Khê Thượng rộn ràng tiếng đục đẽo từ những xưởng mộc. Ở đó có một ông trưởng thôn luôn bận rộn công việc làng xã và chuyện kinh doanh của những người đàn em. Lúc nào ông cũng gần gũi, vui vẻ bên người dân, nở nụ cười tươi rói. Điều đó làm tôi nghĩ đến một bông hoa đang dâng hương cho đời, lòng thầm ước sẽ nhiều người lầm lỗi làm lại được cuộc đời mình như ông Nguyễn Thành Hưng


CSTC
.