Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201211/23872-lao-nong-nghien-vo-bom-394459/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201211/23872-lao-nong-nghien-vo-bom-394459/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Lão nông 'nghiện' vỏ bom - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 01/11/2012, 16:05 [GMT+7]
23872

Lão nông 'nghiện' vỏ bom

Bấm Play để xem video. Nguồn: Tuoitre

Trong khuôn viên vườn nhà ông có những quả bom sừng sững như khối thạch chưng giữa trời, lại có những quả lăn lóc thù lù như con trâu sõng soài dầm mình bên vũng nước. Giá như khối “chết chóc” kia chưa bị tháo thuốc, thì tôi không dám tưởng tượng đến hậu quả công phá khủng khiếp của nó khi phát nổ. Chủ nhân của những khối sắt từng gây bao tai ương một thời ấy là ông Nguyễn Phú Lâm (SN 1937, Dầu Tiếng, Bình Dương).

Từ nghề thu gom phế liệu

Người ta gọi Nguyễn Phú Lâm là lão nông kì dị, bởi ông có có sở thích không giống ai là bỏ công sức, tiền bạc đi sưu tập bom đạn về trưng lỗ chỗ quanh khuôn viên nhà. Những khối sắt rùng rợn ấy bao năm nay như kích thích sự hiếu kỳ bất cứ ai, khi ngang qua con lộ DT 747 (xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng, Bình Dương).

Nhưng ẩn sâu cái sở thích không giống ai ấy lại là một ý thức dân tộc, một suy nghĩ rất nhân văn. Như bất cứ ai từng cõng đạn qua thời chiến tranh, hay sinh ra và lớn lên trên vùng quê được mệnh danh là túi đạn thời Mỹ- Ngụy.

Người ta bảo, nếu đất Dầu Tiếng nổi tiếng hiên ngang với những trận bãi công, của công nhân đồn điền cao su, chống lại sự bóc lột hà khắc thời thực dân thời Pháp. Thì sang thời Mỹ-  Ngụy, nơi đây được xem là vùng đất quanh năm hứng bom rơi đạn lạc.

Hòa bình trở lại, sự sống đi lên từ cái chết, ngàn vạn con người cùng nhau tụ về, lượm lặt những thứ chết chóc rơi rớt trong lòng đất, xây nên quê hương ngày một giàu mạnh.

Ông Lâm bên quả lớn nhất có đường kính 0,5 m, dài 2,5 m.
Ông Lâm bên quả lớn nhất có đường kính 0,5 m, dài 2,5 m.

Ông Lâm, dòm đôi mắt xa xăm về hướng rẫy cao su một màu xanh bạt ngàn. Rồi cắt nghĩa với tôi bằng giọng trầm như bao người dân đất thép Dầu Tiếng: “Người ta gọi vùng đất chúng tôi là “Tam giác sắt”, ý nói chỉ vùng đất từ Củ Chi (TP.HCM) cắt lên vùng cao su Dầu Tiếng, nối về xã Thanh Tuyền. Nơi đây thời chiến là bãi thả bom, xối đạn của kẻ thù”.

Ký ức của người con Dầu Tiếng trong ông thời đó vẫn chưa thôi nhạt nhòa. Nó hằn sâu trong tâm khảm ông lắm: “Mỗi trận Mỹ nó ném bom chán chê, còn thừa, chúng lại quặt về nơi đây xả cho hết, trước khi đáp đất. Vậy nên khi hòa bình trở lại, người ta thống kê mỗi người dân chúng tôi cõng trên mình một hàng tấn đạn”.

Nhưng vì đâu mà tầng tầng, lớp lớp chết chóc đó mất đi, để nay thay vào là màu xanh cao su bạt ngàn mướt mát? Đó là những con người không ngại gian khổ, hiểm nguy, rỏ mồ hôi ngày ngày xăm, rà, đào, bới, trục…những con người không ngại khó như tấm màng lọc khổng lồ đã gạn đi bom đạn đem lại mảnh đất tinh khôi màu mỡ.

Những quả bom vè vè như con trâu, từng quả pháo sõng sượt tựa thân chuối trôi sông, được lôi lên từ lòng, bị tháo ngòi, kíp nổ, lấy thuốc chỉ còn vỏ. Một công đôi việc, vừa làm kinh tế, vừa trừ mối hiểm họa luôn rình rập từ trong lòng đất.

Ông Lâm bên bộ sưu tập độc đáo của mình.
Ông Lâm bên bộ sưu tập độc đáo của mình.

Đã một thời, người người, nhà nhà thi nhau làm nghề phế liệu là như thế. Nhưng nó chỉ thực sự nở rộ những năm cuối thập niên 80, đầu 90 của thế kỷ trước. Khi những con người khát khao khai mở cuộc sống trên vùng đất Tây Nam màu mỡ.

Người lao động cần đất trồng cây cao su, điều, nơi sinh sống, vùng đất chết xưa bỗng chộn rộn tiếng cuốc, tiếng cày, tiếng đào, tiếng bới. Những quả bom, khối đạn như những tên sát nhân cứng đầu, lần lượt bị trị, bị cảm hóa trở thành hữu ích.

Chỉ vào hàng vỏ bom rỗng ruột, ngay ngắn xếp thành hàng, ông Lâm nói một cách hình tượng: “Thằng “Mỹ” này là cứng đầu nhất. Để đưa được nó về tôi phải chở đến 2 cái xe ba gác. Thuê hàng chục người khênh mới vần nổi nó về nhà đấy”. Nếu như vậy cuộc đời đi sưu tầm vỏ đạn của ông có hàng trăm chuyến vận chuyển để đời như thế.

Quả lớn nhất có đường kính 0,5 m, dài 2,5 m, được ông xếp đầu như thằng Mỹ lênh khênh đứng đầu dẫn đám tù binh chực chờ bị hỏi tội. Ruột của “những tên ác ôn” này từng là chất Agent Orange, người ta gọi là chất độc da cam.

Có thể triệt cỏ, rụng lá cây, cái chất quái ác ấy còn gây biến đổi gien con người qua nhiều thế hệ sau. Là chất Napan, khi nổ làm tăng nhiệt 1000 độ xung quanh chỉ trong mấy giây đồng hồ, có thể nướng một thân người thành chút tro tàn trong giây lát.

Qua sở thích của mình ông muốn cho thế hệ mai sau biết được rằng đất nước ta từng trải qua thời kỳ chiến tranh khốc liệt như thế nào.
Qua sở thích của mình ông muốn cho thế hệ mai sau biết được rằng đất nước ta từng trải qua thời kỳ chiến tranh khốc liệt như thế nào.

Và, là loại bom bi khi nổ phát ra hàng vạn viên bi sắt, xuyên thủng bất cứ một cơ thể lực lưỡng nào. Chợt nghĩ, mới đây thôi, chúng từng gieo rắc bao nhiêu đau thương, bao nhiêu chết chóc, cho đến giờ hậu quả vẫn còn hiển hiện.

Vậy mà hôm nay, chúng nằm đây sao quá đỗi hiền hòa? Bởi như ông Lâm nói: “Chúng không ác, có chăng cái tâm con người dùng chúng vào những mục đích gây nên tội ác mới đáng lên án”. Ông Lâm lại chiêm nghiệm một cách thâm thúy:

“Khi con người bắt nó nổ, nó thành hung, khi chế ngự được nó, chúng lại là vật vô tri, thậm chí hữu dụng đối với cuộc sống con người”.

Một thời chúng được cưa, xẻ, phanh ra để làm thành những vật dụng sinh hoạt. Đó là những năm tháng sau chiến tranh, trước đổi mới kinh tế còn khó khăn, ruột chúng được mổ ra, dùng làm chất nổ cho các công trường phá đá, vỏ dùng làm kẻng trong các hợp tác xã thay chuông báo hiệu.

Rồi gò thành cuốc, xẻng, lưỡi cày, lưỡi dao…tất cả đều hữu dụng vô cùng. Nếu cao hơn là tuồn chúng vào lò các khu luyện sắt thép, để ra những hình hài hữu ích mới. Và, bây giờ chúng không còn là thứ dùng để giết người nữa, mà là phương tiện phục vụ con người. Ông Lâm lập nên xưởng thu mua bom đạn cũng vì lý do đó.

Sinh ra trên mảnh đất đạn bom, chứng kiến cảnh đau thương, hơn ai hết ông chứng kiến sự tàn khốc của bom đạn. Gia đình ông đến với nghề cũng vì muốn đóng góp một phần công sức, làm vơi bớt đau thương.

Tiệm phế liệu ông Lâm mọc lên, người ta bỏ sức đi đào, rà, phá… ông thu mua rồi bắt mối tiêu thụ. Quả nào thấy thích, ông để lại làm kỷ niệm. Chẳng mấy chốc những quả bom, hòn đạn được ông tuyển chọn đầy xăm xắp, chất kín khuôn viên vườn.

Từ một người chuyên thu mua sắt vụn, ông “nghiện” bom đạn và trở thành “nhà sưu tập bom” lúc nào không hay.

Gã khùng đổi vàng lấy… vỏ đạn

Ông Lâm bảo: “Không hiểu sao ngày đó tôi ghiền bom đạn lắm, nghe đâu có rà được bom là tôi tìm đến, mua bằng được. Quả nào lớn tôi để lại, cứ như thế mà đống bom đạn của tôi cứ lớn dần”. Hiện ở khuôn viên nhà ông đã có mặt đủ chủng loại, từ lớn đến bé, đủ dạng hình thù.

Quả thì đứng sừng sững như con tàu vũ trụ sắp rời bệ phóng, quả chúc mũi như chực chờ lủi vào lòng đất, quả lại cánh cụp, cánh xòe như những cái chong chóng, rồi quả lại thòng lọng “ưỡn” bụng lăn lê trên nền đất.  

Để có bộ sưu tập “thượng vàng hạ cám” này ông phải tốn không biết bao nhiêu thời gian và tiền bạc. Ngày đó nghe đâu rà được bom, ông sẵn sàng bỏ công lặn lội đến, gõ cửa những tiệm phế liệu, rồi thuyết phục người ta bán, đổi.

Có những quả không đủ tiền, ông lại đổi bằng cả cây vàng, rồi mang về cho kỳ được. Người ta bảo ông có vấn đề thần kinh, nên mới bỏ khối tiền đi mua về những thứ vô ích, ông chỉ cười.

Không những thế trong cái thời trước đổi mới, sắt phục vụ cho nông nghiệp có lúc còn đắt ngang cả vàng, bao người gạ mua, nhưng lão Lâm “khùng”  vẫn khư khư như giữ gia phả dòng họ.

Như ông nói: “Khi đã vào lò rồi thì không bao giờ tìm lại được nữa. Bởi, đó là những chứng tích một thời đau thương của chiến tranh còn sót lại. Nhìn vào đó lớp con cháu mai sau có thể thấy, cha ông mình, dân tộc mình đã từng trải qua những năm tháng đau thương như thế nào”.

Từ cái ý nghĩ đơn giản đó, vậy nên tiền bạc không lay chuyển được ông. Ông sẵn sàng lấy vật chất ra để đánh đổi. Miễn là trong góc nhìn của ông, hàng trăm năm sau, qua lớp bụi thời gian.

“Tôi không trưng bày bom đạn của chúng ta đâu nhé”, ông Lâm tiết lộ. Hàng trăm quả bom, đạn trong khuôn viên nhà ông, đều là của giặc Mỹ. Ông bảo rằng, không phải tôn thờ đạn dược, mà qua đó ông muốn nói lên tội ác, sự hủy diệt của chúng.

Ông bảo, từng tận mắt chứng kiến bao nhiêu đau thương mà đạn bom gieo rắc, nên ông cũng muốn qua đau thương, chúng ta ý thức hơn về hậu quả trước khi làm một điều gì. Và đến nay, vết thương thời chiến dần lành miệng, lúc hòa bình máu vẫn rơi vì bom, đạn.

Đó là những người vô tình đào, xới nhầm vào kíp nổ trong khi cải tạo đất để rồi chết oan. Rồi bao nhiêu trường hợp cố tháo thuốc để vô hiệu hóa, cũng bị chúng phát nổ đến thớ thịt cũng không còn một mảnh. Vì thế, một ngày lòng đất quê hương còn bom đạn, thì ông như ăn ngủ chưa trọn giấc.

Dẫn tôi tham quan toàn bộ khu trưng bày kỳ dị của mình. Ông đưa tay chỉ: “Đây là “thằng” trục được dưới sông, đến nay “lớp áo” (vỏ) đang bị ải rách (ghỉ). Còn “thằng” kia tìm thấy ở hố bom trong vườn cao su, không bị nước tác dụng nhiều nên nhìn còn rõ chữ và ký hiệu chủng loại.

Tất cả đích thực đều từ bên kia quả địa cầu (Mỹ) mang sang cả”. Một hàng bom khủng đứng trước, được ông “nai nịt” bằng một thanh phi 16, đính chúng lại như hàng tù binh, rồi hàng pháo rỗng ruột “tỉu nghĩu” đứng ngồi phía sau.

Ông muốn nói như vầy: “Hãy yên đó, để con cháu chúng ta mai này biết rằng dân tộc ta, quê hương ta đã một thời bị phá hủy, chịu bao đau thương”.

Tôi lại tưởng tượng, nếu được dựng nên một khu trưng bày chứng tích chiến tranh thì quả là địa chỉ đến của những người yêu lịch sử quê hương Dầu Tiếng.

Ông trăn trở với chúng tôi rằng, chủng loại bom, đạn thì ông không thiếu. Nhưng kinh phí để xây dựng một khu trưng bày trang hoàng và chuyên nghiệp hơn thì vẫn chưa có điều kiện. Bởi, hiện tại ông bà tuổi đã cao, con cái đều tha hương lập nghiệp, nên không ai trợ giúp trông coi khu trưng bày này.

Cái mà ông lo nhất là những trái bom, đống đạn qua năm tháng không được che đậy, và chất bảo vệ chuyên dụng, sẽ bị phong hóa theo thời gian mà gỉ sét, hư hại.

Đến giờ, khi đã ở bên kia sườn dốc, không còn làm nghề thu mua phế liệu nhưng cái “máu” sưu tập bom đạn của ông vẫn còn nguyên vẹn. Chỉ cần nghe ai đó báo tin là ông Lâm sẵn sàng cất công đến nơi tha về cho kỳ được. Với ông, đó cũng là nghĩa cử cuối cùng của cuộc đời, vì tình yêu quê hương.


T.H
.