Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201302/26124-nhung-buoc-sang-dem-giao-thua-392660/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201302/26124-nhung-buoc-sang-dem-giao-thua-392660/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Những bước sáng đêm giao thừa... - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 09/02/2013, 15:14 [GMT+7]
26124

Những bước sáng đêm giao thừa...

30 năm mưa, nắng một cung đường
 
Tôi hẹn ông ở trạm gác chắn Bắc Ga Vinh, nơi ông bắt đầu hành trình đi tuần dọc cung đường Vinh- Quán Hành. Ông đến trên chiếc xe đạp cũ, mang theo bao nhiêu gió lạnh trong cái dáng gầy gò, khắc khổ. Ông dựng xe, mỉm cười chào khách: “Chúng ta gặp nhau 1 tiếng rưỡi là đến giờ đi tuần.”
 
Quê Nga Sơn, Thanh Hóa, ông Lê Hữu Mạnh trở thành công nhân tuần đường của Cung đường Vinh 1 thuộc Công ty quản lý đường sắt Nghệ Tĩnh từ những năm 80 của thế kỷ trước. Gần 30 năm trong nghề, mỗi ngày đi bộ 16 cây số, tính ra ông đã đi bộ hơn một vòng trái đất, thuộc từng thanh tà vẹt, cái đinh ốc mỗi đoạn đường ray…Ông nói vui: “Nghề chúng tôi là nghề vừa đi vừa ngủ” nhưng rồi lại chợt nghiêm giọng: “Ấy là nói đùa vậy, chứ chúng tôi không được một phút lơ là. Nhưng chuyện có thật là nghề tuần đường thì không bao giờ có tết, và không bao giờ được ăn cơm đúng bữa.”
 
Tuần gác là một nghề sương gió...
 
Ông giở chiếc túi vải đồ nghề, giới thiệu: “Đây là một bộ cờ, gồm 2 cờ đỏ, một cờ vàng, trong nghề chúng tôi gọi là tín hiệu mắt thấy. Nếu chúng tôi vẫy hoặc cắm cờ đỏ có nghĩa là tín hiệu không an toàn. Còn đây là bộ pháo 6 quả, gọi là tín hiệu tai nghe, nếu thấy có sự cố trên đường ray, chúng tôi sẽ đặt 3 quả trên đường ray trước chướng ngại vật khoảng 800m. Khi tàu đi qua, pháo sẽ nổ, lái tàu nghe thấy tín hiệu này sẽ biết để dừng tàu kịp thời. Ngoài ra, còn có một cái còi, mang thêm bật lửa để phòng trường hợp sự cố lớn phải gom rác đốt lửa báo hiệu, chiếc thẻ đường (đó là một chiếc cờ lê lớn có đóng số để xử lí một số sự cố trên đường ray đồng thời cũng là thứ đảm bảo không gian lận trong tuần tra khi khi trao đổi thẻ này với một đồng nghiệp khác trên cung đường đi tuần). Một người bạn không thể thiếu, ấy là chiếc đèn.”
 
Ông vừa nói, vừa chỉ tay lên phía tường. Nơi đó treo chiếc đèn tuần đã cũ, đang xạc pin. Trước , cái đèn này cháy bằng dầu, nhưng gần đây, người ta đã tự tạo ánh sáng từ pin lắp vào cái chân đèn cũ. Đèn này một mặt đỏ, một mặt trắng, vừa để soi đường cho người đi tuần trong đêm, vừa làm tín hiệu an toàn hay sự cố báo cho những đoàn tàu trong hành trình của mình.
 
Công việc của họ gắn với đêm và những chuyến tàu
 
Hẳn là ông rất yêu nghề vì tôi đọc được trong mắt ông sự nâng niu, cẩn trọng khi ông với tay đỡ “người bạn thân thiết” xuống và mỉm cười. Ông kể cho tôi nghe về cái công việc tưởng như mòn cũ trong sự vất vả suốt gần 30 năm qua. Về đôi chân đã quen từng viên đá trên đường ray. Về tiếng còi tàu hú trong từng giấc ngủ và tiếng lăn bánh của nó đã thành một âm điệu riêng có trong tâm trạng ông. Về những mùa hè nắng lửa với cơn gió Lào hầm hập quất trên mặt ông. Về những cơn gió buốt luồn vào từng thớ thịt. Những trận bão gầm rú ngả nghiêng cây cối chực xô ông ngã sấp trên đường ray…
 
Không nhớ đã bao lần, ông đến điểm giao thẻ khi cơn buồn ngủ ập đến và phải gắng sức chống đỡ. Đã bao lần trong đêm sương mù, ngược gió ông luôn phải căng tai để nghe tiếng còi tàu và căng mắt để ngoái lại nhìn phía sau.
 
Đã bao lần ông bị cơn đau đầu, đau bụng giữa đường mà vẫn cố đi về phía một trạm gác chắn để xin thuốc uống. Bao lần ông gặp những gã say rượu chọn đường tau để nằm ngủ và quầy quậy đuổi ông đi khi ông tới gần để cảnh báo và giúp đỡ. Và không ít lần ông gặp một vài tên nghiện hút tới xin tiền.
 
Nhưng cũng không thể nhớ được bao nhiêu lần, ông phát hiện ra cây cối đổ chắn ngang , ô tô mất lái lao lên đường sắt, những cái đinh do trẻ con nghịch giắt ở điểm nối đường ray, những ốc vít bị tháo trộm, và gãy ray, gãy lập lách…Không biết bao nhiêu lần, tín hiệu đỏ trong cây đèn xoay tròn, tiếng còi ông thổi chói đêm… đã cứu những đoàn tàu với bao sinh mạng trên đó thoát khỏi một cú trượt bánh?
 
Những giao thừa lặng lẽ
 
Ông Mạnh, cũng như bao nhiêu đồng nghiệp khác của mình chưa bao giờ có trọn vẹn 3 ngày tết. Vào những ngày lễ tết, công việc của người tuần đường càng thêm phần vất vả. Khi thiên hạ sum vầy, người tuần đường lại độc hành một cung đường lặng lẽ.
 
Gần 30 năm trong nghề, ông Mạnh cũng có gần như ngần ấy năm đón giao thừa trên đường. Thứ ấm áp, sẻ chia với ông duy nhất trong đêm là cây đèn.Ánh sáng ấy nhảy nhót theo từng bước chân ông trong đêm đen. “Khi tắt đèn đi, tôi mới thực sự là người đơn độc”, ông sẻ chia.
 
và cả những mệt nhọc
 
Thời khắc 12 giờ, cái giây phút chuyển giao thiêng liêng của năm cũ và năm mới ấy, những người tuần đường thường đưa bàn chân mình nhanh hơn để kịp tới điểm giao thẻ, gặp mặt người bạn cùng cung đường để nói với nhau một lời tốt lành cho năm mới hoặc tới một trạm gác chắn nào đó trên cung đường đi tuần để cùng vui với một vài người trực gác. Không được uống rượu bia, họ nâng cốc chúc nhau chút nước ngọt (theo quy định chặt chẽ của ngành), thật giản dị nhưng tràn đầy ấm áp, yêu thương (Hình như điều này thấy rất rõ ở những người chịu thua thiệt, vất vả.)
 
Nhưng đó là những giao thừa may mắn. Còn phần đa, người tuần đường đón giao thừa với… bóng mình trên đường ray lổn nhổn đá cuội. Lúc ấy, mỗi người, mỗi năm lại có một cách thức riêng chào năm mới. Người chọn một vệ cỏ, tự thưởng một phút khoan thai duỗi đôi chân mỏi mệt và hút một điếu thuốc. Người chợt nhiên dừng lại, ngắm pháo hoa trên nền trời và gửi theo gió một điều ao ước. Người xoay cây đèn với tín hiệu sáng an toàn mấy vòng trên không trung và nhẩm hát một bài hát về mùa xuân…
 
Vui nhất trong giờ khắc thiêng liêng ấy là gặp tàu. Một đoàn tàu nào đó hú một hồi còi dài vào phút giao thừa,lao mình đi trong đêm, mang trong mình bao bước chân lữ thứ… Những ô cửa mở ra bừng sáng. Nhiều hành khách hiểu ngành đường sắt đã nhìn thấy bóng đèn người đi tuần. Họ giơ bàn tay chào vẫy qua ô cửa nhỏ. Đôi khi, họ ném xuống phía ánh đèn một bao thuốc lá, một gói kẹo, gói bánh… Đó là những món quà thay lời chúc mừng, sẻ chia, trân trọng, thấu hiểu…
 
Những phút giao thừa lặng lẽ ấy, ông Mạnh cũng như bao nhiêu đồng nghiệp khác của mình luôn có cảm giác buồn vui lẫn lộn. Vui vì gặp tàu, vì nhận được tín hiệu của người tài xế qua tiếng còi rộn rã rằng: Anh đang làm việc đấy à? Tôi cũng đang là việc đây! Buồn vì tất cả đang được sum vầy trong ánh sáng, còn mình là lữ hành cô độc. Nhưng vượt lên tất cả, vẫn là hạnh phúc, tự hào.
 
Nếu ai cũng chọn việc nhẹ nhàng…?
 
Công ty Quản lý đường sắt Nghệ Tĩnh có nhiệm vụ bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt, đảm bảo an toàn chạy tàu từ Km 257+500 đến Km 405+000 tuyến đường sắt Thống Nhất và 30,5 km tuyến đường sắt Cầu Giát- Nghĩa Đàn đi qua 80 phường, xã, 10 huyện thành trên địa bàn 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và hiện có 82 công nhân tuần đường.
 
Trước đây, công nhân tuần đường phải được tuyển chọn từ công nhân duy tu bậc 4/7, nhưng đến nay đã có những khóa học cấp chứng chỉ cho nghề này. 82 công nhân tuần đường của Công ty chủ yếu là những người trung tuổi trở lên, phải đạt nhiều yếu tố về thị lực, thính lực và sức khỏe, đặc biệt phải tinh thông về nghiệp vụ vì đây là nghề có nhiều rủi ro nếu phạm một sai lầm nhỏ, không những thế còn ảnh hưởng rất lớn tới an toàn chạy tàu.
 
Tuy nhiên, lương của công nhân tuần đường lại chưa được đảm bảo trong cơn bão giá hiện nay. Với bậc lương cao nhất như của ông Mạnh ( công nhân bậc 7/7) thì cũng chỉ có gần 3 triệu một tháng.
 
Tôi hỏi: Vất vả là vậy, sao ông còn gắn bó được với nghề lâu thế? Ông trả lời: Âu cũng là cái nghiệp. Với lại, nếu mình không làm, thì người khác lại chịu vất vả chứ sao. Nếu ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, thì…?
 
Một câu trả lời thật giản dị mà ngời sáng, như chính con người ông vậy. Ông, cũng như bao người tuần đường kia, những người đồng nghiệp mà ông nhắc tên trong câu chuyện của mình, nào ông Điệp ở cung đường Yên Xuân ( Nam Đàn), ông Thu, ông Hiền ở cung Quán Hành cũng đều có thâm niên gần 30 năm trong nghề như ông, có điểm gì giống với những người canh giữ ngọn hải đăng trên biển.
 
Nhìn bề ngoài thì cuộc sống của họ có độc một nỗi buồn, nhưng ẩn sâu trong đó là nỗi lặng thầm hy sinh cao cả. Cuộc sống của họ đôi khi có vẻ đằng đẵng, vời vợi và cũ kĩ như những đường ray kia, nhưng chính ngọn đèn đã làm ấm lại tất cả khiến cho mọi thứ trở nên sống động và đầy ý nghĩa. Có lẽ đối với họ, mỗi một ca đi tuần cũng giống như một cuộc đời nhỏ. Cũng có gian truân, nắng gió, bão bùng, cũng có nguy nan, cũng có yên bình, may mắn, có gặp gỡ, có chia li… Và trong suốt cuộc đời dài của mình, không biết họ đã sống bao nhiêu cuộc đời nhỏ như thế?
 
… Ông Mạnh đã đến ca tuần từ 22h30 phút tới 5h30 phút. Khoác chiếc áo phản quang, đeo túi lên vai, cầm cờ lê, xách đèn, ông thoăn thoắt bước đi trên con đường ray mịt mờ hun hút gió. Tôi nhìn theo ngọn đèn nhỏ ấy, cho đến khi nó chỉ còn là một đốm sao. Thầm mong ông hôm nay chỉ phải thắp ngọn đèn mặt sáng, gặp những chuyến tàu với hồi còi rộn rã lời chào gặp gỡ.

Thùy Vinh
.