Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201503/van-con-nhung-lung-tung-trong-danh-gia-hoc-sinh-tieu-hoc-591150/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201503/van-con-nhung-lung-tung-trong-danh-gia-hoc-sinh-tieu-hoc-591150/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Vẫn còn những lúng túng trong đánh giá học sinh tiểu học - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 05/03/2015, 16:13 [GMT+7]

Vẫn còn những lúng túng trong đánh giá học sinh tiểu học

(Congannghean.vn)-Sau hơn 6 tháng triển khai thực hiện Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về việc nhận xét, đánh giá học sinh tiểu học, Sở GD&ĐT tỉnh đã tổ chức sơ kết đánh giá việc thực hiện Thông tư 30. Từ những vướng mắc ban đầu, nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên trong nhận xét, đánh giá học sinh và sử dụng hồ sơ đánh giá được giải quyết căn bản. Bên cạnh đó, không ít giáo viên vẫn còn nhiều lúng túng trong việc thực hiện Thông tư.
 
Những tín hiệu tích cực
 
Sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 30, Sở GD&ĐT tỉnh đã kịp thời ban hành nhiều văn bản hướng dẫn cũng như tập huấn cho các giáo viên. Đồng thời, mở hộp thư điện tử tiếp nhận những phản ánh, thắc mắc của giáo viên để kịp thời tư vấn; thành lập các tổ chuyên gia tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật đánh giá, sử dụng hồ sơ cho giáo viên, tạo điều kiện cho giáo viên làm quen với Thông tư 30. 
Giáo viên tiểu học luyện viết chữ đẹp tại Trường Tiểu học Lê Mao
Giáo viên tiểu học luyện viết chữ đẹp tại Trường Tiểu học Lê Mao
Ông Thái Huy Vinh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh cho biết: Thông qua các văn bản hướng dẫn về thực hiện đánh giá học sinh và sử dụng hồ sơ đánh giá học sinh theo Thông tư 30 của Sở GD&ĐT, qua sinh hoạt chuyên môn, giáo viên nắm được mục đích, nguyên tắc, nội dung, cách thức đánh giá, sử dụng kết quả đánh giá, tổng hợp đánh giá và sử dụng kết quả đánh giá học sinh. Từ đó, giáo viên mạnh dạn, tự tin hơn trong thực hiện. Nhờ triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp, những vướng mắc ban đầu về nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên trong nhận xét, đánh giá thường xuyên, trong sử dụng hồ sơ đánh giá được giải quyết căn bản. 
 
Thông qua kiểm tra, tư vấn bằng các giờ dạy trên lớp, vở bài tập của học sinh, sổ theo dõi chất lượng giáo dục của giáo viên chủ nhiệm... cho thấy, giáo viên đã dùng lời trực tiếp để nhận xét học sinh. Hầu hết giáo viên đã khái quát đánh giá bằng lời khen, lời khuyến khích, động viên nhằm giúp học sinh thấy được lỗi sai của mình để sửa. Nhiều lời nhận xét của giáo viên trên sản phẩm của học sinh đã rõ ràng, sát thực, có ảnh hưởng và tác động tích cực, khích lệ đến kết quả học tập, phẩm chất, năng lực học sinh. 
 
Khó khăn lớn nhất trong thực hiện Thông tư 30 đó là việc tổng hợp, đánh giá học sinh hàng tháng. Sổ theo dõi chất lượng giáo dục của giáo viên chủ nhiệm đã gây ra nhiều lo lắng, lúng túng, nhất là đối với giáo viên bộ môn dạy ở nhiều lớp. Tuy nhiên, qua tư vấn, hỗ trợ, giáo viên đã bước đầu nắm bắt được yêu cầu, kỹ thuật ghi hồ sơ. Nhận xét hàng tháng trong sổ theo dõi đã được tổng hợp, thống nhất với các giáo viên bộ môn, tham khảo ý kiến của phụ huynh thông qua sổ liên lạc, trao đổi qua điện thoại... Cho đến thời điểm này, có thể vẫn còn một số vướng mắc về nhận thức, kỹ thuật đánh giá và sử dụng hồ sơ đánh giá, nhưng về cơ bản, giáo viên đã an tâm để thực hiện chủ trương mới.
 
Vẫn còn nhiều lúng túng
 
Đây là một chủ trương mới, tuy nhiên, do ảnh hưởng của cách đánh giá truyền thống, đánh giá bằng điểm số đã ăn sâu vào tiềm thức của giáo viên, học sinh nên một số giáo viên chưa quen và còn tỏ ra lúng túng trong việc nhận xét, đánh giá. Ông Trần Thế Sơn, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT tỉnh cho biết: Vẫn có những nhận xét dài dòng, thông tin ít, không rõ thông tin dẫn đến học sinh khó hiểu, khó thực hiện, nhất là đối với những lớp đầu cấp.
 
Trong khi đó, việc lựa chọn ngôn từ để đánh giá chính xác, không trùng lặp với từng học sinh là rất khó khăn, nhất là đối với học sinh học lực yếu hơn thì lời nhận xét phải tránh tạo cảm giác mặc cảm, tự ti. Đối với học sinh lớp 1, thời gian đầu, kỹ năng đọc còn hạn chế, học sinh chưa tiếp nhận được và hiểu được nhiều thông tin qua những nhận xét của giáo viên nên giáo viên phải chủ yếu nhận xét trực tiếp trên các giờ học, hay như học sinh vùng miền núi, dân tộc thiểu số, kỹ năng giao tiếp hạn chế nên việc hình thành và phát triển các phẩm chất, năng lực học sinh sẽ khó khăn hơn.
 
Phụ huynh học sinh cũng bị ảnh hưởng về điểm số khá nặng nề nên chưa quen với cách đánh giá mới. Bởi vậy, sự đồng thuận của phụ huynh với nhà trường, thầy cô chưa cao, thậm chí, có những phụ huynh còn tỏ ra bức xúc, băn khoăn, lo lắng về chất lượng học tập của con cái vì chưa hiểu đầy đủ về cách đánh giá mới. Đó là chưa kể những phụ huynh miền núi không biết tiếng Việt hoặc vốn tiếng Việt còn ít ỏi nên việc phối hợp với nhà trường trong nhận xét, hỗ trợ học sinh còn hạn chế.
 
Hồ sơ đánh giá một số loại còn chưa hợp lý, khoa học, nhất là sổ theo dõi của giáo viên bộ môn còn chiếm nhiều thời gian của giáo viên. Ở những lớp có sĩ số đông, việc theo dõi kết quả học tập, thời gian chấm, chữa bài của học sinh trên sản phẩm của các em trong từng tiết học, môn học chiếm nhiều thời gian, gây vất vả đối với giáo viên. Việc nhận xét tổng hợp hàng tháng vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục chưa thật sự hiệu quả. Nguyên nhân của tình trạng trên là do các giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn chưa có sự trao đổi thống nhất; kỹ năng tổng hợp các nhận xét hàng ngày thành nhận xét chung cuối tháng của nhiều giáo viên còn vướng mắc, gặp nhiều lúng túng.
.

Huyền Thương

.