Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201202/18074-chuyen-dau-long-o-con-duong-130-ty-dong-399139/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201202/18074-chuyen-dau-long-o-con-duong-130-ty-dong-399139/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Chuyện đau lòng ở con đường 130 tỷ đồng - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 02/02/2012, 08:00 [GMT+7]
18074

Chuyện đau lòng ở con đường 130 tỷ đồng

Tuyến đường từ xã Bồng Khê đi Bình Chuẩn, huyện Con Cuông (Nghệ An) được Nhà nước cấp từ nguồn ngân sách gần 130 tỷ đồng từ năm 2006 để xây dựng phục vụ cho đồng bào các dân tộc vùng sâu vùng xa. Đến nay, qua gần 7 năm triển khai thi công lại trở thành con đường “Tử nạn”.
 
UBND tỉnh đã gia hạn tới 5 lần nhưng các nhà thầu thi công kiểu “qua chuyện”, có thể nói xây dựng cũng như không. Bởi vậy, con đường hư hỏng ngày càng nghiêm trọng gây nên nhiều vụ tai nạn chết người.
 
Chúng tôi quyết tâm vào con đường “nước mắt’’ Bồng Khê đi Bình Chuẩn, biết xe taxi không thể đi được, mấy tay xe ôm ở thị trấn Con Cuông ra giá và nói: “Đường hư hỏng nặng lắm, đã có nhiều người chết vì ngã xe máy, vào đó dễ tử nạn…”. Cuối cùng một tay xe ôm cũng chấp nhận với giá mềm hơn tính ra 20 ngàn đồng/km, chúng tôi thỏa thuận lên đường.

Vượt cầu treo Thành Nam, xã Bồng Khê, phía trước hiện ra con đường lầy lội bùn đất. Anh xe ôm phải chạy nhích xe từng tí để vượt ổ voi, ổ trâu sình lầy chẳng khác nào đi giữa vũng bùn. Sang đoạn xã Mậu Đức, con đường trở nên nguy hiểm hơn: Bùn ngập sâu nửa bánh xe máy, phải một người dắt một người đẩy, chiếc xe máy bê bết bùn đi được một đoạn lại phải dừng nghỉ lấy sức mới đi tiếp được.

Chúng tôi lại bám những đường rãnh ngập sâu đất đá để qua xã Mậu Đức giáp với xã Đôn Phục. Trước mắt, thấy có mấy xe ô tô tải đang bị sa lầy nằm chềnh ềnh giữa đường, cánh lái xe đang hô hào người dân ra giúp sức nhưng xe càng cố, bánh xe quay tít sa xuống bùn sâu hơn.

Người ta dùng đủ các loại ván gỗ, dùng dây với nhiều người kéo mà chiếc xe tải không thể vượt qua được đoạn đường hư hỏng lại ùn tắc kéo dài tới hàng mấy cây số này, quả là đồng bào các dân tộc tại đây khốn khổ chỉ biết kêu trời.

Trên đoạn đường này, nhiều gia đình ở cạnh đường đã dùng đất đá và cả rơm rạ, cỏ khô lót phía trên mặt đường để đi lại. Có nhiều gia đình tự đứng ra chung nhau tìm ván gỗ trải lên những đoạn lầy sục, lấy sào chắn ngang đường tại Mậu Đức lập “trạm thu phí”, mỗi xe máy đi qua phải nộp phí từ 10 đến 20 ngàn đồng. Còn học sinh đi học được các bậc phụ huynh cho ngồi trên xe trâu.

Có mấy người dân tộc Thái, Mường... mang theo nồi niêu bát đĩa, hình như họ đi bệnh viện chữa bệnh về, đang đứng than thở nói như khóc: “Đang đau ốm, phải đi bộ từ Bệnh viện Con Cuông về đây, gọi xe ôm không có, khổ lắm...”.
 
Con đường đầy bùn sục đã gây tai nạn nghiêm trọng cho nhiều người đi đường

Chúng tôi vào trung tâm bản Hợp Thành, xã Đôn Phục chỉ có mấy cây số mà phải mất tới gần 5 giờ đồng hồ, trời lại mưa rét như cắt da cắt thịt. Vậy mà nhiều bà con vẫn đang tập trung đào đất đổ lên mặt đường để cho bọn trẻ con đi chơi Tết.

Bà Hờ Thị Mong mặt buồn thiu nói: “Đường ni, nắng thì bụi mù không nhìn được mặt người, mưa thì thành đầm lầy, các anh chị coi nhiều người đi xe máy qua đây bị ngã gãy chân tay. Ngay đầu bản Hợp Thành có 2 người đàn ông, một bị gãy chân, một bị thương ở tay đang ngồi khóc kia kìa, dân chúng tôi xa tỉnh, xa Trung ương sao mà khổ hết chỗ nói”.

Ông Vừ A Thung ở bản Hợp Thành bức xúc: “Mấy hôm trước, tôi đang đi xe đạp trên đường, sắp về đến nhà, do đường gập ghềnh đã bị ngã gãy xương vẫn còn may là chưa mất mạng. Bà con chúng tôi đã gửi nhiều đơn ra kêu ông Chủ tịch UBND huyện đề nghị chưa làm thì sửa tạm đường cho bà con đi nhưng họ cứ im lặng mãi !?”.

Một cán bộ xã Đôn Phục cho biết: Xã có 7 bản gồm Hồng Thắng, Hồng Điện, bản Xiềng, bản Phục, Trọng Tờ, Tổng Tiến... mọi sản xuất, chợ búa, con em học hành đều đi trên con đường này. Do thi công dở dơi dở chuột, làm một đoạn lại dừng, cầu cống thì vừa xây xong đã sập làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày của bà con dân bản. Chúng tôi đề nghị là nếu nhà thầu chưa làm được đường thì cũng phải san gạt có đường cho bà con đi lại mà chúng tôi kêu mãi không ai trả lời.

Xã cuối cùng trên con đường này là xã Bình Chuẩn thì hiện nay tuyến đường quá lầy sục nên đã hoàn toàn bị chia cắt. Từ xã ra trung tâm huyện Con Cuông khó mà đi lại. Vì không thể đi được, nhiều bà con phải đi vòng sang xã Yên Thắng, Nga My của huyện Tương Dương mất khoảng gần 100 km mới đi xuống được. Cuộc sống của bà con xã vùng sâu Bình Chuẩn vốn đã nghèo, nay lại càng nghèo khó hơn vì không có đường đi.   

Con đường “nước mắt” này được các nhà thầu thi công từ năm 2006 đến năm 2012 đã gần 7 năm, nhiều nhà thầu đã nhận tiền rồi nhưng vẫn không làm.

Tuyến đường Bồng Khê đi Bình Chuẩn có tổng đầu tư xấp xỉ 130 tỷ đồng được khởi công từ năm 2006. Theo cam kết các gói thầu sẽ hoàn thành trong thời hạn 12 tháng. Tuyến đường gồm 3 gói thầu do các đơn vị thi công gồm: Công ty CP XD cầu đường Thanh Hoá, Công ty TNHH Trường Thành, Công ty TNHH Tuấn Hoàng, Công ty xây dựng Minh Ngân. Hiện tại các gói thầu trên đều đã được ứng trên 40% số vốn.

Tiến độ thi công thì tất cả các gói thầu trên đều chậm, như gói của Công ty Cổ phần Xây dựng cầu đường Thanh Hoá vì thi công quá chậm, UBND tỉnh Nghệ An đã cho gia hạn 5 lần nhưng vẫn chưa thi công xong, còn lại hầu hết các gói thầu khác đều được UBND tỉnh cho gia hạn từ 2 - 3 lần. Hiện nay cả tuyến đường này chỉ có Công ty TNHH Tuấn Hoàng mới ì ạch thi công được 1,5 km tại xã Đôn Phục nhưng cũng đã có dấu hiệu xuống cấp.

Riêng gói thầu của Công ty xây dựng Minh Ngân, Hà Nội có trị giá trên 37 tỷ đồng nhưng điều đáng buồn là ông Giám đốc Công ty đã bị Cơ quan CSĐT điều tra tạm giữ. Không rõ đã chuyển cho đơn vị nào thi công?

Con đường từ Bồng Khê đi Bình Chuẩn do UBND huyện Con Cuông làm chủ đầu tư phải chăng đã buông lỏng quản lý, đã bị các nhà thầu thi công “qua mặt ?”. Khi mà toàn bộ tuyến đường đã được ứng 40% vốn, một số gói thầu mặc dù được gia hạn nhiều lần nhưng vẫn chưa chịu thi công!? Đặc biệt, vấn đề giám sát về chất lượng của chủ đầu tư rất lỏng lẻo, cống trên tuyến đường xây vừa xong đã bị sập nhưng chủ đầu tư vẫn chẳng ai hay biết.

Mong rằng, các ngành chức năng của tỉnh cần sớm vào cuộc xem xét năng lực quản lý của chủ đầu tư và năng lực của các nhà thầu. Cần có biện pháp cứng rắn để việc xây dựng con đường Bồng Khê - Bình Chuẩn sớm hoàn thành, góp phần ổn định đời sống kinh tế cho bà con các dân tộc tại đây.

Hoa Lê
.