Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201204/19289-ky-tich-thung-bau-398145/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201204/19289-ky-tich-thung-bau-398145/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Kỳ tích Thung Bàu - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 02/04/2012, 14:22 [GMT+7]
19289

Kỳ tích Thung Bàu

Đó là kỳ tích của Nguyễn Đình Hoài ở xóm 5, xã Mỹ Thành, Yên Thành, Nghệ An. Chàng trai ấy bằng ý chí và nghị lực phi thường của mình đã dám cả gan phá núi mở đường chinh phục vùng rừng Thung Bàu âm u hiểm trở, nổi tiếng ma thiêng, nước độc - từng ngày, từng giờ bắt núi đá, con khe, dòng suối đẻ ra vàng..
 
Chinh phục Thung Bàu
 
Xuất ngũ trở về địa phương năm 1990, Hoài lấy vợ và sinh được 3 người con. Ngoài làm ruộng 2 vợ chồng anh còn lên núi lấy đá nung vôi đem đi bán rong nhưng lời lãi chẳng đáng là bao. Những năm đó, vợ con anh còn ốm đau suốt nên kinh tế lâm vào cảnh túng thiếu và nợ nần.
 
Nhiều đêm trằn trọc nghĩ phương cách làm ăn nhưng chẳng biết làm gì nơi vùng đất nổi tiếng chó ăn đá, gà ăn sỏi ấy. Hoài định bỏ đi miền Nam làm thuê thì một sự kiện đã làm cho anh có quyết định táo bạo.
 
Hoài tâm sự: “Lần đó tui vô Thung Bàu bẫy gà rừng về cải thiện bữa ăn. Tui càng đi càng thấy con suối rất rộng và cá quẫy từng bầy, vượt qua động Tù Và thì thấy cả một thung lũng tương đối bằng phẳng. Tui thốt lên: Nơi ni mà làm trang trại thì tuyệt vời quá! Hồi ở quân ngũ tui cũng đã được xem ti vi và nghe kể nhiều về những mô hình trang trại rồi. Rứa là tui về làm đơn xin xã đấu thầu”.
 
Lúc đầu nêu ý tưởng đó ai cũng cho là gàn, là điên bởi vùng rừng đó toàn núi đá, âm u, hiểm trở, nổi tiếng ma thiêng với những tin đồn rất rùng rợn khiến ai nghe đến cũng phải giật mình. Mặc, chí đã quyết, Hoài làm đơn xin xã thầu vùng rừng Thung Bàu đó để vừa làm trang trại phát triển kinh tế vừa khoanh nuôi bảo vệ rừng.
 
Trang trại lợn của gia đình anh Hoài
 
Để vào được khu rừng đó phải mở đường, đây là một thử thách cực kì khó khăn. Anh Lộc hàng xóm kể: “Ngày đó Hoài đến nhờ mở đường. Lúc đầu bọn tui thấy rừng núi hiểm trở, khe nông sâu chưa biết nên ớn lắm. Nhưng rồi vì tình bạn chúng tôi cũng mần. Bọn tui dùng xà beng, cuốc thuổng để bẫy đá, đào rễ cây vất vả lắm! Mất hơn hai tháng trời làm cả ngày lẫn đêm mới tạo đuợc con đường”.
 
Mở được đường rồi, Hoài phát rừng làm rẫy, bẫy đá, đắp đập chặn khe với mục đích nuôi cá. “Tính công thì không thể tính được, cứ hùng hục làm ngày, làm đêm nhưng ban đầu vẫn sợ, đêm đến rắn cò, rắn lục chúng đến ngủ chung giường. Có bận tui ra suối bị con trăn bằng cái cột nhà quấn hút chết. Rừng thiêng, nước độc, muỗi vắt từng bầy nên sốt rét nó quật cho lên bờ, xuống ruộng” - Hoài kể.
 
Kiên trì, bền bỉ chinh phục rừng thiêng gần 2 năm trời, hình ảnh của một trang trại mới bắt đầu rộng mở. "Ý tưởng vào Thung Bàu lập trang trại ban đầu tưởng chừng như không tưởng nhưng Nguyễn Đình Hoài đã làm được. Đó thực sự là một kỳ tích phi thường". Ông Nguyễn Văn Định - Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành trầm trồ thán phục.
 
Trở thành tỉ phú
 
Năm đầu tiên anh trồng ngô, lạc và nuôi cá nhưng sắp đến ngày thu hoạch thì bị khỉ và lợn rừng tấn công nên thu nhập không đáng kể. Còn cá thì lũ về cuốn trôi hết. Bao nhiêu công sức đi tong nhưng Hoài không hề nản. Anh tiếp tục nghiên cứu đào một con khe khác để thoát nước và tìm cách xua đuổi lũ khỉ và lợn rừng.
 
Những năm tiếp theo Hoài vẫn tiếp tục trồng màu, nuôi cá. Với ao nuôi hơn 2 ha Hoài thả 5 tạ cá giống. Cứ lấy ngắn nuôi dài. Đến nay, hồ nuôi cá của anh cho thu hoạch trên 40 tấn cá/năm, thu lãi ròng hơn 200 triệu đồng.
 
Không dừng lại đó, anh còn mạnh dạn vay vốn, học hỏi kỹ thuật mở trang trại chăn nuôi lợn. Với vốn tích cóp từ nuôi cá và vốn vay Hoài đầu tư hơn 1 tỉ đồng để chăn nuôi lợn nái, nhưng năm đầu bị "dính dịch", lợn lăn ra chết hàng loạt. Chán nản, Hoài bỏ mặc trang trại, suốt ngày ủ rũ ngồi trong nhà. Nhưng rồi, "đã cưỡi lên lưng hổ là phải phi thôi", Hoài nghĩ và anh lại đi vận động anh em họ hàng cho vay để tiếp tục nuôi lợn.
 
Hiện nay trang trại của Hoài nuôi 50 con lợn nái và hơn 200 con lợn thương phẩm, cho lãi ròng trên 500 trệu đồng/năm, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức lương 3 triệu - 5 triệu đồng/người/tháng.
 
Hoài chia sẻ về kỹ thuật: "Lúc đầu thất bại là mình chưa biết về kỹ thuật nuôi và cách phòng dịch bệnh. Rút kinh nghiệm từ thất bại trước mình đã đi học một lớp thú y, rồi tìm tài liệu, sách báo về kỹ thuật chăn nuôi để học, trước và sau khi nuôi còn mời chuyên gia về tư vấn. Cái quan trọng của thành công là nắm vững về kỹ thuật và khâu quan trọng nhất là vệ sinh chuồng trại thường xuyên mới đảm bảo dịch bệnh không xảy ra. Còn thức ăn thì ở quê mình, nông sản như ngô, sắn, lúa khoai nhiều. Cứ vụ mùa là thu mua về chế biến thức ăn cho lợn và cá, vừa đảm bảo vệ sinh, thịt sạch, vừa giảm giá thành thức ăn".
 
Dẫn chúng tôi đi tham quan trang trại, Hoài phấn khởi: “Hơn 3 ha rừng cây nguyên liệu của tôi, 3 năm nữa sẽ cho thu hoạch khoảng 150 triệu đồng, còn hồ cá mai đây nó sẽ là cái hồ sinh thái rất đẹp. Hiện nay, cứ vào dịp mùa hè có rất nhiều người đến chơi và tham quan rồi đó. Tui còn tham vọng sẽ đầu tư vùng này thành điểm du lịch sinh thái miền Tây huyện Yên Thành".
 
Chia tay Trần Đình Hoài nơi trang trại Thung Bàu, trong tiếng lợn kêu huyên náo, tiếng cá quẫy lao lên không trung lấp lánh ánh bạc... chúng tôi thầm khâm phục ý chí và bản lĩnh của người con chân đất này.

Tiến Dũng
.