Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201304/27557-nguoi-song-o-lan-cung-nguoi-chet-391673/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201304/27557-nguoi-song-o-lan-cung-nguoi-chet-391673/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Người sống ở lẫn cùng người chết - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 11/04/2013, 08:00 [GMT+7]
27557

Người sống ở lẫn cùng người chết

Thôn Đại Bắc, xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu hiện có 200 hộ dân sinh sống với gần 1.000 nhân khẩu. Địa phận của thôn một phần giáp bờ biển còn một phần nằm ngay dưới chân núi Kiến - Là nghĩa trang truyền thống nơi chôn cất hàng nghìn thi thể người chết của 4 thôn gồm Phú Liên, Đại Bắc, Đại Hải và Đại Tân.
 
Khu nghĩa trang núi Kiến này đã có từ lâu đời. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây khi đất đai thì không sinh thêm mà người chết ngày càng tăng nên “bỗng dưng” các khu mộ ngày càng tràn xuống ở gần với nhà dân. Cứ vào mùa nắng nóng như hiện nay mùi xú uế ở nghĩa trang cứ bốc lên nồng nặc khiến người dân sống gần đó rất bức xúc.
 
“Người dân ở đây sống quá gần với nghĩa trang, cả xã có 8 thôn mà 4 thôn chôn ở đây. Trong khi đó, không có người quản trang nên cứ đến thời điểm người ta bốc mộ là các thứ quần áo, tóc tai chưa tiêu được vứt bừa bãi. Mấy năm nay các bệnh của người dân trong thôn như bệnh ung thư tăng hơn trước”, chị Trần Thị Mai, người dân thôn Đại Bắc, xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu nói.
 
Theo chị Đào Thị Nga - Bí thư Chi bộ thôn Đại Bắc cho biết: Cả thôn có 200 hộ dân thì có đến 30 hộ là sống giáp ranh với khu nghĩa trang, khoảng cách ngày càng bị thu hẹp dần. Nhà xa nhất cũng chỉ có 3m - 5m, còn nhà nào không may mắn bắt buộc phải sống chung với thế giới của người âm khi khoảng cách chỉ còn 1,5m. 
 
Quỳnh Long là 1 xã ven biển của huyện Quỳnh Lưu, có diện tích tự nhiên là 173,2 ha với hơn 10.000 dân sinh sống. Cả xã có 2 khu nghĩa trang truyền thống nhưng riêng khu nghĩa trang núi Kiến có diện tích hẹp, lại bố trí ở gần khu dân cư nên tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng.
 
Không có ranh giới giữa cõi âm và dương ở nghĩa trang núi Kiến
 
Cùng với đó, từ đầu năm 2012 đến nay, UBND xã Quỳnh Long lại đầu tư gần 400 triệu đồng xây dựng 1 bãi rác thải rộng khoảng 1.300m2 nằm ngay trong khuôn viên của nghĩa trang khiến người dân lại càng bức xúc. Hàng ngày có hàng chục tấn rác thải sinh hoạt được tập kết về đây làm cho mùi hôi thối càng thêm nặng nề hơn. Vào những ngày nắng nóng, người dân sống ở gần khu nghĩa trang có lúc phải nghẹt thở vì cái mùi xú uế đó. Tại nhiều kỳ tiếp xúc cử tri, người dân thôn Đại Bắc đã phản ánh tình trạng trên đến các cấp, các ngành nhưng đến nay vẫn chưa cải thiện được gì.
 
Đem nỗi bức xúc của người dân thôn Đại Bắc trình bày với ông Trần Quang Vệ - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu thì ông cho biết: “Tình trạng ô nhiễm môi trường do nghĩa trang và bãi rác thải thì có, còn việc người dân thôn Đại Bắc bị bệnh ung thư nhiều hay mắc bệnh lạ là chưa có cơ sở. Bởi trước đây khi nhận được ý kiến phản ánh của nhân dân, chúng tôi cũng đã mời Sở Khoa học Công nghệ về kiểm tra nguồn nước và mẫu đất nhưng không có kết quả gì”.
 
Trước đây người dân thôn Đại Bắc mỗi lúc đi làm về mệt, khát nước là họ có thể múc nước ở dưới giếng khơi để uống, nhưng hiện nay họ không dám uống nữa. Bởi theo họ, nguồn nước ở đây bị ô nhiễm nghiêm trọng. Để chứng minh điều đó, người dân thôn Đại Bắc đã trực tiếp múc nước ở giếng nấu lên để nguội và chỉ cho chúng tôi thấy lớp bột trắng dày vài cm đóng ở phía dưới nồi. Những người cao tuổi nhất trong thôn cho rằng, đây là chất gây nên ung thư và những căn bệnh lạ cho người dân thôn Đại Bắc.
 
Khi được hỏi về những giải pháp trước mắt để giảm tình trạng ô nhiễm không khí cho người dân thôn Đại Bắc, ông Trần Quang Vệ nói thêm: “Vấn đề môi trường là vấn đề bức xúc toàn cầu. Riêng Quỳnh Long là 1 địa bàn đất chật người đông do quỹ đất không có nên nghĩa trang và bãi rác thải nằm gần khu dân ở. Để giải quyết tốt vấn đề này, sắp tới chúng tôi sẽ tích cực hướng dẫn cho nhân dân chôn cất người quá cố theo đúng quy trình của y tế, rồi thuê người quản lý nghĩa trang. Đối với rác thải, chúng tôi có đội thu gom, xe chuyên chở về bãi rác thải tập trung. Sau đó, chúng tôi cũng xử lý bằng cách đốt bằng dầu hoặc bằng hóa chất. Ngoài ra, hàng tháng chúng tôi cũng phải chi ngân sách ra để thuê xe chở rác bốc lên bãi rác của huyện ở xã Ngọc Sơn...”.
 
Người đã khuất ở lẫn với người còn sống, hay các nghĩa trang xen lẫn khu dân cư, đây không phải là chuyện hiếm ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, nó lại là câu chuyện dở khóc dở cười đối với một huyện thuần nông như Quỳnh Lưu. Theo tiêu chuẩn quy hoạch nông thôn mới thì khoảng cách từ khu nghĩa trang hung táng đến hàng rào của hộ dân gần nhất tối thiểu phải là 1,5 km. Thế nhưng, ở xã Quỳnh Long khi mà khoảng cách từ nơi xa nhất đến trung tâm của xã chưa đầy 500m thì có lẽ tiêu chuẩn đó không biết đến bao giờ mới thực hiện được.

Như Thủy
.