Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201508/truy-tang-danh-hieu-ba-me-viet-nam-anh-hung-niem-mong-moi-chinh-dang-cua-mot-gia-dinh-627539/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201508/truy-tang-danh-hieu-ba-me-viet-nam-anh-hung-niem-mong-moi-chinh-dang-cua-mot-gia-dinh-627539/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Niềm mong mỏi chính đáng của một gia đình - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 02/08/2015, 09:50 [GMT+7]
Truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng"

Niềm mong mỏi chính đáng của một gia đình

(Congannghean.vn)-Mặc dù gia đình đã hoàn thiện hồ sơ nộp lên chính quyền địa phương cách đây gần 2 năm nhưng đến nay, bà Vương Thị Sâm (SN 1920, đã mất) trú tại xóm 5, xã Diễn Thắng, huyện Diễn Châu vẫn chưa được truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Trong khi đó, một số trường hợp khác tại địa phương này nộp hồ sơ cùng thời điểm với bà Sâm thì đã được làm lễ truy tặng. Điều này khiến gia đình bà Sâm hết sức băn khoăn.

Bà Vương Thị Sâm (SN 1920) trú tại xóm 5, xã Diễn Thắng, huyện Diễn Châu là thân nhân của hai liệt sĩ, gồm: Liệt sĩ Cao Xuân Tứ (SN 1923, chồng bà Sâm) và liệt sĩ Cao Xuân Sơn (SN 1948, con trai ruột).

Năm 1948, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Cao Xuân Tứ nhập ngũ, tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Năm 1954, khi thực dân Pháp thua trận ở Việt Nam, đế quốc Mỹ nhảy vào gây chiến ở miền Nam, ông Tứ tiếp tục tham gia kháng chiến chống Mỹ cho đến khi hy sinh vào năm 1966, tại mặt trận phía Nam (xã Ân Tường, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định), đến nay gia đình vẫn chưa tìm thấy phần mộ.

Bà Cao Thị Phương mong sớm được truy tặng danh hiệu                                                                 “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho mẹ là bà Vương Thị Sâm
Bà Cao Thị Phương mong sớm được truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho mẹ là bà Vương Thị Sâm

Theo giấy báo tử của gia đình cung cấp, trước lúc hy sinh, ông Tứ là bộ đội công binh, chức vụ cao nhất là Chủ nhiệm Công binh. Còn ông Cao Xuân Sơn, con ruột bà Sâm, nhập ngũ năm 1965, hy sinh năm 1969, tại mặt trận phía Tây. Theo giấy báo tử của gia đình cung cấp, trước lúc hy sinh, ông Sơn thuộc quân số của Đại đội 1, Tiểu đoàn 45, Tỉnh đội Quảng Bình; cấp bậc cao nhất trước lúc hy sinh là Chuẩn úy, chức vụ là Trung đội trưởng Bộ binh. Ông Sơn hy sinh trong lúc đang chỉ huy trung đội đánh và truy kích địch tại mặt trận phía Tây, được công nhận là dũng sĩ cấp 2 và truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất.

Hiện tại, gia đình bà Sâm đang lưu giữ rất nhiều Huân, Huy chương và các danh hiệu cao quý khác do Đảng và Nhà nước tặng và truy tặng cho hai liệt sĩ Cao Xuân Tứ và Cao Xuân Sơn qua các thời kỳ. Bà Cao Thị Phương (con gái bà Sâm) cho biết: “Lúc còn sống, mẹ tôi (bà Sâm - P.V) rất mong tìm được nơi an táng để đưa chồng về với quê hương nhưng đến khi lâm chung, tâm nguyện đó cũng chưa được thực hiện. Hiện tại, gia đình chỉ biết thông tin là cha tôi được đơn vị chôn cất tại Nghĩa trang xã Ân Tường, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định”.

Nó về việc làm hồ sơ xét truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho bà Vương Thị Sâm, bà Phương cho biết: “Đầu năm 2013, khi có thông báo chủ trương này, gia đình chúng tôi đã khai hồ sơ rồi nộp lên xã nhưng đến cuối năm 2013, xã bảo làm lại hồ sơ khác, gia đình đã nộp từ đó đến nay nhưng vẫn “bặt vô âm tín”. Đến khi xã tổ chức lễ truy tặng cho một số bà mẹ Việt Nam anh hùng làm hồ sơ xét truy tặng cùng đợt với mẹ tôi, gia đình hỏi cán bộ chính sách xã về trường hợp của mẹ tôi chưa được truy tặng thì họ chỉ nói là hồ sơ ở xã đã hoàn thiện, nộp lên cấp trên chứ họ cũng không biết gì thêm!”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Xuân Thước, Bí thư Đảng ủy xã Diễn Thắng, huyện Diễn Châu cho hay: “Khi có chủ trương khai hồ sơ xét tặng và truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, xã đã thông báo đến toàn thể người dân được biết để thực hiện. Thời gian qua, toàn xã có 6 hồ sơ xét truy tặng của các bà mẹ được hoàn thiện, nộp lên cấp trên xem xét. Cho đến nay, đã có 2 trong số 6 bà mẹ đã được tổ chức lễ truy tặng, 4 trường hợp còn lại vẫn đang chờ. Trường hợp của bà Sâm cũng không phải là ngoại lệ, vì xã đã hoàn tất hồ sơ gửi lên cấp trên nhưng chưa thấy phản hồi”.

Chiều 22/7, tại Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Diễn Châu, qua kiểm tra danh sách các bà mẹ Việt Nam anh hùng được truy tặng trong thời gian tới, ông Trương Công Sửu, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Diễn Châu cũng khẳng định là chưa có tên bà Vương Thị Sâm ở xã Diễn Thắng. Tiếp đó, chúng tôi tìm đến Phòng Nội vụ huyện Diễn Châu. Tại đây, qua trao đổi, ông Nguyễn Khánh Dương, chuyên viên Phòng Nội vụ huyện Diễn Châu cho biết: “Thời gian qua, toàn huyện Diễn Châu có 214 hồ sơ xét phong tặng và truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” nhưng đến nay, chỉ mới có 64/214 trường hợp đã hoàn thành việc phong tặng và truy tặng. Số còn lại đang được Sở LĐ-TB&XH tỉnh và Sở Nội vụ tiếp tục xác minh, đối chiếu, trường hợp nào đạt tiêu chuẩn truy tặng thì sẽ có danh sách gửi về”.

Cũng theo ông Dương: “Việc đối chiếu thông tin giữa liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ là hết sức chặt chẽ, bởi vì nhiều liệt sĩ và thân nhân là bố mẹ có tên, ngày, tháng năm sinh lệch nhau nên quá trình kiểm tra có khi phải điều chỉnh lại, do đó thời gian hoàn thành hồ sơ thường kéo dài. Riêng trường hợp của bà Vương Thị Sâm, hồ sơ chúng tôi đã hoàn thành và gửi lên Sở LĐ-TB&XH tỉnh, khi nào có danh sách gửi về, chúng tôi sẽ thông báo đến gia đình để làm lễ truy tặng”.

Mong rằng, nguyện vọng tha thiết, chính đáng của gia đình bà Sâm sẽ được các cấp, ngành quan tâm, tạo điều kiện để sớm hoàn thành việc xét truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho bà Vương Thị Sâm trong thời gian sớm nhất.

.

Đức Thắng

.