Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201212/25204-tau-ca-nghe-an-bao-gio-het-canh-mac-can-393374/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201212/25204-tau-ca-nghe-an-bao-gio-het-canh-mac-can-393374/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Tàu cá Nghệ An bao giờ hết cảnh "mắc cạn"? - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 30/12/2012, 14:00 [GMT+7]
25204

Tàu cá Nghệ An bao giờ hết cảnh "mắc cạn"?

Để hỗ trợ cho nghề khai thác hải sản, Chính phủ cùng các địa phương đã có nhiều chính sách quan trọng và phù hợp để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá, trong đó có hệ thống cảng cá, bến cá từ rất sớm.
 
Các cơ chế, chính sách cũng như các cơ sở hạ tầng được đầu tư đã góp phần quan trọng cho sự phát triển của ngành thuỷ sản.
 
Song, hệ thống các cảng cá, bến cá của Nghệ An hiện nay đa số chưa đáp ứng được yêu cầu bốc dỡ và neo, đậu, tránh cũng như việc trú bão cho tàu cá trên địa bàn.
 
Biển Nghệ An rộng 4.230 hải lý vuông, bờ biển dài 82km với 4 huyện, thị ven biển gồm: Quỳnh Lưu (có bờ biển dài 34km), Diễn Châu (25km), Cửa Lò (12km), Nghi Lộc (11km), cùng 7 cửa lạch: Cửa Cờn, Cửa Quèn, Cửa Thơi (Quỳnh Lưu); Cửa Vạn, Cửa Hiền (Diễn Châu); Cửa Lò, Cửa Hội (thị xã Cửa Lò).
 
Nghề khai thác thủy sản của ngư dân trong 20 năm qua đã phát triển theo hướng khai thác gần bờ kết hợp với khai thác xa bờ. Hiện nay, so với các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên Huế, thì Nghệ An đã có đội tàu khai thác thủy sản nhiều về số lượng cũng như chủng loại tàu, nhất là tàu có công suất lớn (90CV trở lên) để khai thác xa bờ ngày càng nhiều.
 
Tàu cá Nghệ An hiện nay đang loay hoay tìm bến đậu (ảnh chụp tại cảng cá Lạch Quèn, huyện Quỳnh Lưu)
 
Toàn tỉnh hiện có trên 4.300 tàu có lắp máy đẩy, trong đó có gần 1.000 chiếc có công suất 90CV trở lên (chiếm khoảng 20%), chưa kể đến hàng ngàn tàu của ngư dân các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Quảng Ninh… vào lưu trú trong các dịp thời vụ, thiên tai bão lũ xảy ra.
 
“Chỉ riêng tàu chúng tôi ở đây mỗi lần vào, ra neo đậu ngay chính lạch biển xã mình cũng rất khó khăn. Bến đậu chật hẹp, nhiều lúc muốn bốc xếp cá đã đánh bắt gần tháng trời mới di chuyển vào bờ phải chờ tới vài ngày liền mới vào được.
 
Nếu cảng cá được mở rộng thì bà con ngư dân đỡ vất vả hơn, hải sản đỡ phải tốn chi phí ướp lạnh” - anh Hoàng Đức Long, một trong những chủ tàu NA 93245 có công suất 90CV ở Lạch Cờn, xã Quỳnh Phương, Quỳnh Lưu cho biết.
 
Ông Trần Hữu Tiến, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An cho biết: Số lượng tàu của ngư dân Nghệ An những năm gần đây tăng khá nhanh, nhất là loại tàu có công suất lớn để đánh bắt xa bờ. Trong khi đó điều kiện ngân sách của địa phương chưa đủ để hỗ trợ xây dựng, nâng cấp, mở rộng hạ tầng các cảng cá, bến cá cho ngư dân. Việc cập bến để bốc dỡ hải sản của tàu cá có tính chất đặc thù riêng, thường là theo thời gian và thời vụ, số lượng lớn nên phải chờ nhau mới đủ chỗ vào bến.
 
Theo quyết định 346/QĐ - TTg ngày 15/3/2010 của Chính phủ, tỉnh Nghệ An đã được phê duyệt 4 cảng cá và 4 bến cá, nhưng cho đến nay mới chỉ có 1 cảng Cửa Hội và 2 bến cá Lạch Quèn, Lạch Vạn, với tổng vốn đầu tư gần 40 tỷ đồng được triển khai xây dựng.
 
Với số lượng tàu nhiều cùng với công suất lớn, chất lượng hải sản đòi hỏi ngày càng cao; hạ tầng cảng, bến cá lại phải trông chờ vào các dự án mới nên cũng đã có doanh nghiệp đứng ra đầu tư bến cá.
 
Thậm chí một số ngư dân rất bức xúc với chỗ neo, đậu bốc dỡ hải sản nên họ đã góp vốn làm các bến cá tư nhân để đảm bảo bốc, dỡ hải sản kịp thời, đảm bảo chất lượng cho khách hàng.
 
Hiện nay, tỉnh đang chuẩn bị thực hiện dự án mở rộng và nâng cấp cảng cá Cửa Hội với tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng để phần nào đáp ứng được chỗ neo, đậu cho tàu thuyền trong vùng cũng như của các tỉnh khác về lưu trú.
 
Tuy nhiên, các công trình cảng cá, bến cá đã được xây dựng ở Nghệ An mới chỉ thiết kế cho tàu cá cập vào để bốc dỡ và tiếp nhận hàng hóa, xong việc là phải rời cảng, bến tìm chỗ đậu để cho tàu khác vào. Các cảng cá, bến cá chưa được quy hoạch, xây dựng khu neo đậu cho tàu thuyền sử dụng trước và sau khi ra, vào.
 
Trên thực tế các khu neo, đậu, tránh trú bão chỉ sử dụng khoảng 20 ngày/năm để tránh bão, thời gian còn lại nếu không được kết hợp sử dụng thì sẽ rất lãng phí, trong khi nhu cầu cần neo đậu thường xuyên gần các cảng cá, bến cá thì chưa được xây dựng.
 
Do đó công trình trú bão cần khảo sát kỹ, cần gắn liền công trình tránh trú bão với công trình cảng cá, bến cá để phát huy tối đa hiệu quả, vừa neo đậu tránh trú bão, vừa neo đậu khi tàu cá vào, ra lúc không có bão.
 
Việc hoàn chỉnh hệ thống cảng cá, bến cá ven biển các cửa sông, cửa lạch là yêu cầu hết sức cần thiết hiện nay nhằm giúp ngư dân thuận lợi trong việc neo đậu cũng như bám biển lâu dài.
 
Và đây cũng là điều kiện nhằm đáp ứng nhu cầu neo đậu và dịch vụ hậu cần cho tàu cá từng bước phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa của ngư dân vùng biển Nghệ An.

Ngọc Thái
.