Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201303/26506-thu-phi-atm-dung-hoa-cac-loi-ich-392389/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201303/26506-thu-phi-atm-dung-hoa-cac-loi-ich-392389/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Thu phí ATM: Dung hòa các lợi ích - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 03/03/2013, 07:07 [GMT+7]
26506

Thu phí ATM: Dung hòa các lợi ích

Kể từ ngày 1/3/2013, Thông tư số 35/2012/TT-NHNN (Thông tư 35) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành quy định về phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa có hiệu lực thi hành.

Thu phí phù hợp với các quy định pháp luật

 

Hiện nay vẫn còn không ít quan điểm chưa đồng tình với việc thu phí giao dịch ATM nội mạng. Có ý kiến cho rằng, thu phí ATM là không thuyết phục, nhất là áp dụng trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay. Ngân hàng và doanh nghiệp là những đơn vị đã hưởng lợi từ việc trả lương qua thẻ nên không thể dồn tất cả phí cho người lao động. Mặt khác, mức phí rút tiền nội mạng sẽ tăng dần theo từng năm, đến năm 2015 lên mức bằng với mức phí rút tiền ngoại mạng hiện nay là quá cao và chưa hợp lý. 

Tuy nhiên, về cơ sở pháp lý và thực tiễn thì việc thu phí ATM là cần thiết và đã được quy định theo lộ trình cụ thể, có sự kiểm soát chặt chẽ của NHNN. Việc triển khai thu phí giao dịch rút tiền nội mạng được tiến hành trên các cơ sở pháp lý như: thứ nhất, theo Quy định về quyền của bên cung ứng dịch vụ theo Bộ luật Dân sự (Khoản 3 Điều 523): Bên cung ứng dịch vụ có quyền yêu cầu bên thuê dịch vụ trả tiền dịch vụ.

Thứ hai, theo quy định về hình thức, nguyên tắc trả lương tại Bộ Luật Lao động (Điều 94, 96), lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng. Trường hợp trả qua tài khoản ngân hàng, thì người sử dụng lao động phải thỏa thuận với người lao động về các loại phí liên quan đến việc mở, duy trì tài khoản; Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn.

Thứ ba, dựa trên nguyên tắc chung tại Pháp lệnh phí và lệ phí thì mức thu phí đối với các dịch vụ do tổ chức, cá nhân đầu tư vốn phải đảm bảo thu hồi vốn trong thời gian hợp lý.

Thứ tư, dựa trên Quy định về quyền của tổ chức tín dụng trong việc ấn định và niêm yết công khai mức phí cung ứng dịch vụ thanh toán tại Luật Các tổ chức tín dụng (Điều 91).

Thứ năm, theo Quy chế chế phát hành, thanh toán, sử dụng và cung cấp dịch vụ hỗ trợ hoạt động thẻ ngân hàng ban hành kèm theo Quyết định số 20/2007/QĐ-NHNN của Thống đốc NHNN, chủ thẻ phải trả phí cho việc sử dụng dịch vụ thẻ (Điều 6).

Nhìn rộng ra với các dịch vụ ngân hàng hoặc các dịch vụ tiện ích khác trong xã hội không phải là dịch vụ công mà là các dịch vụ được cung ứng trên cơ sở thỏa thuận giữa nhà cung ứng dịch vụ và người sử dụng dịch vụ, trong đó có thỏa thuận về mức và loại phí. Các dịch vụ tiện ích miễn phí (nếu có) thường chỉ có trong một giai đoạn nhất định, phù hợp với chiến lược và năng lực của từng tổ chức cung ứng dịch vụ trong từng thời kỳ, nếu duy trì trong thời gian dài sẽ không đảm bảo chất lượng hoặc phát triển không bền vững do không cân đối được lợi ích và chi phí.

 

Theo Thông tư 35, từ ngày 1/3/2013 đến hết năm 2013, phí rút tiền nội mạng đối với thẻ ghi nợ nội địa được quy định từ 0 - 1.000 đồng mỗi giao dịch. Sang năm 2014, mức phí này từ 0 – 2.000 đ, từ , từ năm 2015 mức phí này từ 0 – 3.000 đ. ­­­Các ngân hàng phát hành thẻ có thể quyết định miễn, giảm các loại phí này cho chủ thẻ ATM.

Thực tế trên thế giới cho thấy, đối với việc thu phí dịch vụ thẻ, bằng cách này hay cách khác các ngân hàng đều phải bù đắp một phần hay toàn bộ chi phí nghiệp vụ kinh doanh thẻ thông qua nhiều loại phí, giá dịch vụ thẻ khác nhau. Một số loại hình dịch vụ thẻ ATM có thể miễn phí nhưng lại gắn với những điều kiện khắt khe khác. Ví dụ: Chủ thẻ phải duy trì số dư tài khoản tiền gửi thanh toán vượt ngưỡng hoặc phải sử dụng các sản phẩm dịch vụ khác như cho vay mua nhà/ tiêu dùng, gửi tiết kiệm, mua bảo hiểm...

Để đảm bảo việc thu phí giao dịch ATM của các ngân hàng theo nguyên tắc công khai, minh bạch, phù hợp với các quy định pháp luật, ngay từ đầu năm 2012, NHNN đã triển khai xây dựng dự thảo Thông tư quy định phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa, với cơ chế và khung biểu phí cụ thể. Trong quá trình xây dựng dự thảo Thông tư, NHNN đã nhiều lần tổ chức lấy ý kiến của các tổ chức phát hành thẻ và ý kiến đóng góp của nhân dân qua Trang thông tin điện tử của NHNN.

Bảo đảm hài hòa lợi ích khách hàng và ngân hàng

Có ý kiến cho rằng khách hàng ngoài việc thiệt về lãi suất trên tài khoản nay còn mất phí rút tiền là chưa thỏa đáng. Thực ra, là tài khoản thẻ ATM có bản chất là tài khoản tiền gửi không kỳ hạn nên không thể so sánh với lãi suất tiền gửi tiết kiệm được. Một điểm khác biệt nữa của thị trường thẻ Việt Nam là khách hàng thường có khuynh hướng rút tiền ATM ngay khi được trả lương, thu nhập nên số dư còn lại trong tài khoản thẻ là không nhiều. Do vậy, ngân hàng không thu được nhiều lợi ích từ dịch vụ này mà lại khá vất vả để quản lý sự biến động của dòng tiền này.

Trong giai đoạn hiện nay, mục đích chính của việc thu phí đối với giao dịch ATM rút tiền nội mạng không nhằm vào việc bù đắp, thu hồi toàn bộ chi phí giao dịch mà chỉ giúp các ngân hàng cân đối một phần chi phí bỏ ra, dung hòa lợi ích giữa khách hàng với ngân hàng, hướng đến sự phát triển bền vững của dịch vụ ATM tại Việt Nam, phục vụ ngày càng tốt hơn cho khách hàng sử dụng dịch vụ thẻ. Bởi vậy, song song với việc ban hành quy định về việc thu phí, NHNN cũng đã ban hành quy định về trang bị, quản lý, vận hành và đảm bảo an toàn hoạt động của ATM (Thông tư 36). Quan điểm chung là thu phí để nâng cao chất lượng và nâng cao chất lượng thì sẽ được thu phí.

Từ khi dịch vụ thẻ ATM bắt đầu được triển khai ở Việt Nam, các ngân hàng đã có tới hơn 10 năm thực hiện chính sách miễn, giảm phí trong đó có phí phát hành phí thường niên, phí rút tiền mặt ATM nội mạng. Đến nay, quy định về thu phí rút tiền mặt ATM nội mạng mới được NHNN ban hành và có hiệu lực. Tuy nhiên, có nhiều ngân hàng đã chủ động phân loại sản phẩm dịch vụ, khách hàng và đề ra những chính sách hỗ trợ miễn, giảm cụ thể, thiết thực đối với người lao động có thu nhập thấp (nhất là công nhân tại các khu công nghiệp, học sinh sinh viên...).

Tạo động lực phát triển hệ thống thanh toán thẻ

Lợi ích chủ yếu từ hoạt động kinh doanh thẻ ATM là số dư tiền gửi không kỳ hạn cá nhân gắn với thẻ ghi nợ/ ATM, khách hàng được các NHTM trả lãi số dư tiền gửi này theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn. Tuy nhiên, lượng tiền gửi này có bản chất là dòng tiền “động”, các ngân hàng phải luôn dự phòng nguồn tiền để đáp ứng nhu cầu giao dịch rút tiền, thanh toán, chuyển tiền bất thường, không theo quy luật của hàng triệu khách hàng, nên ngân hàng phải mất nhiều chi phí để quản trị rủi ro thanh khoản, cân đối kỳ hạn, lượng tiền tiếp quỹ vào các máy ATM... Bởi vậy, không thể tính lợi ích từ việc kinh doanh thẻ ATM của các NHTM theo lãi suất tiền gửi có kỳ hạn/ tiền gửi tiết kiệm. 

Trong hơn 10 năm qua, nhằm tạo điều kiện cho khách hàng làm quen và tăng cường sử dụng thẻ thanh toán, các ngân hàng thương mại ở Việt Nam thường thực hiện miễn, giảm phí phát hành, phí thường niên thẻ ATM nội địa cho khách hàng... Gần đây, một số ngân hàng mới thu gián tiếp phí thường niên qua hình thức thu phí quản lý tài khoản thẻ bởi vậy lợi ích thu được từ các loại phí này (nếu có) đối với ngân hàng là không đáng kể.

Bên cạnh đó, đặc điểm của thị trường thẻ Việt Nam là giao dịch rút tiền mặt tại ATM với khối lượng lớn (trên 1 triệu giao dịch/ ngày), chiếm tỷ trọng cao (trên 70% tổng lượng giao dịch ATM), thời gian tiền được duy trì trong tài khoản tương đối ngắn nên chi phí cho công tác tiếp quỹ, bảo trì, bảo dưỡng... phục vụ cho rút tiền từ ATM là rất lớn trong khi lợi ích thu được từ việc để tiền trong tài khoản chưa nhiều.

Nhìn chung, công tác đầu tư, duy trì mạng lưới ATM là hoạt động rất tốn kém. Theo số liệu điều tra tại các NHTM, trong năm 2012, tổng chi phí liên quan đến đầu tư, vận hành hệ thống ATM là gần 3,7 nghìn tỷ đồng; tổng thu (đã bao gồm lợi ích thu được từ số dư tiền gửi không kỳ hạn tài khoản thẻ) là xấp xỉ 1,7 nghìn tỷ đồng; chênh lệch thu-chi chưa cân đối được là 2 nghìn tỷ đồng. Như vậy, có thể nói hoạt động kinh doanh ATM hiện nay đối với các ngân hàng là thua lỗ chứ không thể nói là lãi lớn được.

Tình trạng thu chi mất cân đối trong hoạt động kinh doanh thẻ nếu kéo dài thêm sẽ dẫn tới việc các ngân hàng không có động lực đầu tư mở rộng và duy trì mạng lưới ATM cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ thẻ, và vô hình chung ảnh hưởng tới lợi ích của toàn xã hội, của ngân hàng và khách hàng.

Việc thu phí theo lộ trình, được kiểm soát chặt chẽ

Thông tư 35 đã quy định rõ, phí dịch vụ thẻ nội địa được thực hiện với sự điều tiết, giám sát chặt chẽ của Nhà nước trong quá trình thu phí, bảo đảm tôn trọng nguyên tắc thị trường, cạnh tranh và thỏa thuận trong việc cung ứng dịch vụ thẻ, phù hợp với các quy định pháp luật, bao gồm cả Luật Cạnh tranh.

Đồng thời, Thông tư 35 chỉ quy định mức trần về phí dịch vụ, giao dịch ATM được phép thu theo  từng thời kỳ. Điều đó có nghĩa là trong môi trường hoạt động thẻ cạnh tranh như hiện nay với gần 50 tổ chức phát hành thẻ, tùy theo khả năng và chiến lược khách hàng trong từng giai đoạn mà các ngân hàng tự quyết định mức thu tối đa, thu một phần hoặc thậm chí là không thu phí. Bởi vậy, các khách hàng có thể lựa chọn được những ngân hàng phục vụ cho phù hợp. Khung phí do NHNN ban hành là để đảm bảo các ngân hàng nếu có thu phí thì phải theo mức phí quy định và theo lộ trình có kiểm soát.

Theo ông Bùi Quang Tiên - Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN cho biết, triển khai thực hiện Thông tư 35, đến sáng ngày 1/3/2013 đã có 47 ngân hàng xây dựng biểu phí ATM và gửi về Ngân hàng Nhà nước. Trong đó có tới 35 ngân hàng chưa thu phí giao dịch nội mạng đối với khách hàng trong giai đoạn đầu, có 2 đơn vị quy định mức phí dưới mức quy định của NHNN (từ 200 - 500 đồng/giao dịch) và 10 đơn vị quy định mức phí sẽ thu là 1.000 đồng/giao dịch.

Về lâu dài, khi các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt phát triển kéo theo lượng rút tiền từ ATM giảm đi tương đối, các ngân hàng có thể cân đối lại doanh thu, chi phí để có mức thu phí rút tiền ATM phù hợp hoặc thậm chí là không thu.

Có thể thấy rằng quy định thu phí giao dịch ATM nội mạng là phù hợp với khuôn khổ pháp luật hiện hành, phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, bảo đảm hài hòa lợi ích của chủ thẻ và ngân hàng, tạo động lực cho các ngân hàng thương mại phát triển mạnh dịch vụ thẻ thanh toán và trực tiếp góp phần quan trọng thúc đẩy hoạt thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế


Nguồn: Chinhphu
.