Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201507/hang-gia-dang-tuon-ve-nong-thon-619961/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201507/hang-gia-dang-tuon-ve-nong-thon-619961/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Hàng giả đang 'tuồn' về nông thôn - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 02/07/2015, 15:37 [GMT+7]

Hàng giả đang 'tuồn' về nông thôn

(Congannghean.vn)-Trong thời gian qua, tại địa bàn một số huyện, nhiều cá nhân, nhóm cá nhân dưới vỏ bọc là nhân viên của các công ty đã bằng nhiều cách về tận các vùng quê để tổ chức bán hàng không đảm bảo các quy định; với chiêu trò là “quảng bá, giới thiệu, khuyến mãi sản phẩm” nhằm gây sự chú ý về uy tín của các dòng sản phẩm, nhưng không quên “ép” người dân mua hàng kém chất lượng từ các nhà sản xuất.
 
Sản phẩm trôi nổi “tuồn” về nông thôn
 
Cách đây chưa lâu, người dân xã Thanh Tường, huyện Thanh Chương bất ngờ được một công ty có trụ sở tại Hà Nội về tổ chức "Hội thảo giới thiệu sản phẩm", sau đó “mời chào” bằng chương trình “Truyền thông phòng chống cháy nổ, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu khí thải, bảo vệ môi trường". Theo đó, Công ty cổ phần Tổ chức sự kiện và xúc tiến đầu tư ASEAN đã tổ chức “Ngày hội tri ân khách hàng lần đầu tiên được tổ chức với những món quà hấp dẫn”. Chỉ sau một thời gian ngắn, tại xã này đã có 5 điểm được phía công ty tổ chức, đồng thời bán ra nhiều sản phẩm như chảo lẩu điện đa năng Osaka, ấm điện siêu tốc cùng các quà khuyến mãi khi chưa được sự cho phép hay thẩm định của cơ quan chuyên môn. 
Người dân xã Thanh Tường, huyện Thanh Chương bất bình khi mua phải hàng “rởm” từ các công ty giới thiệu, quảng bá sản phẩm
Người dân xã Thanh Tường, huyện Thanh Chương bất bình khi mua phải hàng “rởm” từ các công ty giới thiệu, quảng bá sản phẩm
 
Trên thực tế, việc các công ty “trôi nổi” không được cấp phép theo quy định cũng như chất lượng sản phẩm đã  “núp bóng” hội thảo giới thiệu sản phẩm, thậm chí để khám bệnh, bốc thuốc xảy ra ở rất nhiều huyện, thành, thị, về tận các thôn, xóm trên địa bàn tỉnh. Điều đáng nói, hầu hết các sản phẩm khi được các công ty bán ra cho người tiêu dùng đều với giá rẻ, hình thức bắt mắt nên được người dân rất “chuộng”, trong khi mặc dù không có cơ quan nào đứng ra khẳng định, cam kết về uy tín, chất lượng sản phẩm. Do đó, việc phát hiện, ngăn ngừa sự việc gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có nơi công tác quản lý của chính quyền địa phương lỏng lẻo đến mức “không biết họ về làm gì”, trong khi trong tay họ đã có “giấy giới thiệu” của phòng chuyên môn huyện, tỉnh.
 
“Kẽ hở” cho hoạt động lừa đảo
 
 Qua các sự việc mà chúng tôi ghi nhận được, sau khi đến các tỉnh, các công ty này đã đến Sở Công thương “đặt vấn đề” về việc cho công ty xuống các huyện, thành, thị “tổ chức hội thảo, giới thiệu sản phẩm”. Đây được xem là cơ sở đầu tiên mà họ có trong tay để về các vùng nông thôn và muốn “làm gì thì làm”. 
 
Nhiều công ty, tổ chức khi đến các địa phương đều thực hiện chung một “quy trình” là xin được công văn của Phòng Quản lý Thương mại (Sở Công thương) và Phòng Công thương các huyện, thị để nhằm mục đích bán hàng, “qua mặt” cơ quan chức năng. Nguyên nhân đều xuất phát từ chỗ, lợi dụng tâm lý cả tin, thích các sản phẩm có mẫu mã đẹp của người dân sau khi bị “thôi miên” bằng những lời mời chào, quảng bá từ nhân viên của các công ty để bán hàng với giá đắt, trong khi không xuất trình hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc sản phẩm. Sau khi đạt được mục đích là bán sản phẩm, các công ty đã “cao chạy xa bay”, còn người dân phải gánh chịu hậu quả.
 
Theo bà Trần Thị Mỹ Hà, Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công thương Nghệ An:  Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều công ty, tổ chức lợi dụng hội thảo để bán hàng; Sở cũng đã nhận được nhiều phản ánh của người dân. Với chức năng của Phòng, khi nhận được phản hồi của khách hàng và phản ánh về các công ty khi đến các địa phương hoạt động “có vấn đề” thì sẽ phối hợp với Thanh tra Sở và Chi cục Quản lý thị trường tiến hành thanh, kiểm tra, giám sát. Nếu đúng sẽ cử cán bộ phụ trách liên hệ với công ty để có hình thức xử lý phù hợp, như thu hồi và đình chỉ hoạt động khuyến mãi, thậm chí là xử phạt. 
 
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, tại sao việc các công ty tổ chức bán hàng công khai, rầm rộ ở nhiều địa phương nhưng chưa được cơ quan chức năng phát hiện và xử lý? Trong khi trách nhiệm chính trong kiểm tra, giám sát là chính quyền các địa phương từ huyện đến cơ sở. Bên cạnh đó, cơ quan có chức năng phát hiện, xử lý là Chi cục Quản lý thị trường lại cho rằng, do lực lượng mỏng, trong khi địa bàn rộng, các công ty hoạt động không có “lịch” cụ thể nên rất khó kiểm tra, giám sát. Việc phối hợp với các địa phương cũng gặp khó khăn, đó là chưa nói đến các công ty sẽ nhanh chóng tránh được sự phát hiện khi bị “đánh động”. Vì vậy, giải pháp duy nhất là nâng cao trách nhiệm của các địa phương và cá nhân trong việc quản lý, nắm tình hình, giám sát, kiểm tra khi có các công ty “tràn” về các địa phương để tổ chức các hoạt động thương mại.
.

Xuân Thống

.