Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201512/gan-thuong-hieu-vung-mien-can-duoc-quan-tam-bao-ho-649842/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201512/gan-thuong-hieu-vung-mien-can-duoc-quan-tam-bao-ho-649842/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Gắn thương hiệu vùng miền cần được quan tâm, bảo hộ - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 01/12/2015, 08:14 [GMT+7]

Gắn thương hiệu vùng miền cần được quan tâm, bảo hộ

(Congannghean.vn)-Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xuất hiện các sản phẩm nông nghiệp và phi nông nghiệp được đưa ra tiêu thụ trên thị trường, bước đầu tạo ấn tượng với người tiêu dùng. Thế nhưng, các sản phẩm của mỗi địa phương, vùng miền hiện nay vẫn đang bị thả nổi về quyền bảo hộ thương hiệu, gây thiệt hại kinh tế không hề nhỏ.

Việt Nam đã hoàn thiện các nội dung, chương trình để gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) từ đó mở ra nhiều cơ hội và thách thức không nhỏ. Nghệ An được xem là mảnh đất giàu tiềm năng về các sản phẩm  nông - lâm - ngư nghiệp.

Suốt chiều dài lịch sử hình thành, phát triển, mảnh đất xứ Nghệ đã xuất hiện nhiều sản vật nức tiếng như: Nước mắm Cửa Hội, Quỳnh Dị (TX Hoàng Mai), Vạn Phần (Diễn Châu), cá thu (TX Cửa Lò), me Nam Nghĩa, tương (Nam Đàn), nhút (Thanh Chương), lươn đồng, cam Vinh… Những sản phẩm này đã phần nào làm nên thương hiệu vùng miền mà dù đi xa, khi nhắc đến, người ta sẽ nhớ ngay tới mảnh đất mình đã từng gắn bó.

Chưa kể, những sản phẩm phi nông nghiệp khác đang được sản xuất, bày bán trên thị trường, góp phần làm nên tên tuổi của các địa danh trong tỉnh. Tuy nhiên, thời gian qua, những thương hiệu sản phẩm này phần nào bị làm giả, làm “nhái” gây mất uy tín của doanh nghiệp, địa phương.

 Bảo hộ thương hiệu là cơ hội để doanh nghiệp phát triển, hòa nhập nền kinh tế khu vực và quốc tế
Bảo hộ thương hiệu là cơ hội để doanh nghiệp phát triển, hòa nhập nền kinh tế khu vực và quốc tế

Từ mấy chục năm trở lại đây, khi nhắc tới sản phẩm gạch ngói Cừa tại xã Nghĩa Hoàn, huyện Tân Kỳ, người dân ai cũng biết bởi đây là sản phẩm uy tín, chất lượng đảm bảo, mẫu mã đẹp, phù hợp để xây dựng các công trình dân dụng. Nhờ vào uy tín chất lượng sản phẩm, gạch ngói Cừa đã không ngừng vươn xa trên thị trường. Thế nhưng, người tiêu dùng vẫn nhầm lẫn giữa sản phẩm gạch ngói Cừa thật và gạch ngói Cừa giả. Điều này đã ảnh hưởng đến uy tín đối với HTX và các doanh nghiệp vệ tinh của ngói Cừa.

Năm 2007, được sự giúp đỡ của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An, sản phẩm gạch ngói Cừa đã được bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa theo Quyết định số 4068/QĐ-SHTT do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận. Để bảo vệ thương hiệu sản phẩm, HTX sản xuất kinh doanh, dịch vụ làng nghề ngói Cừa đã công bố các chỉ số, đại lý, lò sản xuất vệ tinh về bản quyền cho phép.

Đối với sản phẩm cá thu Cửa Lò, mặc dù thương hiệu còn đang được đệ trình xây dựng, bảo hộ gắn với du lịch biển nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai như kế hoạch. Vào ngày 28/11, dưới sự chỉ đạo của Sở Khoa học và Công nghệ, UBND thị xã Cửa Lò đã tiến hành tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2015 - 2020 cho Hội sản xuất và kinh doanh cá thu nướng Cửa Lò.

Theo nội dung Đại hội, trong thời gian tới, sản phẩm mang thương hiệu cá thu nướng Cửa Lò sẽ mang tính độc quyền, gắn với thương hiệu của địa phương. Để sản phẩm không chỉ nằm trên giấy tờ đăng ký độc quyền mà in đậm trong lòng du khách, vấn đề bảo hộ thương hiệu, uy tín sản phẩm còn đặt ra nhiều việc phải làm trong thời gian tới.

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, để làm nên tên tuổi của một đơn vị, tổ chức, thậm chí là cả vùng miền, người ta sẽ nhắc đến thương hiệu sản phẩm. Tuy nhiên, một thực tế đang tồn tại trong thời gian qua đó là việc các thương hiệu sản phẩm này rất dễ bị làm “nhái” để trà trộn trên thị trường. Thậm chí, có những thương hiệu vốn dĩ đã được đăng ký sở hữu bản quyền do đơn vị chức năng chứng nhận nhưng vẫn bị làm giả mẫu mã với chất lượng rất kém, không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng mà uy tín của doanh nghiệp, tổ chức cũng bị ảnh hưởng.

Đặc biệt, trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế sâu rộng như hiện nay, cùng với uy tín chất lượng sản phẩm thì việc bảo hộ thương hiệu càng cần phải đặt lên hàng đầu. Có thể khẳng định, thương hiệu sản phẩm được xem là sự sống còn của một doanh nghiệp, tổ chức, địa phương, vùng miền. Vì vậy, công tác bảo hộ thương hiệu sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp thuận cho phép đăng ký bản quyền là điều cần làm.

Bên cạnh đó, các sản phẩm đã có thương hiệu trên thị trường nhưng chưa được cơ quan chức năng cấp phép bảo hộ độc quyền cũng cần đẩy nhanh lộ trình khi thủ tục vẫn còn chưa hoàn thiện.

Thời gian qua, việc coi trọng nhãn hiệu sản phẩm cho đến việc bảo hộ độc quyền thương hiệu đã được các địa phương quan tâm, làm thủ tục để trình cơ quan chức năng thẩm định. Tuy nhiên trên thực tế, việc xây dựng thương hiệu vùng miền vẫn còn gặp nhiều lúng túng. Việc tiếp cận thương hiệu vùng miền gắn với phát triển kinh tế - xã hội chưa được quan tâm đúng mức. Ngay như việc lồng ghép vào các chương trình, hoạt động du lịch để sản phẩm vùng miền mang thương hiệu đặc trưng đến tay du khách thập phương vẫn còn khá mơ hồ, chưa phát huy hết hiệu quả. Chính vì vậy, vấn đề xây dựng thương hiệu vùng miền gắn với phát triển kinh tế là điều cấp thiết để doanh nghiệp, địa phương có thể hội nhập sâu rộng trong khu vực cũng như quốc tế.

.

Ngọc Thái

.