Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201607/tiep-tuc-ho-tro-ngu-dan-vuon-khoi-686360/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201607/tiep-tuc-ho-tro-ngu-dan-vuon-khoi-686360/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Tiếp tục hỗ trợ ngư dân vươn khơi - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 04/07/2016, 10:38 [GMT+7]

Tiếp tục hỗ trợ ngư dân vươn khơi

(Congannghean.vn)-Thời gian qua, cùng với việc triển khai đồng bộ các chính sách nhằm giúp ngư dân vươn khơi bám biển theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP và Nghị định 89/2015/NĐ-CP của Chính phủ, nhiều địa phương trong đó có Nghệ An đã thực hiện công tác này một cách khẩn trương, nghiêm túc. Để tiếp tục hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, thời gian tới, Chính phủ sẽ ban hành chính sách nhằm giúp người dân có thêm “cửa” để lựa chọn hỗ trợ tài chính.

Để thực hiện chính sách hỗ trợ khai thác thuỷ hải sản theo Nghị định 67 và Nghị định 89 của Chính phủ, Nghệ An đã tiến hành rà soát, thẩm định hồ sơ cho ngư dân các huyện ven biển.

Ngư dân xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Lưu đầu tư đóng tàu to, thuyền lớn để vươn khơi, bám biển.
Ngư dân xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Lưu đầu tư đóng tàu to, thuyền lớn để vươn khơi, bám biển.

Tính đến thời điểm đầu quý II/2016, trên địa bàn tỉnh đã giải ngân khoảng hơn 117 tỉ đồng để giúp ngư dân đóng mới 57 tàu vỏ thép, tàu vỏ gỗ. Dự kiến, đến hết năm 2016, toàn tỉnh sẽ có 76 chủ tàu được ký hợp đồng giải ngân, vay vốn.

Tuy nhiên, theo phản ánh của các ngư dân, việc tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi theo Nghị định 67 hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Bộ Tài chính cũng đưa ra 2 phương án về việc hỗ trợ cho ngư dân tiếp cận nguồn vốn theo Nghị định 67. Đó là, nếu chủ tàu chọn phương án nhận mức hỗ trợ theo cơ chế một lần thì sẽ không được hưởng mức hỗ trợ lãi suất vay nữa mà phải chịu lãi suất vay thương mại.

Về trước mắt, với cơ chế như vậy, ngư dân có thể tự xoay vốn ban đầu để đóng mới tàu, sau đó sẽ nhận được nguồn hỗ trợ một lần hàng tỉ đồng để làm vốn lưu động phục vụ cho việc đánh bắt, khai thác thuỷ hải sản trên biển lâu dài. Điều này giúp ngư dân tránh được tình trạng “cạn vốn” sau khi đầu tư đóng mới tàu có công suất lớn.

So với những điều khoản quy định tại Nghị định 67 và Nghị định 89 về việc ban hành một số chính sách phát triển thuỷ sản thì mới đây, trong cuộc họp của Chính phủ, dự thảo Quyết định của Thủ tướng đã đồng ý các mức hỗ trợ cho ngư dân trực tiếp tham gia đánh bắt thuỷ hải sản.

Theo đó, ngư dân đóng mới tàu khai thác xa bờ công suất lớn từ 400 CV đến dưới 800 CV sẽ được hỗ trợ từ 2,9 - 7,3 tỉ đồng từ ngân sách Nhà nước. Đây là mức hỗ trợ một lần được Bộ Tài chính đưa ra trong dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, để được nhận mức hỗ trợ một lần như trên phải là những ngư dân đang trực tiếp hoạt động nghề cá có hiệu quả, có phương án đầu tư đóng tàu… được chính quyền địa phương cấp tỉnh phê duyệt.

Bên cạnh đó, nếu ngư dân đóng mới tàu dịch vụ hậu cần nghề cá cũng sẽ được nhận mức hỗ trợ từ 20 - 50% tổng giá trị con tàu.

Theo phân tích từ các cơ quan chức năng thì với việc ban hành Quyết định hỗ trợ một lần như vậy, ngư dân có thể dễ dàng tiếp cận được nguồn tài chính để đóng tàu mới theo Nghị định 67.

Với mức hỗ trợ cấp bù lãi suất vay vốn từ hệ thống các Ngân hàng thương mại trong suốt 11 năm như hiện nay thì mức hỗ trợ một lần như vậy sẽ ngang nhau. Việc Nhà nước hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho ngư dân trong thời gian qua theo Nghị định 67 đã giúp ngư dân có thêm động lực để vươn khơi, bám biển.

Thế nhưng, cái khó hiện nay mà ngư dân đang gặp phải đó là ngoài thủ tục vay vốn, thẩm định hồ sơ thì nguồn vốn ban đầu để đầu tư đóng mới một con tàu có công suất 400CV trở lên không phải ai cũng sẵn có. Nếu muốn đóng tàu mới như quy định tại Nghị định 67 thì nguồn vốn đối ứng phải có 30% tổng giá trị con tàu vỏ gỗ và 5 - 10% tàu vỏ thép.

Như vậy, để tiếp cận được nguồn vốn theo Nghị định 67 đóng mới con tàu vỏ gỗ trị giá khoảng 5 tỉ thì chủ tàu phải có nguồn vốn đối ứng khoảng gần 2 tỉ. Đây là số tiền lớn mà không phải ngư dân nào cũng dễ dàng có được để đáp ứng yêu cầu về hồ sơ, thủ tục vay vốn theo quy định. Với việc hỗ trợ một lần như vậy, ngư dân cũng sẽ dễ dàng xoay xở nguồn vốn để đầu tư đóng tàu công suất lớn.

Ông Nguyễn Chí Lương, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Nghệ An cho biết: Nếu như Chính phủ ban hành Quyết định về việc hỗ trợ thêm “cửa” vay vốn theo Nghị định 67 và Nghị định 89 thì ngư dân sẽ có nhiều thuận lợi để đóng tàu công suất lớn. Bởi, theo thống kê thì hiện nay, số lượng chủ tàu được chấp thuận để ký hợp đồng tín dụng vay vốn ngân hàng theo Nghị định 67 trên địa bàn Nghệ An rất khiêm tốn so với thực tế. Hy vọng, Quyết định mới của Chính phủ về việc hỗ trợ cơ chế một lần cho ngư dân sẽ sớm đi vào thực tiễn.

.

Ngọc Thái

.