Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201608/thong-tu-lien-tich-09-co-hieu-luc-tiep-suc-cho-nguoi-lao-dong-lam-viec-tai-nuoc-ngoai-694801/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201608/thong-tu-lien-tich-09-co-hieu-luc-tiep-suc-cho-nguoi-lao-dong-lam-viec-tai-nuoc-ngoai-694801/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Tiếp sức cho người lao động làm việc tại nước ngoài - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 20/08/2016, 08:20 [GMT+7]
Thông tư liên tịch 09 có hiệu lực

Tiếp sức cho người lao động làm việc tại nước ngoài

(Congannghean.vn)-Trong những năm qua, cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng, xuất khẩu lao động (XKLĐ) được đánh giá là một trong những giải pháp xóa đói giảm nghèo khá hiệu quả. Ngày 1/8/2016, Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BLĐTBXH-BTC của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều về hỗ trợ đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP của Chính phủ chính thức có hiệu lực.

Với động thái tích cực này, cánh cửa XKLĐ thêm rộng mở, tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ nằm trong diện ưu tiên có nhu cầu “xuất ngoại”, qua đó góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và đảm bảo an sinh xã hội…

Người dân tộc thiểu số là một trong những đối tượng được hỗ trợ nếu có nhu cầu XKLĐ
Người dân tộc thiểu số là một trong những đối tượng được hỗ trợ nếu có nhu cầu XKLĐ

Nghệ An là tỉnh đứng đầu cả nước về công tác XKLĐ với 13.000 lao động xuất khẩu mỗi năm, đem về nguồn ngoại tệ khoảng 300 triệu USD. Đây là một trong những nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tạo công ăn việc làm, ổn định đời sống người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP của Chính phủ, đối tượng áp dụng của Thông tư liên tịch số 09 bao gồm NLĐ có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài là người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; thân nhân người có công với cách mạng; người thuộc hộ bị thu hồi đất phục vụ các công trình, dự án.

Theo đó, NLĐ thuộc những diện trên sẽ được hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, tiền ăn, chi phí đi lại trong thời gian đào tạo tập trung; đồng thời được hỗ trợ chi phí làm thủ tục đi làm việc ở nước ngoài, hỗ trợ đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề và hỗ trợ giải quyết rủi ro trong thời gian làm việc ở nước ngoài. Trường hợp NLĐ đồng thời thuộc 2 hay nhiều đối tượng thì được lựa chọn áp dụng theo đối tượng có lợi nhất cho NLĐ và chỉ được hưởng một lần các khoản hỗ trợ.

Thời gian qua, cùng với các chủ trương, chính sách của Trung ương, tỉnh ta đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ XKLĐ phù hợp với đặc thù lao động của địa phương.

Căn cứ chỉ tiêu về kế hoạch XKLĐ của tỉnh và khả năng thực tế của từng địa phương, hàng năm, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu UBND tỉnh giao chỉ tiêu XKLĐ cho từng huyện, thành phố để phấn đấu thực hiện.

Song song với việc khảo sát cung - cầu lao động gắn với khảo sát nhu cầu đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài của NLĐ để có kế hoạch đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, Sở cũng kịp thời xem xét và giới thiệu các doanh nghiệp có chức năng XKLĐ về các địa phương tuyển chọn lao động theo các đơn hàng được Bộ LĐ-TB&XH cho phép.

Có thể thấy, các chính sách trên đã tạo điểm tựa, khuyến khích các đối tượng thuộc diện ưu tiên có thêm cơ hội xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, thực tế từ việc giải quyết chính sách hỗ trợ, khuyến khích XKLĐ của tỉnh cho thấy, số đối tượng thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số, hộ chính sách tiếp cận được các chính sách này còn khá khiêm tốn.

Trong năm 2015, Nghệ An có 2.119 người thuộc diện đối tượng chính sách tham gia XKLĐ (lao động thuộc hộ nghèo: 491 người, lao động hộ cận nghèo: 536  người, lao động thuộc hộ dân tộc thiểu số: 680 người, lao động thuộc hộ chính sách và người có công: 412 người), chiếm 16,54%. Vì vậy, năm 2016, toàn tỉnh phấn đấu đưa được trên 12.500 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, trong đó nâng tỉ lệ lao động thuộc đối tượng chính sách lên 20%.

Đối tượng là NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (quy định tại Nghị định 61/2015/NĐ-CP) sẽ được nhận hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết theo hướng dẫn mới như sau:

1/ Đào tạo nghề theo chi phí thực tế; đào tạo ngoại ngữ theo mức cụ thể của từng khóa học và thời gian học thực tế, tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học.

2/ Bồi dưỡng kiến thức cần thiết: Theo chi phí thực tế, tối đa 530.000 đồng/người/khóa học. Tiền ăn trong thời gian đào tạo: 40.000 đồng/người/ngày.

3/ Chi phí đi lại (1 lượt đi và về) cho NLĐ từ nơi cư trú hợp pháp đến địa điểm đào tạo: Mức 200.000 đồng/người/khóa học đối với NLĐ cư trú cách địa điểm đào tạo từ 15 km trở lên; mức 300.000 đồng/người/khóa học đối với NLĐ cư trú tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn cách địa điểm đào tạo từ 10 km trở lên.

 

.

Hồng Hạnh

.