Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201610/tin-dung-doi-voi-ho-gia-dinh-nguoi-nhiem-hiv-trien-khai-cham-kho-giai-ngan-705088/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201610/tin-dung-doi-voi-ho-gia-dinh-nguoi-nhiem-hiv-trien-khai-cham-kho-giai-ngan-705088/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Triển khai chậm, khó giải ngân - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 21/10/2016, 17:18 [GMT+7]
Tín dụng đối với hộ gia đình, người nhiễm HIV

Triển khai chậm, khó giải ngân

(Congannghean.vn)-Ngày 9/9/2014, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phê duyệt danh sách 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thí điểm về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương. Nghệ An là một trong nhiều địa phương được chọn thực hiện thí điểm chương trình này. Tuy nhiên, sau thời gian đầu triển khai tại 21 huyện, thành, thị trên địa bàn toàn tỉnh, kết quả dải ngân đạt được rất thấp.

Đào tạo việc làm tại Trung tâm Lao động xã hội tỉnh
Đào tạo việc làm tại Trung tâm Lao động xã hội tỉnh

Thực hiện Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg ngày 26/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Quyết định số 1150/QĐ-LĐTBXH ngày 9/9/2014, phê duyệt danh sách 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thí điểm về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương.

Theo Quyết định số 29 của Thủ tướng Chính phủ, hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương được hỗ trợ tín dụng để sản xuất, kinh doanh. Chương trình hỗ trợ tín dụng được thực hiện thí điểm tại 15 tỉnh, thành phố là: Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Hòa Bình, TP Hà Nội, TP Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, TP Đà Nẵng, Quảng Nam, Đắk Lắk, TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ, Hậu Giang và Bạc Liêu.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý kéo dài thời gian thí điểm thực hiện Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương đến hết ngày 31/12/2017. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hết thời gian thí điểm cần sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm để từ năm 2018 triển khai mở rộng trên phạm vi cả nước. Về nguồn vốn để cho vay, đối với năm 2016, ngân sách Trung ương cấp 15 tỉ đồng, Ngân hàng Chính sách xã hội huy động thêm 15 tỉ đồng để cho vay. Đối với năm 2017, Ngân hàng Chính sách xã hội có trách nhiệm tổng hợp nhu cầu, xác định quy mô trình cấp có thẩm quyền; Ngân sách Trung ương cấp 50% trên tổng số kế hoạch nguồn vốn cho vay cho Ngân hàng Chính sách xã hội, 50% còn lại do Ngân hàng Chính sách xã hội huy động.

Trong thời gian thực hiện thí điểm (từ 2014 - 2016) áp dụng thời hạn cho vay tối đa là 36 tháng và từ năm 2017 trở đi áp dụng thời hạn cho vay tối đa 60 tháng. Đối tượng gồm các cá nhân, hộ gia đình chỉ được vay vốn nhằm mục đích mua sắm các loại vật tư, vật nuôi, thức ăn gia súc, gia cầm, công cụ lao động, hàng hóa, phương tiện phục vụ kinh doanh, buôn bán; đầu tư làm các nghề thủ công trong hộ gia đình như: Mua nguyên vật liệu sản xuất, công cụ lao động, máy móc, thiết bị; góp vốn thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh với cá nhân, tổ chức khác. Mức cho vay căn cứ vào nhu cầu vay và khả năng trả nợ của từng cá nhân, hộ gia đình và không phải thế chấp.

Cụ thể, mức cho vay đối với cá nhân là 20 triệu đồng; đối với hộ gia đình là 30 triệu đồng. Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay hộ nghèo theo từng thời kỳ do Chính phủ quy định (hiện nay lãi suất cho vay hộ nghèo là 0,6%). Lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất cho vay.

Tại Nghệ An, Ngân hàng Chính sách xã hội cấp nguồn vốn 1,3 tỉ đồng để thực hiện chương trình này (từ ngày 1/6/2016). Sau khi có hướng dẫn của các cấp Trung ương, Nghệ An đã thành lập Ban đại diện cấp tỉnh và quyết định phân bổ nguồn tiền hỗ trợ dựa trên số lượng, đặc điểm, nhu cầu của từng địa phương. Tuy nhiên, sau 3 tháng triển khai, tính đến nay, mới có 2 địa phương thực hiện là Đô Lương (90 triệu đồng) và Quế Phong (30 triệu đồng), còn 19 huyện, thành, thị khác chưa giải ngân cho đối tượng nào. Đơn cử như tại TP Vinh, theo kế hoạch giao, nguồn vốn cho vay là 120 triệu đồng, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có đối tượng nào đăng ký.

Ông Nguyễn Hòa Lam, Trưởng phòng LĐ-TB&XH TP Vinh cho biết: Có vốn đó nhưng các đối tượng tại các xã, phường không đăng ký vay. Việc vay hay không phụ thuộc hoàn toàn vào số lượng đăng ký từ cấp cơ sở.

Chia sẻ về nguyên nhân khiến công tác giải ngân tại địa bàn gặp khó khăn, ông Nguyễn Văn Vinh, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Nghệ An cho biết: Khác với các ngân hàng thương mại khác, Ngân hàng Chính sách muốn cho 1 đối tượng nào đó vay phải thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn, bản. Việc bình xét cho người vay phải thông qua tổ tiết kiệm vay vốn, chịu sự giám sát của khối trưởng, xóm trưởng đại diện cho UBND cấp xã. Việc bình xét phải nhận được sự đồng ý phê duyệt của hội, đoàn thể cấp xã và UBND cấp xã. Thời gian qua, nhiều địa phương vẫn chưa thực sự mặn mà trong triển khai chương trình tín dụng này.

Bên cạnh đó, theo quy định về quy trình thực hiện tín dụng, việc công khai danh tính, đối tượng là yêu cầu bắt buộc. Tuy nhiên, đối với các đối tượng là hộ gia đình, người nhiễm HIV, gái bán dâm hoàn lương, do tâm lý ngại ngần nên hầu như không muốn cộng đồng dân cư sinh sống biết về quá khứ của mình. Thực tế cho thấy, tại 2 địa phương đã thực hiện chương trình tín dụng trên, đối tượng chủ yếu cũng là người sau cai nghiện.

Nhu cầu vay tín dụng với lãi suất ưu đãi của các đối tượng sau cai nghiện, gái hoàn lương, hộ gia đình, người nhiễm HIV là rất lớn. Bởi đa số những đối tượng này đều không có công việc ổn định, điều kiện kinh tế khó khăn. Vì thế, một mặt, các cấp, ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân biết về chương trình tín dụng này, mặt khác cần nghiên cứu đề xuất phương án, làm sao thuận tiện nhất cho các đối tượng vay vốn trong sản xuất, kinh doanh. Tránh để tình trạng, người dân muốn vay mà ngân hàng khó giải ngân.

.

Mai Hậu

.