Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201308/30241-canh-giac-voi-cai-bang-doi-lot-tiep-thi-403475/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201308/30241-canh-giac-voi-cai-bang-doi-lot-tiep-thi-403475/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Cảnh giác với 'cái bang' đội lốt tiếp thị - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 26/08/2013, 09:00 [GMT+7]
30241

Cảnh giác với 'cái bang' đội lốt tiếp thị

Cứ 19h hàng ngày, trên đường Nguyễn Viết Xuân, phường Hưng Dũng (TP Vinh), người dân đi đường lại bắt gặp hình ảnh một người đàn ông chừng 37 tuổi, dáng người thấp, mập, mặc quần soóc, áo phông, tay phải cầm một chiếc giỏ, phía trong giỏ đựng đầy những thứ như tăm tre, bút, kẹo cao su…, tay trái dắt một đứa trẻ khoảng chừng 5 tuổi, khuôn mặt trông rất khờ khạo, ăn mặc rách rưới. Điểm dừng của người đàn ông và đứa trẻ là tại các nhà dân hai bên mặt đường. Tại mỗi điểm dừng chân, sau lời chào gia chủ, người đàn ông lấy tay dơ áo đứa trẻ lên để lộ cái bụng to tướng kèm theo lời giới thiệu bệnh tình và lời mời gọi mua “hàng” được đựng sẵn trong chiếc giỏ.
 
Qua giới thiệu thì người đàn ông là bố của đứa trẻ, quê ở Ninh Bình. Đứa trẻ bị bệnh gan bẩm sinh nhưng gia đình khó khăn không có tiền để chữa trị. Mong cô chú thương tình mua giúp cho gói tăm, cây bút. Không xin xỏ, cũng chẳng cần thuyết giảng nhiều, chỉ cần đôi ba câu ngắn gọn như thế, người đàn ông đã làm động lòng không ít người dân. Và cứ vậy, có người lấy cái bút, thỏi cao su cho có lệ, nhưng cũng không thiếu người từ chối mua hàng mà vẫn móc hầu bao đưa cho đứa trẻ vài chục nghìn xem như thể hiện lòng thương cảm đối với đứa trẻ. Được biết, hai bố con hành nghề tiếp thị đã được gần một năm nay, địa điểm “kiếm tiền” của họ không cố định. Lúc thì ở Hà Nội, khi Nghệ An, có lúc lại ở TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Tây Nguyên… Cứ đi khoảng 10 ngày lại về một lần.
 
Trên đoạn đường Đinh Công Tráng (phường Lê Mao), người dân thỉnh thoảng lại bắt gặp một người phụ nữ khoảng hơn 40 tuổi, dáng người gầy gò, nước da đen sạm, trên cổ đeo một chiếc rổ hình vuông, trong chiếc rổ đựng đầy bút, tăm, thỏi cao su… Hầu hết những thứ được gọi là hàng tiếp thị trên đều gọn nhẹ, mỗi thứ khoảng vài chục cái. Tay phải của người phụ nữ dẫn theo một người đàn ông luống tuổi, bị khiếm thị mà người phụ nữ luôn giới thiệu là chồng. Khách hàng của đôi nam nữ tiếp thị này chủ yếu là khách ngồi uống nước tại các quán nước ven đường. Mỗi điểm dừng chân, người phụ nữ không quên giới thiệu hoàn cảnh bi thương của hai vợ chồng. Tiếp đó là mời mọc khách hàng mua giúp một món hàng để ủng hộ.
 
Một người lành lặn đẩy người khuyết tật đi bán hàng trên phố
 
Qua lời kể thì vợ chồng người phụ nữ quê ở Thanh Hóa, cách đây gần 10 năm, cảm thông với cảnh tàn tật của người đàn ông nên người phụ nữ quá lứa đã tự nguyện về sống chung để chăm sóc. Vì gia cảnh quá khốn khó nên mới dẫn nhau phiêu bạt nay đây mai đó để kiếm tiền nuôi nhau. Qua chuyện đời, người đàn ông tàn tật đứng bên cạnh cũng không quên buông lời trách móc vợ mình là một người phụ nữ chưa làm tròn trách nhiệm, bởi lẽ sống chung đã lâu nhưng tới nay niềm mong mỏi có một mụn con để nối dõi vẫn không thành hiện thực. Bình quân một món hàng như vậy được tiếp thị bán với giá gấp 3, gấp 7 lần so với giá thị trường.
 
Ví như một chiếc bút giá thị trường là 3.000 đồng thì khi qua tay những người tiếp thị có “hoàn cảnh éo le” như trên lại được bán với giá 15.000 đồng. Một vỉ kẹo cao su 10 viên đơn thuần chỉ được bán với giá 5.000 đồng thì những người này bán với giá 15.000 đồng. Những mặt hàng khác cũng được bán với giá tương tự. Đó là chưa kể hầu hết những khách hàng không may gặp phải, họ không mua hàng mà vẫn rút hầu bao của mình từ vài nghìn đến vài chục nghìn ra để “bố thí” cho những mảnh đời bất hạnh. 
 
Thu nhập bình quân mỗi ngày từ việc bán hàng và tiền người dân bố thí ít nhất cũng từ 400.000 đến 600.000 đồng. Công việc nhẹ nhàng, đơn giản, thu nhập lại cao nên thời gian này, trên địa bàn thành phố Vinh không thiếu những cảnh tượng người khỏe mạnh dẫn kẻ tàn tật đi kiếm ăn bằng nghề tiếp thị. Các đối tượng này có mặt rải rác hàng ngày trên các tuyến đường, khu phố. Chỉ cần có một chút khiếm khuyết về thể chất, cố gắng tạo cho mình một bộ mặt đáng thương cùng với tấm bi kịch của cuộc đời được “tái bản” nhiều lần là nhanh chóng “móc túi” người dân một cách nhẹ nhàng.

Đêm đến, theo chân những người tiếp thị trên đến gần Bến xe Vinh, nơi hầu hết đội quân tiếp thị hội tụ để nghỉ ngơi sau một ngày rong ruổi kiếm tiền. Điều mà chúng tôi ngạc nhiên nhất là tại sao sau mỗi ngày làm việc, họ lại ngồi lại để xếp gọn những đồng tiền kiếm được, rồi tính toán từ tiền cơm, tiền nghỉ ngơi tại phòng trọ, tiền nước… và chia số tiền kiếm được thành hai phần. Thiết nghĩ, nếu đã là người nhà của nhau (là vợ chồng, là cha con…) như lời giới thiệu, thì việc chia chác một cách sòng phẳng như vậy liệu có xảy ra?

Nạn “cái bang” đội lốt tiếp thị như trên không những làm mất trật tự an toàn xã hội, làm giảm đi nét văn minh vốn có mà còn ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần của người dân (nhất là những người tàn tật). Để khắc phục tệ nạn trên, ngoài sự vào cuộc kịp thời của các cấp, ban, ngành thì đòi hỏi cao ý thức cảnh giác của người dân. Mỗi người dân cần có một cái nhìn khách quan, không nên tạo dựng lòng thương hại một cách thái quá vào những con người, những chiêu trò hết sức vô bổ.

Đoàn Hoàng
.