Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201403/an-toan-lao-dong-tai-cac-cong-trinh-xay-dung-con-bi-xem-nhe-461852/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201403/an-toan-lao-dong-tai-cac-cong-trinh-xay-dung-con-bi-xem-nhe-461852/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
An toàn lao động tại các công trình xây dựng còn bị xem nhẹ - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 14/03/2014, 08:53 [GMT+7]

An toàn lao động tại các công trình xây dựng còn bị xem nhẹ

(Congannghean.vn)-Trên thực tế hiện nay, vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh lao động cho công nhân làm việc tại các công trình xây dựng chưa được người sử dụng lao động và người lao động chú trọng. Có chăng, chỉ dừng lại ở việc trang bị một số dụng cụ bảo hộ lao động đơn giản như áo quần, găng tay, khẩu trang…

Qua tìm hiểu một số công trình đang xây dựng trên địa bàn TP Vinh, phần đông công nhân ở đây đang làm việc trong điều kiện hết sức vất vả và mất an toàn lao động. Hầu hết, các công trình khi xây lên cao đều phải sử dụng “dàn giáo” nhưng không phải công trình nào cũng được trang bị dàn giáo bằng khung thép chắc chắn, nhiều công trình sử dụng gỗ tạp, tre, mét… bắc dàn giáo rồi lót thêm tấm ván làm chỗ đi lại và chỉ cần một sơ sẩy là người lao động phải chịu hậu quả.

Vấn đề an toàn lao động tại các công trình xây dựng vẫn bị xem nhẹ là nguyên nhân dẫn đến  những vụ tai nạn lao động đáng tiếc
Vấn đề an toàn lao động tại các công trình xây dựng vẫn bị xem nhẹ là nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn lao động đáng tiếc

Trong khi đó, nhiều nơi công nhân không hề được trang bị các dụng cụ bảo hộ lao động, hoặc có nơi được trang bị họ cũng không quan tâm sử dụng! Mặt khác, qua tìm hiểu, người lao động tại các công trình xây dựng hiện nay chủ yếu là những người làm việc theo thời vụ.

Đa số họ không có hợp đồng lao động, không có bảo hiểm y tế, làm việc theo thỏa thuận với người đứng chủ công trình. Có khi, trong các lao động này là những người thân quen, anh em với người đứng chủ công trình nên mọi việc họ cứ xuề xòa với nhau, miễn là làm công xong có lương là được.
Chính vì sự chủ quan của người sử dụng lao động và người lao động nên hàng năm, trên địa bàn tỉnh ta đã có không ít vụ tai nạn lao động tại các công trình xây dựng xảy ra, hậu quả để lại hết sức to lớn.

Nhiều người phải chịu cảnh tàn phế suốt đời, hoặc nhẹ hơn thì cũng bị giảm sức khỏe, sức lao động. Tuy nhiên, để nắm bắt con số chính xác về các vụ tai nạn ở các công trình xây dựng là rất khó và chỉ đến khi có người bị tử vong thì vụ việc mới vỡ lở. Phần đông, sau các vụ tai nạn, người sử dụng lao động và người lao động “thỏa thuận” đền bù, hỗ trợ với nhau và thông tin liên quan đến vụ tai nạn cũng bị ém lại. Anh Hải, một người làm nghề thợ xây lâu năm cho biết, tình trạng công nhân xây dựng bị ngã gãy tay, gãy chân, dẫm đinh… tại công trình không phải là chuyện hiếm. Bị tai nạn thì nghỉ làm, chờ lúc nào khỏi hẳn thì đi làm lại…

Nhiều công trình xây dựng chưa  đảm bảo an toàn cho người lao động
Nhiều công trình xây dựng chưa đảm bảo an toàn cho người lao động

Cách đây không lâu, một vụ tai nạn đau lòng đã xảy ra tại một công trình đang thi công trên địa bàn huyện Quế Phong, làm một người chết và nhiều người khác bị thương nặng. Khoảng 10 giờ 30 phút ngày 29/10/2013, một nhóm công nhân đang thi công trên tầng 3, công trình Trung tâm Giáo dục huyện Quế Phong (thuộc xã Mường Nọc) thì bất ngờ dàn giáo bị đổ sập xuống đất. Nạn nhân tử vong được xác định là anh Nguyễn Văn Đông (SN 1963) trú xóm 6, xã Nghi Hưng, huyện Nghi Lộc; 4 công nhân bị thương nặng, gồm: Nguyễn Đình Tâm (SN 1965) trú xã Nghi Đồng; Trần Hữu Minh (SN 1963), Trần Văn Lâm (SN 1985) và Nguyễn Cảnh Hữu (SN 1984) đều trú xã Nghi Hưng, huyện Nghi Lộc. Những công nhân này đều là người nông dân đi làm thuê xây dựng.

Tại một số công trình xây dựng, chúng tôi không khỏi rùng mình chứng kiến những chiếc máy có công suất nhỏ, tời hàng chục, thậm chí hàng trăm kg vật liệu xây dựng lên, xuống… phía dưới, công nhân vẫn đầu trần vô tư đi lại. Một người điều khiển máy tời cho biết, mỗi sợi cáp (bằng chiếc đũa) sử dụng được khoảng 1 tháng, khi nào nó đứt thì thay dây khác. Cũng theo người đàn ông này thì việc đứt dây cáp tời vật liệu là chuyện bình thường “như cơm bữa”.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề an toàn lao động tại các công trình xây dựng, bà Hoàng Thị Hường - Chánh Thanh tra Sở LĐTB&XH tỉnh cho biết: Thực tế, việc theo dõi chặt chẽ công nhân làm việc tại các công trình xây dựng là rất khó, bởi đa số họ là những người làm thuê theo thời vụ, không có chế độ bảo hiểm, không có hợp đồng lao động. Và, người sử dụng lao động cũng chưa thực sự quan tâm vấn đề an toàn lao động cho công nhân, có chăng chỉ dừng lại ở chỗ là làm sao mang lại lợi nhuận cho đơn vị và thu nhập cho người lao động.

Hàng năm, Sở LĐTB&XH tỉnh có tổ chức các lớp huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động và phòng, chống cháy nổ. Theo đó, bắt buộc các chủ doanh nghiệp phải đi tập huấn, tuy nhiên, khi được mời thì họ lại phó thác để người khác đi cho qua chuyện. Trong khi đó, tại nhiều đơn vị, cán bộ kiêm nhiệm rất nhiều công việc, không có bộ phận am hiểu về Luật Lao động, quyền lợi của người lao động. Vì thế, để đảm bảo an toàn lao động cho công nhân tại các công trình xây dựng hiện nay là việc không hề dễ dàng, đòi hỏi phải có sự quan tâm của người sử dụng lao động cũng như ý thức người lao động phải được nâng lên.

.

Đức Thắng