Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//tin-tuc-su-kien/201312/buc-tranh-sang-toi-cua-kinh-te-toan-cau-2014-431158/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//tin-tuc-su-kien/201312/buc-tranh-sang-toi-cua-kinh-te-toan-cau-2014-431158/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Bức tranh sáng- tối của kinh tế toàn cầu 2014 - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 20/12/2013, 15:35 [GMT+7]

Bức tranh sáng- tối của kinh tế toàn cầu 2014

Kinh tế toàn cầu đang cải thiện nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro có thể khiến đà tăng trưởng đi chệch hướng. Đó là nhận định trong Báo cáo tình hình và triển vọng kinh tế thế giới (WESP) năm 2014 của Liên Hợp Quốc công bố ngày 18/12.

Báo cáo WESP được công bố thường niên do Ủy ban các vấn đề kinh tế và xã hội của LHQ, Hội nghị LHQ về thương mại và phát triển (UNCTAD) và năm Ủy ban khu vực của LHQ phối hợp tiến hành. Báo cáo hoàn chỉnh sẽ được công bố vào ngày 20/1/2014.

Báo cáo dự đoán kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3% năm 2014 và 3,3% năm 2015, cao hơn mức tăng trưởng ước khoảng 2,1% trong năm 2013. Các chuyên gia của LHQ tỏ ra lạc quan hơn vào triển vọng kinh tế thế giới trong bối cảnh Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) thoát khỏi suy thoái và tăng trưởng kinh tế của Mỹ mạnh lên (ước tăng khoảng 2,5% năm 2014).

Báo cáo cho rằng lạm phát trên toàn thế giới ở mức vừa phải song vấn đề việc làm vẫn chưa thể được giải quyết một cách dễ dàng. Thương mại quốc tế được dự báo sẽ tăng trưởng 4,7% trong năm 2014. Giá cả hầu hết các loại nguyên liệu thô vẫn ổn định mặc dù những biến động bất ngờ liên quan đến nguồn cung có thể xảy ra, kể cả những xung đột địa chính trị có khả năng đẩy giá các mặt hàng này lên cao hơn. WESP cảnh báo các dòng chảy vốn quốc tế vào các nền kinh tế mới nổi cũng trở nên thiếu ổn định.

Đánh giá tổng thể, báo cáo cho rằng việc khu vực đồng euro chấm dứt thời kỳ suy thoái kéo dài, kinh tế Mỹ cũng như một số nền kinh tế lớn đang nổi (trong đó có Ấn Độ và Trung Quốc) đang hồi phục là những yếu tố kích thích kinh tế thế giới tăng trưởng.

Đối với nhóm các nền kinh tế phát triển, báo cáo cho rằng mặc dù các biện pháp siết chặt tài chính và một loạt những bất đồng chính trị liên quan đến vấn đề ngân sách đã tác động khá lớn đến tăng trưởng kinh tế Mỹ nhưng chương trình cứu trợ của nước này đã phát huy hiệu quả. Còn khu vực Tây Âu, dù thoát khỏi suy thoái trong năm 2013 nhưng triển vọng tăng trưởng vẫn yếu do phải tiếp tục áp dụng các biện pháp "thắt lưng buộc bụng". Khu vực này dự báo tăng trưởng 1,5% năm 2014. Kinh tế Nhật Bản cải thiện và dự báo tăng khoảng 1,5% năm 2014 nhờ các gói kích thích tăng trưởng của chính phủ.

Trong số các nền kinh tế đang phát triển, triển vọng của châu Phi được đánh giá tương đối sáng sủa với GDP ước đoán tăng 4,7% trong năm 2014 so với mức 4% năm 2013. Tuy nhiên, WESP cũng lưu ý rằng kinh tế châu Phi hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn đầu tư của các nền kinh tế mới nổi đối với cơ sở hạ tầng, thương mại và đầu tư.

Đối với nhóm các nền kinh tế đang nổi, triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế lớn vẫn khá phức tạp. Tăng trưởng kinh tế tại Brazil dự đoán sẽ khôi phục lên mức 3% trong năm 2014. Tuy nhiên, triển vọng này không chắc chắn do Liên hợp quốc cho rằng nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh vẫn chịu tác động của việc giảm nhu cầu từ bên ngoài, thiếu ổn định trong hoạt động lưu thông vốn quốc tế và chính sách siết chặt tiền tệ.

Tuy nhiên, báo cáo WESP cũng thừa nhận tình hình thị trường việc làm vẫn ẩn chứa nhiều thách thức và các luồng lưu thông vốn quốc tế đến các nền kinh tế mới nổi vẫn chưa ổn định.

Đề cập đến các yếu tố rủi ro có thể tác động đến kinh tế toàn cầu, báo cáo WESP nhận định các hậu quả liên quan đến việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) ngừng chương trình cứu trợ kinh tế có thể sẽ dẫn đến việc tăng mạnh lãi suất dài hạn tại các nền kinh tế phát triển và đang phát triển. Việc chấm dứt chương trình này được dự báo sẽ đẩy các thị trường chứng khoán rơi vào tình trạng các nhà đầu tư bán tháo tài sản thế chấp, ảnh hưởng đến các nguồn đầu tư ở các nền kinh tế mới nổi.

Bên cạnh đó, báo cáo còn liệt kê một loạt yếu tố tiêu cực khác như hệ thống ngân hàng còn yếu, thực lực kinh tế của khu vực đồng euro chưa ổn định, bất đồng nội bộ nước Mỹ về các vấn đề liên quan đến ngân sách và trần nợ.

Trước đó, trung tuần tháng 11/2013, Conference Board - tổ chức nghiên cứu hàng đầu có trụ sở tại New York, vừa công bố Báo cáo cho rằng kinh tế thế giới sẽ phục hồi khiêm tốn trong năm 2014 bất chấp sự tăng trưởng chậm lại của các nền kinh tế đang phát triển, chủ yếu nhờ sự phục hồi của các nền kinh tế phát triển như châu Âu và Mỹ.

Báo cáo nhận định, nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong trong năm 2014 do vẫn tiếp tục quá trình chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng cân bằng hơn. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm xuống 7% trong năm 2014 so với 7,5% trong năm 2013. Năm 2014 có thể sẽ đánh dấu năm kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm nhất trong vòng hơn 1 thập kỷ qua. Sự giảm tốc này cũng sẽ kéo sự tăng trưởng chậm lại trong các nền kinh tế đang phát triển, được dự báo ​​sẽ giảm xuống 4,6% trong năm 2014 so với 4,7% trong năm nay.

Về phần mình, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2013 - 2014 do lo ngại về sự giảm tốc ở các nền kinh tế mới nổi. Theo đó, OECD đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay và năm tới lần lượt xuống 2,7% và 3,6% so với mức 3,1% và 4% mà OECD đưa ra cách đây nửa năm.

Với nhiều thách thức như trên, LHQ kêu gọi các nền kinh tế tăng cường điều phối chính sách theo hướng quốc tế hóa, nhấn mạnh mục tiêu hồi phục mạnh hơn, đặc biệt trong lĩnh vực việc làm để “bức tranh” kinh tế toàn cầu trong những năm tới trở nên sáng sủa và đồng đều hơn.

.

Chinhphu