Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201306/29073-thay-gi-tu-ket-qua-thi-tot-nghiep-thpt-404482/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201306/29073-thay-gi-tu-ket-qua-thi-tot-nghiep-thpt-404482/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Thấy gì từ kết quả thi tốt nghiệp THPT - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 24/06/2013, 09:00 [GMT+7]
29073

Thấy gì từ kết quả thi tốt nghiệp THPT

Nhắc đến Nghệ An, người ta thường nghĩ ngay đến “vùng đất học”. Điều này được thể hiện qua việc trong nhiều năm, Nghệ An luôn nằm trong “top 5” các địa phương có học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia, đồng thời cũng là tỉnh có nhiều học sinh đậu vào các trường đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, trong khi giáo dục mũi nhọn có nhiều thành tích đáng khích lệ thì chất lượng giáo dục đại trà một vài năm qua của tỉnh ta chưa được khả quan.
 
Trước năm học 2006 - 2007, tỷ lệ đậu tốt nghiệp của Nghệ An luôn cao “chót vót”, thường xuyên trên 90%, cá biệt có những năm là 98%. Điều đáng nói, đằng sau những con số “đẹp” ấy là chất lượng ảo, là học giả, thi giả, nhưng lại có điểm “thật”. Bằng lòng, thỏa hiệp với “bệnh thành tích” đã khiến cho những người có trách nhiệm trong ngành giáo dục, kể cả một bộ phận không nhỏ phụ huynh học sinh “nhắm mắt” làm ngơ trước thực trạng đáng buồn trên.
 
Sự việc đã chuyển khác từ khi có cuộc vận động “hai không”. Năm học 2006 - 2007, với nỗ lực tạo ra một diện mạo mới, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, đặc biệt chú trọng chất lượng thực, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã mạnh dạn phát động cuộc vận động “nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Ngay trong năm học đầu tiên thực hiện, cuộc vận động “hai không” đã phát huy hiệu quả và cả những hệ quả không mong muốn.
 
Kết quả thi tốt nghiệp năm nay vẫn còn cho thấy nhiều vấn đề đáng phải quan tâm
- Ảnh minh họa
 
Hiệu quả lớn nhất từ cuộc vận động mang tính đột phá này là chất lượng thực trong dạy và học phần nào được nhận diện. Đồng thời, các cấp, ngành và toàn xã hội đã “xắn tay” nhập cuộc sát cánh, chung sức với ngành giáo dục trong nỗ lực chấn hưng. Tuy nhiên, hệ lụy không mong muốn từ “hai không” đã bộc lộ khi trong cả hai năm học 2006 - 2007 và 2007 - 2008, trên cả nước có hàng chục vạn học sinh bỏ học. Trong đó, Nghệ An là một trong những địa phương dẫn đầu.
 
Một thực tế đã diễn ra là khi thực hiện “hai không”, kỷ luật phòng thi được siết chặt, tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT giảm mạnh. Ở Nghệ An, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2006 - 2007 đã thực sự gây “sốc” cho nhiều người với tỷ lệ học sinh đậu thấp kỷ lục: 45,7% trong lần thi thứ nhất. Mặc dù phải nếm “trái đắng” nhưng phải thừa nhận rằng, kết quả trên đã phản ánh được phần nào những mảng tối trong bức tranh về chất lượng giáo dục đại trà của tỉnh nhà. Sau nhiều năm “ngủ quên” trong thành tích ảo, kết quả trên cho thấy, đã đến lúc ngành giáo dục phải có những động thái quyết liệt, tích cực nếu như không muốn để chất lượng giáo dục tiếp tục “xuống dốc”.
 
Bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT năm học 2012 - 2013, kỳ thi thứ 7 dưới “ánh sáng” của cuộc vận động “hai không”, với sự chỉ đạo sát sao, đồng bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, đặc biệt là do sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của phụ huynh và học sinh, kỳ thi đã diễn ra trong an toàn, được đánh giá là nghiêm túc.
 
Trong bối cảnh kỷ luật phòng thi năm học 2012 - 2013 tiếp tục được siết chặt, kết quả thu được từ kỳ thi ở tỉnh ta theo nhiều người là rất khả quan. Trong tổng số học sinh dự thi, số học sinh đậu tốt nghiệp THPT là 96,88%, thấp hơn kỳ thi năm học 2011 - 2012 là 2%. Trong đó, có 658 em đạt loại giỏi, 5.237 em đạt loại khá. Ở hệ bổ túc THPT, học sinh đậu tốt nghiệp đạt tỷ lệ 85,10%, thấp hơn so với năm học 2011 - 2012 là 5%. Kết quả trên phần nào thể hiện sự cố gắng của ngành giáo dục và sự nỗ lực trong học tập của học sinh.
 
Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ, kết quả của kỳ thi cũng khiến những người quan tâm không khỏi băn khoăn. Bởi năm nay, kết quả tốt nghiệp ở tỉnh ta được xếp vào loại cao so với các địa phương khác, nhưng đây cũng là tình hình chung của nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Còn xấp xỉ 10% trong tổng số thí sinh dự thi ở cả hai hệ THPT và bổ túc THPT trật tốt nghiệp và đều “rơi” vào những học sinh có học lực yếu, trung bình yếu.
 
Điều này chứng tỏ còn cần phải nỗ lực nhiều để cải thiện chất lượng giáo dục đại trà. Mặt khác, kết quả tốt nghiệp THPT ở Nghệ An vừa công bố cũng cho thấy, vẫn có một sự chênh lệch khá lớn trong chất lượng giáo dục giữa các vùng, miền. Điều này được thể hiện ở chỗ, các trường vùng đồng bằng, thành, thị có tỷ lệ học sinh đậu cao như: Phan Bội Châu, Chuyên ĐH Vinh, Huỳnh Thúc Kháng, Hecman, Dân tộc nội trú tỉnh: 100%.
 
Trong khi đó, tỷ lệ đậu tốt nghiệp ở các trung tâm GDTX miền núi nhìn chung là thấp, chẳng hạn: Trung tâm GDTX huyện Kỳ Sơn có 84 thí sinh dự thi nhưng chỉ có 30 thí sinh đậu tốt nghiệp, chỉ đạt 35,71%. Đây cũng là trường thuộc hệ GDTX có tỷ lệ đậu tốt nghiệp thấp nhất trong cả tỉnh. Đó là chưa kể đến còn có “độ vênh” trong chất lượng đào tạo giữa các trường công lập và dân lập, tư thục.
 
Trong khi phần lớn các trường công lập đều đạt tỷ lệ đậu tốt nghiệp trên 90% thì có nhiều trường dân lập, tỷ lệ đậu chưa được 80%, chẳng hạn như: THPT Tư thục VTC 52,98%, THPT tư thục Mai Hắc Đế (Nam Đàn) 60,94%…
 
Như vậy, từ kết quả thi tốt nghiệp THPT ở Nghệ An năm nay cho thấy, vẫn còn rất nhiều việc phải làm nhằm cải thiện và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục đại trà. Đang có một khoảng cách khá xa giữa các loại hình trường THPT trong và ngoài công lập. Đặc biệt, cần có tầm nhìn chiến lược và bước đi vững chắc trong việc thu hẹp chất lượng dạy và học giữa các vùng, miền trong tỉnh. Có như thế, mới đáp ứng được sự kỳ vọng, mong mỏi của nhân dân, xứng đáng với truyền thống hiếu học và sự tôn vinh của người dân cả nước bấy lâu nay: “Nghệ An - Đất học”.

Minh Tuấn
.