Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201310/31654-cam-nhan-khi-xem-phim-tro-doi-414785/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201310/31654-cam-nhan-khi-xem-phim-tro-doi-414785/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Cảm nhận khi xem phim 'Trò đời' - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 29/10/2013, 07:40 [GMT+7]
31654

Cảm nhận khi xem phim 'Trò đời'

Phim “Trò đời” được Trung tâm sản xuất phim truyền hình (VFC) và Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam phối hợp sản xuất, dựa trên những tác phẩm nổi tiếng của “ông vua phóng sự Bắc kỳ” Vũ Trọng Phụng: Số Đỏ, Cơm thầy cơm cô, Kỹ nghệ lấy Tây. Đọc lại những tác phẩm này mới thấy hết sự tài tình của nhà văn khi ông sử dụng ngòi bút trào phúng của mình để lột tả một cách chân thực xã hội lúc bấy giờ với đủ trò lố lăng, kệch cỡm và nhảm nhí. Tất cả những gì là bần tiện, đồi bại nhất được khắc họa rõ nét qua từng số phận của các nhân vật.
 
Đúng như tên gọi, tất cả những “trò” của “đời” được mô tả sinh động, hấp dẫn trong tiểu thuyết. Khi sang phim dưới bàn tay nhào nặn của đạo diễn Phạm Nhuệ Giang đã dần hiện lên với những nét tiêu biểu, tính cách điển hình nhất cho mọi tầng lớp người trong xã hội thuộc địa nửa phong kiến. Vào những năm đầu thế kỷ XX, khi trào lưu Âu hóa du nhập vào Việt Nam đã làm biến đổi hoàn toàn từ diện mạo đến bản chất con người, thì tất cả những gì là phong tục, lễ nghi, phép tắc xã hội đã bị biến mất. Thay vào đó là sự học đòi lối sống mới nửa mùa, kệch cỡm, giả dối.
 
Nhân vật Xuân tóc đỏ trong “Số đỏ” là đại diện cho một lớp người nông dân bị bần cùng hóa, từ nông thôn ra thành thị để kiếm sống, với những tham vọng sinh tồn và đổi đời đã tự biến mình thành kẻ lưu manh, láu cá, thủ đoạn để từng bước nhảy lên tầng lớp thượng lưu, nhưng rồi lại chìm sâu trong sự tha hóa tột cùng không lối thoát. Hay như cách học đòi lối sống phương Tây của vợ chồng Văn Minh, như bà Phó Đoan, cô Tuyết ngây thơ... Những vấn nạn đó dễ dàng nhận thấy trong xã hội hiện nay khi giới trẻ cũng học theo nền văn hóa ngoại lai, mặc váy siêu ngắn, hở hang, yêu đương phóng túng, cởi mở, khoe thân để kiếm tiền đều dẫn đến những bi kịch không đáng có.
 
Một cảnh trong phim Trò đời
 
Những hình ảnh con sen, thằng ở và mối quan hệ chủ - tớ được phản ánh trong tác phẩm “Cơm thầy cơm cô”, là cả một câu chuyện bi hài của một xã hội suy đồi về đạo đức và nhân phẩm. Như nhân vật Đũi điển hình cho những con sen ra thành phố kiếm sống gặp nhiều số phận long đong... Trong cuộc sống hiện nay, hình ảnh đó vẫn còn tồn tại với một cái tên mới là “ô sin”, “giúp việc”. Khi sống trong một xã hội mà đồng tiền làm lu mờ đi giá trị đạo đức con người thì mối quan hệ không còn đơn thuần là chủ - tớ, mà diễn ra hết sức phức tạp, trở thành chuyện bi hài như “ô sin” làm người tình với ông chủ, hay những kẻ cơ hội, coi việc lấy Tây, chồng ngoại là một “kỹ nghệ” để ăn chơi, hưởng lạc.
 
Ở phim “Trò đời”, với những gì là lố lăng, kệch cỡm, sự phân biệt giàu nghèo, tầng lớp, giai cấp trong xã hội đều hiện lên sinh động, rõ nét. Đứng giữa một xã hội hỗn loạn: cái cũ còn tồn đọng, cái mới được du nhập vào một cách tràn lan không có chọn lọc, mối quan hệ giữa người với người chỉ quanh quẩn bon chen, dối trá, ích kỷ và vong quốc, là sự mất mát quá lớn đối với bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
 
Với lối diễn xuất khá ăn ý của dàn diễn viên giàu kinh nghiệm như NSƯT Minh Hằng (bà Phó Đoan), NSƯT Quốc Anh (cụ cố Hồng), Minh Phương, Quang Thắng, Phú Đôn, đến những lớp diễn viên trẻ tuổi như Việt Bắc (Xuân tóc đỏ), Thanh Bảo (Đũi)... đã góp phần khắc họa những nhân vật điển hình, chân thực nhất về một tấn bi kịch trong xã hội vào những năm trước 1945. 
 
Xem phim “Trò đời” người xem có thể suy ngẫm về cuộc sống hiện tại, khi chúng ta cũng đang trong quá trình hội nhập về văn hóa. Không thể phủ nhận những điều tốt, những cái mới cần phải học hỏi, tiếp thu, nhưng học theo cách nào và tiếp thu những gì đều đáng phải quan tâm. “Hòa nhập không hòa tan”, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là điều cốt lõi trong quá trình khu vực hóa, toàn cầu hóa và đó cũng chính là thông điệp mà bộ phim muốn hướng tới.

Lê Lân
.