Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201404/duc-hy-sinh-476831/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201404/duc-hy-sinh-476831/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Đức hy sinh - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 23/04/2014, 13:28 [GMT+7]

Đức hy sinh

Một trong những điểm cốt lõi, đặc trưng làm nên giá trị, phẩm chất, nhân cách Bộ đội Cụ Hồ là đức hy sinh. Nói cách khác, đức hy sinh vừa là hạt nhân, vừa là tiêu điểm soi rọi, chiếu sáng vẻ đẹp tâm hồn Bộ đội Cụ Hồ. Đức hy sinh không chỉ hiện diện trong tính cách mỗi quân nhân mà đã trở thành một giá trị văn hóa tinh thần bền vững của Quân đội nhân dân Việt Nam.
 
Đức hy sinh của Bộ đội Cụ Hồ đã được khẳng định rõ ràng, thể hiện mạnh mẽ, tuyên bố hùng hồn, dứt khoát ngay tại lời thề thứ nhất trong ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân 22-12-1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo: “Chúng tôi, đội viên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, xin lấy danh dự của người chiến sĩ cứu quốc mà thề dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh: Xin thề: Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để tiêu diệt bọn phát xít Nhật-Pháp và bọn Việt gian phản quốc, làm cho nước Việt Nam trở nên một nước độc lập, dân chủ, ngang hàng với các nước dân chủ trên thế giới”!
 
Trong ngôn ngữ tiếng Việt, chữ “thề” luôn mang ý nghĩa thiêng liêng và hướng đến một mục tiêu cao thượng, đẹp đẽ. “Thề với trời đất”, “thề non hẹn biển”, “thề sống chết có nhau”, “uống máu ăn thề”… là những tuyên bố tượng trưng cho lòng khảng khái, ý chí quả quyết, tấm lòng thủy chung son sắt, có trước có sau, gian lao không sợ, khó khăn không nề, hiểm nguy không lùi bước. Mang trong tim tinh thần yêu nước, thương nòi nồng nàn và lòng căm thù giặc sâu sắc, những người lính đã tự nguyện đứng trong một hàng ngũ, cùng chung một chí hướng, đi theo một ngọn cờ để thể hiện một cử chỉ vô cùng cao thượng là: Trao gửi, cống hiến tất cả tinh thần, niềm tin, lý tưởng, tình cảm, ý chí cách mạng và sẵn sàng hiến dâng, hy sinh cả tính mạng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Thật không có đức hạnh nào cao cả, vĩ đại hơn đức hy sinh! Bởi người lính luôn tình nguyện đặt Tổ quốc lên trên hết, trước hết và đã thề thốt “chiến đấu đến giọt máu cuối cùng” để đánh đuổi quân xâm lăng ra khỏi bờ cõi, giang sơn, quyết tâm giữ gìn từng nhành cây, ngọn cỏ, từng tấc đấc thiêng liêng của tổ tiên, ông cha để lại. Đức hy sinh cao cả của Bộ đội Cụ Hồ đã được biểu lộ sinh động và tỏa sáng tuyệt vời trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc.
 
Một buổi chào cờ của cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Yết
Một buổi chào cờ của cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Yết
Chiến tranh là sự thử thách ghê gớm nhất đối với ý chí con người. Vượt qua được nỗi sợ hãi trong chiến tranh là nỗ lực tâm lý rất đáng nể của mỗi cá nhân. Nhưng với Bộ đội Cụ Hồ, không những không sợ hãi mà đã đứng lên làm chủ và quyết định được mọi hoàn cảnh, tình huống, thế trận chiến tranh, để cuối cùng làm nên những thắng lợi hiển hách nhất, huy hoàng nhất trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Chỉ có lòng quả cảm và đức hy sinh vô bờ bến, Bộ đội Cụ Hồ mới có thể đánh gục, đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hai thế lực hiếu chiến hùng mạnh nhất thời đại, đồng thời đánh tan bè lũ tay sai bán nước, ngụy quân, ngụy quyền, giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và góp phần làm tròn nghĩa vụ quốc tế. Nhiều câu chuyện về lòng gan dạ, bất khuất, nhiều tấm gương về đức hy sinh, nhiều hành động dũng cảm, phi thường của Bộ đội Cụ Hồ trong hai cuộc kháng chiến đã trở thành huyền thoại, mãi mãi được thế hệ hôm nay và mai sau trân trọng, ngưỡng mộ. Tấm gương lẫm liệt của các anh hùng liệt sĩ Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Nguyễn Viết Xuân… cùng hàng vạn người con ưu tú ngã xuống vì Tổ quốc đã trở thành một biểu tượng văn hóa tâm linh bất tử trong lòng dân và một giá trị tinh thần mãi đồng hành cùng lịch sử dân tộc.
 
Sinh ra trong khói lửa chiến tranh, lớn lên và trưởng thành trong bão táp của cách mạng, Bộ đội Cụ Hồ đã “tạc” vào lịch sử dân tộc Việt Nam một tượng đài tuyệt đẹp về đức hy sinh. Để rồi, khi ra khỏi cuộc chiến, bước vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, người lính vẫn không cho phép mình nghỉ ngơi khi quê hương, đồng bào vẫn còn bao gian khó. Hình ảnh những người lính chân đất đội gió mưa, bão táp để xả thân cứu giúp dân trong lũ lụt, khắc phục hậu quả thiên tai; những cuộc hành quân của bộ đội trèo đèo, lội suối, lách rừng, vượt sông để đến những nơi xa xôi, hẻo lánh chung tay, góp sức cùng bà con dân bản gây dựng cuộc sống mới; hay những chiến sĩ áo xanh tận tụy dạy các em thơ học chữ, những chiến sĩ áo trắng ân cần khám, chữa bệnh cho người dân nghèo vùng biên giới, hải đảo… là sự kế thừa và phát huy đức hy sinh của Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình.
 
Những cử chỉ, việc làm thể hiện đức hy sinh của Bộ đội Cụ Hồ nêu trên dễ đi vào lòng dân. Nhưng có sự hy sinh thầm lặng mà đâu phải ai cũng hiểu. Xa gia đình, xa vợ con, không có điều kiện thời gian để gần gũi, chăm sóc những người thân yêu nhất của mình là sự thiệt thòi không dễ gì bù đắp của phần lớn cán bộ, chiến sĩ quân đội hiện nay. Cán bộ, chiến sĩ quân đội phải công tác ở những đơn vị vùng sâu, vùng xa, vùng cao, vùng biên giới đặc biệt khó khăn, vùng hải đảo xa xôi với đặc điểm chung là giao thông đi lại, phương tiện thông tin liên lạc không tiện lợi, điều kiện kinh tế-xã hội nơi đóng quân chưa phát triển mạnh và khí hậu, thời tiết khắc nghiệt. Đó là chưa kể đến một số kho, trạm, xưởng làm nhiệm vụ đặc thù ở những địa bàn hiểm trở, heo hút, hẻo lánh, nhiều quân nhân quanh năm phải tiếp xúc với môi trường làm việc độc hại… Dù không phải là tất cả, song đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến hơn 1.400 cặp vợ chồng quân nhân rơi vào hoàn cảnh hiếm muộn.
 
Nhắc lại con số đó để thấy, người lính thời bình tuy không phải đối mặt với muôn vàn gian khổ, hiểm nguy như thời chiến, song sự vất vả, gian lao và cả nỗi ưu tư vẫn còn hằn sâu lên đôi mắt họ. Tuy nhiên, vượt lên mọi khó khăn, thử thách, dù làm gì, ở đâu, trên cương vị nào, mỗi người quân nhân hôm nay vẫn giữ trọn niềm tin, lý tưởng “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh”. Bởi từ trong sâu thẳm trái tim, ai cũng thấm nhuần một điều sâu sắc rằng: Khi đã mang trên mình bộ quân phục, tự nguyện đi theo con đường lấy binh làm nghiệp, lấy môi trường quân đội làm điểm tựa cho cuộc đời thì phải luôn vững chí bền gan, thủy chung son sắt với lời thề: “Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phấn đấu thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, độc lập và xã hội chủ nghĩa, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội”!
 
Từ những yếu tố khách quan do tính chất, nhiệm vụ chi phối, cùng với những nỗ lực tự thân và được giáo dục, rèn luyện, trau dồi phẩm chất, nhân cách trong môi trường quân đội và hoạt động quân sự, đức hy sinh của Bộ đội Cụ Hồ được hình thành, xây dựng và không ngừng hoàn thiện. Vì thế có thể nói, đức hy sinh là một giá trị văn hóa đã được nảy nở, phát huy và không ngừng tỏa sáng từ ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam đến nay. Đồng thời, đó còn là một nét văn hóa nổi bật góp phần quyết định làm nên tư thế, phong cách, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”- Bộ đội của dân, do dân, vì dân và sống trong lòng dân.
.

Nguồn: QĐND