Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201410/nhung-tran-tro-cua-nghe-nhan-ban-lang-541359/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201410/nhung-tran-tro-cua-nghe-nhan-ban-lang-541359/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Những trăn trở của nghệ nhân bản làng - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 05/10/2014, 10:00 [GMT+7]

Những trăn trở của nghệ nhân bản làng

(Congannghean.vn)-Từ ngày rời huyện Tương Dương xuống tái định cư ở huyện Thanh Chương, ít ai còn lưu giữ được nét đẹp văn hóa vốn có của dân tộc mình. Những điệu khắp, xuôi, lăm, nhuôn... chỉ còn vọng về trong tâm thức. Trong số ít ấy,  ông Lương Thanh Đức ở bản Mà, xã Ngọc Lâm là người duy nhất còn lưu giữ cây khèn bè của dân tộc Thái. Tiếng khèn đã gắn bó với ông từ khi còn thơ bé, theo ông lên nương rẫy. Bà con vẫn thường gọi ông là nghệ nhân của bản làng.

Ông Lương Thanh Đức
Ông Lương Thanh Đức
 
Ông Lương Thanh Đức năm nay 58 tuổi. Ông sinh ra và lớn lên ở bản Mà, xã Kim Tiến (cũ), huyện Tương Dương.
 
Năm 10 tuổi, cậu bé Đức đã theo bố học khèn. Ngày ấy, mỗi lần bố thổi khèn là cậu ngồi nghe với vẻ thích thú. Say mê âm thanh của tiếng khèn bè, Đức ngày đêm học thổi, có khi tiếng khèn theo cậu cả vào giấc ngủ. 15 tuổi, Đức đã sử dụng thành thạo chiếc khèn bè, linh hoạt trong cách chuyển âm, chuyển điệu. Cũng từ đấy, mỗi lần trong bản có cuộc vui, Đức đều có mặt với vai trò là “nhạc công” đệm bè cho những bài xuôi, lăm, nhuôn... Với tài nghệ chơi khèn, năm học cấp 2, Đức được cử làm Đội trưởng Đội văn nghệ của trường. 
 
Học xong cấp 2, Đức làm công nhân ở Lâm trường Tương Dương, vài năm sau trở về bản tham gia hoạt động Đoàn, rồi làm cán bộ Chi hội Nông dân. Tuổi trẻ nhiệt huyết và với tài nghệ thổi khèn bè, Đức đã đưa phong trào hoạt động của Chi đoàn đi lên. Những ngày lễ hội, giữa các bản làng thường xuyên tổ chức giao lưu văn nghệ. Đội văn nghệ của Chi đoàn bản Mà từng ngược lên Hữu Khuông, Hữu Dương hay xuôi xuống Kim Đa, Yên Na để giao lưu.
 
Dù là cán bộ Đoàn hay cán bộ Chi hội Nông dân, ông Đức vẫn luôn là một hạt nhân trong phong trào văn nghệ bản Mà. Tiếng khèn của ông thường xuyên vang lên giữa núi rừng, bản làng và xuống tận TP Vinh trong những chuyến giao lưu, công diễn. Năm 2001, ông Đức vinh dự đại diện cho bà con bản Mà xuống báo cáo thành tích tại Hội nghị điển hình của Hội Nông dân tỉnh. Dịp ấy, ông trổ tài bằng bài múa cùng điệu khèn bè khiến ai cũng trầm trồ, ngợi khen. Sau đó trở về, ông tập hợp thanh niên trong bản học cách sử dụng khèn bè.
 
Ngày rời quê hương để đến vùng tái định cư sinh sống, dù còn bao tiếc nuối, ngổn ngang nhưng chiếc khèn bè vẫn hành trình cùng ông Đức ngược xuôi, sẻ chia những niềm vui, nỗi buồn nơi quê mới. Mỗi khi nhớ về quê cũ, ông lại khắc khoải, da diết thả hồn theo tiếng khèn. Về khu tái định cư, lo toan cuộc sống, bà con nơi đây cũng không còn thời gian để tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ. Những điệu múa, lăm, xuôi, khắp... chỉ còn trong tiềm thức và thay vào đó là những ca từ hiện đại, nhạc cụ tân tiến.
 
Những gì được xem là bản sắc âm nhạc của dân tộc Thái bỗng chốc nhạt nhòa. Ông Đức chia sẻ: “Để lưu giữ giá trị văn hóa của dân tộc Thái là điều tôi rất băn khoăn, bởi giờ đây là nỗi lo về miếng cơm, manh áo. Hơn nữa, chiếc khèn bè tôi mang theo từ khi rời quê cũ tròn 8 năm đã không còn được như cũ. Âm của nó giờ đã chệch, không thể chỉnh theo ý thích của mình. Nhiều lần tôi tìm mua nhưng không ai bán...”.
 
Chia tay ông Đức cùng bà con dân bản khi trời đã xế chiều, tôi còn nghe đâu đó tiếng khèn bè vọng lại. Dẫu không được tròn vành, rõ nhịp nhưng đó là chút còn lại cuối cùng về bản sắc âm nhạc của người dân tộc Thái nơi đây. Tôi bỗng nhớ đến lời ông: “Cô đi nhiều, có điều kiện tiếp xúc với mọi người, biết ai bán khèn bè ở đâu chỉ giùm tôi với, đắt mấy tôi cũng mua...”.
.

Phan Tuyết

.