Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201504/chao-mung-40-nam-ngay-giai-phong-mien-nam-thong-nhat-dat-nuoc-3041975-3042015-thuong-dong-doi-nga-xuong-truoc-ngay-giai-phong-604293/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201504/chao-mung-40-nam-ngay-giai-phong-mien-nam-thong-nhat-dat-nuoc-3041975-3042015-thuong-dong-doi-nga-xuong-truoc-ngay-giai-phong-604293/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Thương đồng đội ngã xuống trước ngày giải phóng - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 26/04/2015, 08:08 [GMT+7]
Chào mừng 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015)

Thương đồng đội ngã xuống trước ngày giải phóng

(Congannghean.vn)-Ngày 24/3/1975, Trung đoàn 6 thuộc Quân khu Trị Thiên có biệt danh là đoàn Phú Xuân, có một thời gian dài về tuyến sau để củng cố tổ chức, lực lượng đã trở lại chiến đấu. Đại đội 4 chúng tôi là đơn vị pháo đi cùng bộ binh. Biên chế gồm 1 trung đội DKZ 75, 1 trung đội cối 120 ly. Sau một buổi hành quân, đến khoảng 20 giờ, đơn vị có mặt ở điểm cao không tên, cách vị trí tập kích địch chiếm đóng khoảng 2 km.
 
Toàn đại đội đang ăn cơm vắt và lương khô để chuẩn bị vào trận thì chúng tôi nhận được lệnh phải hành quân áp sát cao điểm 300, chặn đường địch rút lui từ điểm cao không tên xuống đồng bằng tăng cường cho việc tử thủ thành phố Huế. Toàn đơn vị bí mật tiến về khu vực bến đò để tổ chức vượt sông. Nói bến đò nhưng thật ra khi ấy không có đò mà cán bộ chiến sỹ phải chặt cây chuối kết bè, để súng đạn lên đó cho khô ráo, bộ đội vừa bơi vừa đẩy.
 
Theo kế hoạch, các tiểu đội lần lượt vượt sông. Trung đội tôi đã qua sông được 2 bè, còn 1 bè chở súng cối 120 ly quá nặng nên ra đến giữa sông thì bè dầm súng đạn nên cứ thế chìm dần. Tiểu đội tôi có 7 người, trong đó 2 chiến sỹ Trần Đình Văn, Hà Minh Quân đều quê ở Nghệ An; Hoàng Ngọc Hải, Lê Quang Chưởng quê ở Quảng Bình, Lê Anh Dũng là người Thừa Thiên, Trần Ngọc Vân là dân Quảng Trị, còn tôi thì anh em văn nghệ thường gọi là dân “áo tơi”...
(Congannghean.vn)-Ngày 24/3/1975, Trung đoàn 6 thuộc Quân khu Trị Thiên có biệt danh là đoàn Phú Xuân, có một thời gian dài về tuyến sau để củng cố tổ chức, lực lượng đã trở lại chiến đấu.
Rất nhiều chiến sỹ đã ngã xuống trước ngày giải phóng Thừa Thiên - Huế -  Ảnh tư liệu
 
Trong tình thế nguy cấp, vũ khí đang chìm dần xuống đáy sông, 7 anh em chúng tôi lo quá vì các bạn đã qua sông gần hết. Trời về đêm khá lạnh, lính tráng chúng tôi quần áo ướt sũng đã trùm đầu lại hội ý. Ý kiến của các chiến sỹ là phải bằng mọi cách lặn lấy vũ khí cho bằng được để nhanh chóng lên đường chiến đấu. Đồng chí Lê Quang Chưởng vừa được trung đoàn tặng danh hiệu dũng sĩ diệt cơ giới. Là pháo thủ số 1 nên dù Chưởng bị sốt cao nhưng vì mệnh lệnh hành quân, anh vẫn phải dầm mình vượt sông Hai Nhánh. Theo ý kiến của Chưởng, vật nặng mà di chuyển dưới nước thì nhẹ đi từ 2 - 5 lần.
 
Thế là anh em thi nhau lặn ngụp. Và cuối cùng, vì về mùa khô nước sông cạn, chúng tôi đã hợp sức vớt được chân pháo, bàn đế, nòng pháo, các thiết bị cũng lần lượt được vớt lên bè chuối. Để cho chắc ăn, chúng tôi kết 2 bè làm một. Anh em hợp sức đẩy bè với khoảng cách từ sông vào bờ là 20 m. Bấy giờ, xa gần đâu đó đã nghe súng nổ tắc, bòm, đì đùng, khi thì cả tràng liên thanh, từ súng AK, CKC đến AR 15.
 
Chúng tôi tạm dừng bè giữa sông, tránh tình huống bị lộ để qua sông như đã dự định. Đội hình đại đội tôi bị đứt quãng vì lúc hành quân bị địch phát hiện do vài chiến sỹ mang theo xoong chảo va đập phát tiếng động. Bên kia sông, địch phát hiện chúng tôi qua sóng nước lấp lánh. Chúng xả súng như vãi đạn vào đội hình chúng tôi. Xung quanh bè chuối đạn AR15 nghe tiếng pằng pằng, chíu chíu. 
 
Tôi và Hà Minh Quân bơi nhanh vào bờ để trinh sát tìm đường hành quân. Thật không may! Khi bè cách bờ sông khoảng 7 - 8 m thì một phát đạn phóng lựu của địch rơi trúng bè chuối. Một tiếng nổ chát chúa vang lên. Bè chở vũ khí đã tan rã và chìm xuống sông. Các chiến sỹ Hải, Văn, Chưởng, Dũng, Vân đều hy sinh do trúng mảnh đạn và sức ép của súng phóng lựu. Khi biết chúng tôi bị pháo kích, tiểu đoàn tổ chức một bộ phận quay lại giải nguy, ứng cứu.
 
Tôi lại bị thương ở gót chân phải, ra nhiều máu do một mảnh đạn bay tới. Lệnh của trung đoàn, tiểu đoàn truyền xuống: “Phải tìm mọi cách vớt ngay đồng đội”. Mặc dù đã mệt lả người, rét buốt và bị thương, nhưng thương đồng chí, đồng đội đang nằm dưới đáy sông Hai Nhánh, chúng tôi đã không ngại gian khổ tìm lặn gần 2 giờ. Tất cả 8 chiến sỹ có kinh nghiệm bơi lặn và tìm kiếm cuối cùng cũng vớt được thi thể của các chiến sỹ đã hy sinh. Đêm tối như mực, nhưng tôi vẫn nhận ra khuôn mặt từng chiến sỹ có tuổi đời mới 19, đôi mươi. Tôi có cảm tưởng, máu của các anh đã nhuộm đỏ khúc sông Hai Nhánh. 
 
Ngày 25/3/1975, đơn vị chúng tôi hành quân như bay về giải phóng cố đô Huế. Ngày 26/3/1975, Trị Thiên hoàn toàn giải phóng. Trong niềm vui vỡ òa chiến thắng với rừng cờ, rừng hoa, rừng người, chúng tôi lại càng thương nhớ 5 đồng đội và bao nhiêu cán bộ chiến sỹ khác đã ngã xuống trước giờ toàn thắng. 
.

Thy Ngọc - Viết Tường

.