Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//an-ninh-co-so/201605/nang-cao-hieu-qua-cong-tac-hoa-giai-o-co-so-680079/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//an-ninh-co-so/201605/nang-cao-hieu-qua-cong-tac-hoa-giai-o-co-so-680079/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 31/05/2016, 08:30 [GMT+7]

Nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở

(Congannghean.vn)-Hòa giải ở cơ sở được xác định là bước quan trọng đầu tiên trong quá trình giải quyết những vụ việc có liên quan đến khiếu nại, tranh chấp, nhằm xoa dịu mâu thuẫn, tháo gỡ vướng mắc, góp phần hàn gắn tình làng nghĩa xóm, ổn định ANTT ở địa phương. Bởi vậy, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cơ sở luôn quan tâm, chỉ đạo và thực hiện tốt công tác này.

Hiện, toàn tỉnh có 5.957 tổ hòa giải, với 38.086 hòa giải viên. Những người “vác tù và hàng tổng” này đã san sẻ bớt gánh nặng cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi trực tiếp giải quyết kịp thời nhiều vụ việc vi phạm, mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư; đồng thời tăng cường tình đoàn kết, gắn bó trong bà con lối xóm cũng như giữ vững ANTT ở địa phương.

Thành viên trong ban hòa giải xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu đến tận cơ sở vận động, hòa giải mâu thuẫn giữa các hộ dân
Thành viên trong ban hòa giải xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu đến tận cơ sở vận động, hòa giải mâu thuẫn giữa các hộ dân

Anh Nguyễn Văn Năm trú tại xóm  5, xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu, thành viên trong tổ hòa giải của xóm chia sẻ: Niềm vui của những người làm công tác hòa giải là giữ được bình yên, hòa thuận trong thôn xóm của mình.

Có nhiều vụ việc phát sinh chỉ vì mâu thuẫn rất nhỏ nhặt, người làm công tác hòa giải phải vận dụng nhiều biện pháp, dùng lý lẽ để thuyết phục bà con, làm cho họ nhận thấy được việc mình làm là đúng hay sai, dung hòa lợi ích của đôi bên, từ đó mới giải quyết được mâu thuẫn.

Đối với những vụ việc tranh chấp đất đai, các hòa giải viên đã kiên trì thuyết phục, động viên để các bên có tranh chấp làm hòa với nhau và giải quyết mâu thuẫn một cách nhẹ nhàng; đồng thời hàn gắn tình làng nghĩa xóm.

Điển hình: Năm 2015, gia đình ông Hoàng Năm Phú trú tại xóm 5, xã Diễn Thịnh xảy ra tranh chấp đất với gia đình bà Hoàng Thị Thủy (cùng xóm). Chính quyền địa phương đã giao tổ hòa giải xóm 5 nhiệm vụ hòa giải giữa hai gia đình. Sau một thời gian các hòa giải viên kiên trì vận động, hàn gắn, 2 gia đình đã đi đến thống nhất giải quyết tranh chấp một cách hợp tình, hợp lý.

Tuy nhiên, công tác hòa giải ở cơ sở thời gian qua cũng gặp một số khó khăn nhất định, dẫn đến tỉ lệ hòa giải thành công chưa cao. Trong tranh chấp đất đai, đương sự chỉ muốn chuyển vụ việc lên cấp trên để giải quyết theo thẩm quyền, còn hòa giải ở cơ sở chỉ là thủ tục chung theo quy định của Luật Đất đai.

Bên cạnh đó, một bộ phận đội ngũ hòa giải viên còn hạn chế về kiến thức lẫn kỹ năng nên đã ảnh hưởng đến công tác này. Ngoài ra, hiện nay, kinh phí hòa giải chưa được hỗ trợ phù hợp, đội ngũ hòa giải viên không được hưởng lương chuyên trách, tham gia trên tinh thần tự nguyện nên không có cơ chế ràng buộc về tổ chức kỷ luật…

Mặt khác, một số nơi chưa thực sự nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở đối với đời sống xã hội, nên thiếu sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất và các chế độ đãi ngộ, khen thưởng thích đáng cho công tác này.

Theo ông Hoàng Quốc Hào, Giám đốc Sở Tư pháp: Để khắc phục những tồn tại, hạn chế và nâng cao vị trí, vai trò, hiệu quả của công tác hòa giải ở cơ sở, trong thời gian tới, Ủy ban MTTQ các cấp cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền, ngành Tư pháp đảm bảo các điều kiện cần thiết cho hoạt động hòa giải ở cơ sở, thực hiện tốt việc chi kinh phí bồi dưỡng cho các hòa giải viên theo quy định. Quan tâm hơn nữa tới công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ hòa giải ở cơ sở đảm bảo có đủ năng lực, phẩm chất và lòng say mê nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ hòa giải và kiến thức pháp luật cho các hòa giải viên và cung cấp kịp thời, đầy đủ các tài liệu liên quan đến công tác hòa giải. Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với những tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác hòa giải.

Hầu hết các tổ hòa giải hiện nay đều được kiện toàn về tổ chức, có đầy đủ các thành phần tham gia như: Đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân… và những người có uy tín ở xóm, làng. Trong năm 2015, các tổ hòa giải trong tỉnh đã tiếp nhận 6.048 vụ việc, hòa giải thành công 4.719 vụ việc, đạt tỉ lệ 78,02%; góp phần không nhỏ trong việc ổn định ANTT, hạn chế khiếu nại, tố cáo.

 

.

Hà Phương

.