Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201208/22212-chuyen-tinh-dep-cua-vo-chong-thuong-binh-395778/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201208/22212-chuyen-tinh-dep-cua-vo-chong-thuong-binh-395778/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Chuyện tình đẹp của vợ chồng thương binh - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 10/08/2012, 07:30 [GMT+7]
22212

Chuyện tình đẹp của vợ chồng thương binh

Hai con người cùng nỗi đau do chiến tranh để lại, họ đến với nhau bằng sự chân thành không vụ lợi, toan tính. Tình yêu họ đã thăng hoa để tận tâm, để đạo hiếu và để thủy chung giữa cuộc đời.
 
Về khối Vĩnh Xuân, phường Đông Vĩnh, TP Vinh hỏi thăm nhà vợ chồng thương binh Bùi Xuân Giáp, ai cũng biết và nhiệt tình chỉ đường. Trong câu chuyện xã giao với họ, chúng tôi biết ông bà “nổi tiếng” không chỉ bởi có một trang trại kinh tế lớn mà trên tất cả là vì ở ông bà tồn tại một tình yêu cao thượng, trọn nghĩa vẹn tình.
 
Năm 1964, ông Giáp lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc và tham gia chiến đấu tại chiến trường Long An, Trung đoàn 300 đặc công. Năm 1969, trong một trận chống càn của địch ở Bình Chánh, ông bị thương nặng. Khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông trở về với quê hương là thương binh hạng 2/4, mất sức 61% và trực tiếp làm việc tại Công ty quản lý nhà đất TP Vinh.
 
Vợ chồng ông Giáp, bà Thu
 
Còn bà Nguyễn Thị Thu lúc đó là người phụ nữ đã qua một lần dang dở. Số phận của bà chính là đại diện tiêu biểu cho những người phụ nữ Việt Nam trong hoàn cảnh chiến tranh loạn lạc. Chồng bà - ông Nguyễn Viết Dư (quê xã Hưng Hòa, TP Vinh) cưới vợ được 27 ngày đã khoác ba lô vào chiến trường theo tinh thần “khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau”.
 
Ông ra đi để lại nơi quê nhà người vợ trẻ thương yêu, bà mẹ già còm cõi và 7 đứa em nheo nhóc, thơ dại. Tháng 1/1973, khi nhận được tin chồng hy sinh bà đau đớn, suy sụp tưởng chừng như không sống nổi. Nhưng vượt lên tất cả nỗi đau, bà gắng gượng để sống và thay chồng làm tròn đạo hiếu với mẹ và chăm sóc, dạy dỗ các em nên người.
 
Đến giờ, khi nhắc lại những năm tháng cơ cực khốn khó trong cuộc đời mình, khuôn mặt bà lại chứa chan những dòng nước mắt. Bà cũng không thể hiểu tại sao lúc đó một người phụ nữ lớn lên ở thôn quê, chưa một lần rời xa khỏi đồng ruộng lại có nghị lực phi thường như thế.
 
Mẹ chồng bà có nơi nương tựa khi nỗi đau mất con chưa kịp nguôi ngoai, các em chồng bà có bàn tay người phụ nữ chăm nom đỡ đần. Vào thời điểm đó, vì thương bà còn quá trẻ, cả hai gia đình đều thúc giục bà đi lấy chồng nhưng một mực bà không đồng ý.
 
Ông Giáp bên trang trại của mình
 
Bà đã để tuổi xuân trôi đi nhẹ nhàng nhưng đầy nước mắt trong 7 năm ròng rã. Và rồi, bà đã gặp người thương binh Bùi Xuân Giáp như một định mệnh của cuộc đời mình. Hai con người ở vào cái tuổi xuân xanh mặn mà nhiều đam mê và khát vọng.
 
Họ có điểm chung là đều mang nặng nỗi đau mà chiến tranh để lại. Một người đàn ông “đưa” thương tích từ chiến trường lên cơ thể và một người phụ nữ là vợ liệt sỹ hy sinh trong kháng chiến, họ đồng cảm rồi tựa vào nhau, sẻ chia với nhau bằng một tình yêu trọn vẹn nhất.
 
Thời kỳ ông Giáp đến với bà cũng là lúc ông nghỉ làm tại công ty nhà đất theo Quyết định 76. Đó là giai đoạn mà kinh tế gia đình trở nên túng bấn, nghèo khổ. Ông đã tìm mọi cách, làm đủ nghề kể cả những việc nặng nhọc đối với một người thương binh chỉ mong sao vợ con có được cuộc sống đủ no đủ ấm.
 
Bước ra từ cuộc chiến tranh ông chỉ có đôi bàn tay trắng nhưng bù lại, ông có tình yêu cao thượng của bà. Ông bảo, cuộc đời ông chỉ cần có thế - một người phụ nữ biết hy sinh và cho ông niềm tin để sống giữa cuộc đời. Năm 2002, được sự động viên của gia đình và vợ con, ông đã mạnh dạn đấu thầu khu đất rộng 2,5 ha để làm trang trại với mô hình vườn, ao, chuồng.
 
Số vốn ban đầu là chỉ mấy chục triệu đồng, đến nay đã lên tới gần 2 tỷ. Với hơn 3.000 con vịt, gà lợn, ao cá và 3 lò ấp trứng tự động, hàng năm trừ chi phí cơ sở của ông thu được từ 350 - 400 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho một số lao động có hoàn cảnh khó khăn với mức thu nhập khá.
 
Dù về với ông Giáp nhưng bà Thu vẫn còn mang nỗi day dứt và trăn trở vì hài cốt của người chồng quá cố chưa được tìm thấy. Hiểu và cảm phục trước tấm lòng vẹn toàn trước sau của vợ, ông đã động viên bà cố gắng đi tìm hài cốt cho liệt sỹ Nguyễn Viết Dư.
 
Có những khoảng thời gian, ông thay bà đảm đang vai trò của người phụ nữ quán xuyến việc gia đình, chăm sóc con cái để bà yên tâm “rong ruổi” trên những chặng đường ở tận Quảng Nam - Đà Nẵng làm tròn chữ nghĩa chữ tình với người đã khuất.
 
Ngày đón liệt sỹ Nguyễn Viết Dư trở về quê nhà, bà mừng tủi trong nước mắt, ông chở bà ra cầu Bến Thủy ngóng tin rồi động viên bà ở lại nhà ông Dư để lo chu toàn mọi việc. Và rồi, theo những tháng năm dài đằng đẵng, với đôi chân không còn lành lặn của người thương binh, ông vẫn đều đặn cùng bà tận tâm hương khói cho liệt sỹ Nguyễn Viết Dư tại Nghĩa trang thành phố.
 
Tấm lòng và tình yêu mà ông dành cho bà đã khiến cho nhiều người cảm động và thán phục. Giờ đây, các em của liệt sỹ Nguyễn Viết Dư đều đã trưởng thành và thành đạt nhưng trong họ không bao giờ quên nghĩa tình của vợ chồng ông Giáp bà Thu. Với họ, ông bà là hình ảnh của những con người nhân hậu, thủy chung, cao thượng mang một vẻ đẹp vẹn toàn.
 
Trong suốt câu chuyện với chúng tôi, ông Giáp chỉ nở nụ cười hiền hậu. Còn bà Thu im lặng, thỉnh thoảng đưa tay lau nước mắt. Chúng tôi biết bà khóc vì hạnh phúc - niềm hạnh phúc giản dị của người phụ nữ khi được đồng cảm và sẻ chia.
Ngọc Anh - An Nhiên
 
 

Liên hệ quảng cáo: 0383.839168 - 0946111580
.