Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201208/22267-con-do-nhung-khoang-cach-395731/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201208/22267-con-do-nhung-khoang-cach-395731/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Còn đó những khoảng cách - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 13/08/2012, 18:00 [GMT+7]
22267

Còn đó những khoảng cách

Giữa cái nắng oi bức của ngày hè, chúng tôi tìm đến nhà hai mẹ con chị Nguyễn Thị Ng. (SN 1978), ở xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc. Mang trong mình căn bệnh thế kỷ, chị Ng. ngày một héo hon chống chọi, gắng gượng sống nuôi con.
 
Nghe tin con mình cũng bị nhiễm HIV, lòng người mẹ đau như cắt, sống dở mà chết cũng không xong. Bé Lê Văn T. (SN 2002), lớn lên trong sự xa lánh, lạnh nhạt của bà con xóm làng.
 
Lên 5 tuổi, T. cũng khao khát được đến trường như bao đứa trẻ khác. Những dòng chữ nguệch ngoạc được em viết trên sân nhà, những con số trên tường ngày nào vẫn còn đó. Thế nhưng, con đường đến trường của em cũng đầy nhọc nhằn và đẫm nước mắt.
 
Ban đầu, T. được cô giáo nhận vào lớp mẫu giáo lớn tại Trường Mầm non xã Nghi Long. Nhưng niềm vui chưa được bao lâu, dư luận về căn bệnh HIV đã khiến nhiều phụ huynh lo sợ, cô giáo hoang mang.
 
Sức ép quá lớn từ phía phụ huynh, chị Ng. buộc phải đưa con vào học lớp lẻ cách nhà 5km, nhưng rồi ngồi không ấm chỗ em lại phải chuyển đến lớp lẻ khác. Sự xì xào bàn tán của phụ huynh làm cho cô giáo hoang mang, e ngại.
 
Trong trăn trở của nhiều đêm trắng, chị không nỡ nào để con rơi vào tình trạng mù chữ. Chị Ng. đã phải trực tiếp đưa con đến Trạm Y tế xã Nghi Long để được tư vấn. Tại đây, bác sỹ Đinh Ngọc Lân -Trạm trưởng Trạm Y tế xã đã tư vấn cho chị cũng như phía nhà trường.
 
Một cuộc họp trong phụ huynh giữa phía nhà trường và trạm y tế được diễn ra. Qua đó, mọi người có cái nhìn thoáng hơn về căn bệnh HIV/AIDS. T. cũng như bao đứa trẻ khác có quyền được đến trường. Mới đó, giờ đây em đã vào lớp 4. Con đường đến trường của em giờ ngày một xa hơn. Thế nhưng mỗi ngày đến lớp, em lại tìm thấy niềm vui từ sự quan tâm của bạn bè, thầy cô giáo.
 
Không được may mắn như em T., giữa phố xá đông đúc ở TP Vinh, tôi tình cờ gặp lại bà. Vẫn như ngày nào, không có gì thay đổi. Có chăng thì bà mỗi ngày già đi, đứa cháu nội ngày một lớn dần vẫn nuôi trong mình một giấc mơ “Em muốn được đi học như những bạn khác”.
 
Câu chuyện về bà Đặng Thị T. và đứa cháu nội Nguyễn Thanh L. (SN 2001) từ lâu không còn xa lạ với cư dân khối Yên Phúc, phường Hưng Bình, TP Vinh.
 
Bố L. là con trai duy nhất trong số 4 người con của bà T. đã mất bởi căn bệnh AIDS. Người mẹ không có việc làm, cũng nhiễm bệnh bỏ lại L. cho bà từ khi mới lọt lòng mẹ. Nỗi đau mất con chưa nguôi thì bà T. lại thêm gánh nặng nuôi cháu nhiễm H.
Nguyễn Thanh L. nhẩm tính những phép toán dang dở
 
 
Ở cái tuổi 63, mặc dù căn bệnh u trực tràng ngày một thêm nặng thế nhưng điều mà bà day dứt và khổ tâm nhất lại chính là việc cháu bà không được đến trường. Đã hơn 8 năm nay, bà một mình lặn lội đến tận nhiều nơi chỉ mong sao cháu nội được đi học nhưng sao con đường ấy xa vời và lắm chông gai.
 
Gạt dòng nước mắt tủi phận bà chia sẻ: “Năm cháu 4 tuổi, bà cũng dắt em ra Trường mầm non Hưng Bình để học. Nhưng được ít tuần L. lại phải trả về. Năm sau đó, bà lại tiếp tục đưa em đến xin học, nhưng nhận được là những cái lắc đầu. Không chịu từ bỏ, bà cùng người con rể đầu đưa em đến trường khác, phường khác thì tại đây họ cũng im lặng từ chối.
 
Đến tuổi vào lớp 1, nhà trường không nhận với lý do chưa qua học lớp mẫu giáo. Quá lắm, bà đành phải đến xin học mẫu giáo cho cháu, lần này bà nhận được lý do: Em đã quá tuổi.”
 
Điều mà bà T. buồn lòng là đứa cháu tội nghiệp của mình bị mọi người xa lánh, lạnh nhạt. Mỗi lần nghe câu: “Cháu mà đến lớp thì nhà trường sẽ chịu sức ép từ các phụ huynh khác, sẽ có nhiều người không cho con đi học”, bà cay đắng mà nước mắt nhạt nhòa.
 
“Nói nhiều, nhắc lại quá khứ lòng bà càng thêm đau. Đã có thời gian lên báo, lên ti vi ngỡ tưởng cháu bà sẽ được đến trường, nhưng giờ cháu L đã 12 tuổi rồi”, bà tiếp lời. Cực chẳng đã, bà để cháu ở nhà, khi thì có đứa cháu ngoại qua dạy L. học, khi thì bà một mình uốn nắn cho L. từng nét chữ.
 
Có mặt tại nhà bà T. khi màn đêm đã dần buông xuống. Như thường lệ, với viên phấn trắng bên chiếc tủ gỗ đã cũ kỹ, em L. lại miệt mài với phép toán còn đang dang dở.
 
Khi được hỏi: “Bà có tiếp tục cuộc hành trình xin cho cháu đi học nữa không?”, bà T. ngập ngừng: “Mệt mỏi lắm rồi, sức khỏe cũng không còn nữa. Giờ chỉ mong các tổ chức, tấm lòng hảo tâm nào có thể dành một chút thời gian đến dạy học cho cháu, để cháu bà có cái chữ cho bằng bạn bằng bè”.
 
Chỉ là hai trong rất nhiều hoàn cảnh trẻ bị nhiễm H với con đường đến trường vất vả, lắm chông gai. Những ánh mắt kỳ thị, thiếu thiện cảm, vấn đề đi học, tái hòa nhập cộng đồng trở thành một trong những rào cản lớn nhất mà các em khó lòng vượt qua.
 
Cần lắm một trung tâm dạy học dành riêng cho trẻ nhiễm H, cần lắm những vòng tay sẻ chia, những ánh mắt yêu thương của mọi người. Chúng ta cần chung tay vì quyền đến trường của trẻ có H, bởi các em cần rất nhiều sự cảm thông, bao dung và tấm lòng nhân ái của cộng đồng.
 
An Nhiên
 
 

Liên hệ quảng cáo: 0383.839168 - 0946.111.580
.