Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201208/22034-nong-dan-va-doanh-nghiep-chua-co-tieng-noi-chung-395930/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201208/22034-nong-dan-va-doanh-nghiep-chua-co-tieng-noi-chung-395930/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nông dân và doanh nghiệp chưa có tiếng nói chung - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 01/08/2012, 14:00 [GMT+7]
22034

Nông dân và doanh nghiệp chưa có tiếng nói chung

Điêu đứng vì hợp đồng miệng
Huyện Quỳnh Lưu là vùng nguyên liệu dứa lớn nhất Nghệ An (gồm 650 ha với 800 hộ trồng dứa). Nhưng, hiện nay người trồng dứa đang điêu đứng vì phương án thu mua của Nhà máy Chế biến dứa xuất khẩu thuộc Công ty cổ phần Thực phẩm Nghệ An (Nafoods).
Anh Nguyễn Trọng Thịnh, người có 1ha dứa ở xóm 7, xã Quỳnh Châu buồn bã: "Vụ mùa này nhà máy thu mua 2.500đồng/kg. Với giá mua như thế bà con mới chỉ đủ tiền để trả công cho việc bẻ dứa từ đồi mang đi bán. Tiền của đầu tư coi như mất trắng. Trong khi đó nhà máy chỉ mua 5 tấn/ngày khiến hàng trăm tấn dứa ế ẩm nguy cơ thối rữa phải đổ bỏ. Chúng  tôi phải đi bán rong khắp nơi. Nhiều hộ dân đã nhổ bỏ cây dứa để chuyển sang trồng cây khác".
Hiện tại giữa nông dân và doanh nghiệp vùng nguyên liệu dứa này vẫn chưa có tiếng nói chung. Người nông dân đổ lỗi cho doanh nghiệp. Còn phía doanh nghiệp cũng có cớ để bảo vệ mình.
 
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng GĐ Công ty CP Thực phẩm Nghệ An cho rằng: "Năm 2011, sản xuất dứa gặp rất nhiều thuận lợi, người dân có thể bán dứa bất cứ lúc nào, với bất cứ ai đã đặt nhà máy trong tình trạng sản xuất thiếu nguyên liệu trầm trọng. Vì vậy, năm 2012, khi nhà máy thực hiện ký hợp đồng với nông dân thì họ đã  không muốn ràng buộc. Năm nay, không thuận lợi thì lại đổ lỗi cho doanh nghiệp".
 
Người trồng dứa ở Quỳnh Lưu điêu đứng vì nhà máy mua giá thấp
          
Đối với các làng nghề, vấn đề hợp đồng bao tiêu sản phẩm cũng không lấy gì làm đảm bảo về lâu, về dài. Ông Tăng Tiến Huỳnh - Chủ nhiệm HTX Mây tre đan xuất khẩu Thọ Thành, Yên Thành cho biết: "HTX chúng tôi tạo công ăn việc làm cho hơn 3.000 hộ dân và chỉ hợp đồng qua internet với các công ty ở Hà Nội. Những công ty này sẽ xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Tuy nhiên, sản phẩm làm ra cũng phụ thuộc. Nếu như ở các công ty nước ngoài ngừng thu mua thì dây chuyền sản xuất sẽ bị đình trệ hàng loạt".
Những vấn đề nêu trên không có hợp đồng, nhưng có hợp đồng rồi thì nông dân và doanh nghiệp vẫn không thể bắt tay nhau. Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp Nghệ An những năm qua cũng đã thực hiện ký hợp đồng với người nông dân. Tuy nhiên, hiệu quả liên kết “4 nhà” khi thực hiện các hợp đồng nông sản chưa được như mong muốn.
 
Một nguyên nhân dễ nhận thấy nhất là người nông dân vẫn chưa quen với phương thức sản xuất và mua bán theo kiểu cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp, không có vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn gắn với nhà máy chế biến.
 
Thiếu cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích các hợp tác xã (HTX) tham gia tổ chức dịch vụ tiêu thụ nông sản cho xã viên… dẫn đến số lượng hàng hóa tiêu thụ qua hợp đồng ít ỏi. Nhiều hợp đồng tiêu thụ chưa thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của từng nhà. Trong 4 nhà thì hầu hết chỉ có 2 nhà là “nhà doanh nghiệp” và “nhà nông”.
Như vậy, không có những cơ chế, không có những sự ràng buộc nhau nên mạnh ai người ấy làm, doanh nghiệp thấy lợi thì làm theo kiểu doanh nghiệp, người dân thấy lợi thì làm theo kiểu của người dân. Vì vậy, việc tiêu thụ nông sản luôn trở nên bấp bênh và cái vòng luẩn quẩn này cứ lặp đi lặp lại, năm này qua năm khác, mà người thiệt thòi nhất vẫn là nông dân.
Cần có phương pháp bảo vệ quyền lợi người nông dân
Người nông dân hiện nay đang thiếu trầm trọng các thông tin thị trường; thiếu sự gắn kết giữa nhà nông và doanh nghiệp. Hệ thống khuyến nông ở các địa phương chưa phát huy và hoạt động đúng chức năng của mình, chưa tiếp cận một cách hiệu quả đến người dân. Bao trùm hơn là phát triển kinh tế ở lĩnh vực nông nghiệp còn nặng về tư tưởng bao cấp, không đúng với tính chất của nền kinh tế thị trường.
 
HTX mây tre đan cũng bấp bênh cho lối ra sản phẩm
 
Cho dù đã hội nhập kinh tế thế giới, nhưng bấy lâu nay người nông dân Việt Nam vẫn buôn bán tiểu ngạch, mọi giao dịch chỉ là trên miệng, không có hợp đồng ràng buộc và nhất là chưa được chính quyền địa phương đứng ra bảo vệ khi quyền lợi hợp pháp bị xâm phạm.
Để nông dân đỡ bị thiệt thòi, gắn bó với đồng ruộng và tích cực, hăng hái với Nghị quyết Trung ương 7 về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thiết nghĩ việc làm cần thiết hiện nay là không chỉ dừng lại ở mức độ "khuyến cáo” người dân mà chính quyền địa phương cùng các cơ quan chuyên môn thực sự vào cuộc quyết tâm, hướng dẫn nông dân tổ chức lại sản xuất, liên kết nông dân vào các tổ chức hợp tác xã kiểu mới, trang bị cho người nông dân kiến thức và cách thức đàm phán trong mua - bán với đối tác, nhất là đối tác nước ngoài.
 
Phải tổ chức lại sản xuất và lo vấn đề đầu ra chặt chẽ hơn thì sản phẩm của người nông dân làm ra mới không lo phập phù, quyền lợi của họ mới được bảo đảm.

Tiến Dũng
.