Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201608/tai-xa-phu-son-huyen-tan-ky-tinh-nghe-an-song-mon-ben-du-an-chet-692704/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201608/tai-xa-phu-son-huyen-tan-ky-tinh-nghe-an-song-mon-ben-du-an-chet-692704/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Sống mòn bên dự án 'chết' - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 08/08/2016, 15:35 [GMT+7]
Tại xã Phú Sơn, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An

Sống mòn bên dự án 'chết'

(Congannghean.vn)-Dự án đường vào trung tâm xã Phú Sơn, bao gồm 18 km đường nhựa và cầu bắc qua sông Con, được khởi công xây dựng từ năm 2009, với tổng mức đầu tư ban đầu là 117 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ; sau 3 lần điều chỉnh, bổ sung đã được nâng lên hơn 162,1 tỉ đồng. Dự kiến công trình sẽ được hoàn thiện trong vòng 36 tháng. Tuy nhiên, sau 84 tháng, dự án vẫn còn dang dở.

Dự án rùa bò

Tháng 6/2009, Dự án đường và hệ thống cầu vào trung tâm xã Phú Sơn, huyện Tân Kỳ được khởi công xây dựng với tổng kinh phí 117 tỉ đồng, do Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Constrexim số 16, trụ sở tại phường Hưng Dũng, TP Vinh thi công. Dự án do UBND huyện Tân Kỳ làm chủ đầu tư; dự kiến công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng sau 36 tháng. Tuyến đường mới được xây dựng sẽ nối liền đường Hồ Chí Minh vào trung tâm xã Phú Sơn, góp phần phát triển kinh tế địa phương cũng như giao thương giữa các vùng miền.

Đặc biệt, công trình hoàn thành sẽ chấm dứt việc người dân nơi đây hàng ngày phải chèo đò qua sông, nhất là vào mùa mưa lũ. Để thực hiện dự án này, gần 500 hộ dân bị ảnh hưởng về đất đai, tài sản hoặc phải di dời để nhường đất cho dự án. Tuy nhiên, đến nay, sau 7 năm khởi công, 2 lần thay đổi nhà thầu, 4 lần gia hạn thời gian thi công, cây cầu vẫn còn dang dở.

Cầu Phú Sơn chưa nối nhịp đôi bờ, nhiều hạng mục đã có dấu hiệu xuống cấp
Cầu Phú Sơn chưa nối nhịp đôi bờ, nhiều hạng mục đã có dấu hiệu xuống cấp

Tính đến thời điểm này, chỉ mới khoảng 13 km trong tổng số 18 km đường đã hoàn thành, còn nhiều đoạn đường vẫn nguyên trạng ban đầu. Tuy nhiên, tại những đoạn đường đã hoàn thiện, nhiều chỗ đã xuống cấp, có dấu hiệu bong tróc khiến nhà thầu phải vá lại. Cá biệt, nhiều đoạn đã bị đứt gãy, phần nhựa trôi hoàn toàn, đất đá lộ thiên trở thành “cái bẫy” đối với người đi đường. Riêng tại cầu Khe Cát, đoạn qua xã Nghĩa Hành, sau gần 4 năm thi công đã đưa vào vận hành.

Tuy nhiên, từ vài tháng nay, phần mố cầu đã bị bong tróc, để lộ phía bên dưới, ngay giữa mặt đường được nhà thầu lót gỗ thay vì đổ bê tông theo quy định. Chị Nguyễn Thị Thành, một người dân sống cạnh tuyến đường này cho biết: Ở những đoạn đường chưa thi công, ngày nắng bụi bay mịt mù, ngày mưa bùn lầy, xe cộ gần như không thể lưu thông vì trơn trượt.

Trong khi đó, năm học mới đang đến gần, cũng là thời điểm mùa mưa bão, hàng chục học sinh tại xóm Nghĩa Trung, xã Nghĩa Hành vẫn phải lụy đò để sang xã Phú Sơn học tập. Đó là chưa kể người dân xã Phú Sơn mỗi lần muốn ra khỏi xã để giao thương, đều phải trả tiền để đi đò, mỗi lần như vậy là 10.000 đồng.  

Do thiếu vốn!

Dự án cầu bắc qua sông Con (cầu Phú Sơn) đến nay đã hoàn thành xong các nhịp, song chỉ mới dừng lại ở lao nhịp, hai mố cầu hai bên chưa thi công, đường dẫn lên hai đầu cầu cũng chưa làm.

Ông Nguyễn Hải Đông, Chủ tịch UBND xã Phú Sơn cho biết: “Dự án triển khai đã 7 năm nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành, gây rất nhiều khó khăn cho người dân địa phương. Người dân đã nhiều lần phản ánh qua các cuộc tiếp xúc cử tri, UBND xã cũng đã báo cáo lên UBND huyện Tân Kỳ. Tuy nhiên, đến nay, công trình vẫn dang dở, người dân nơi đây vẫn phải chịu cảnh chờ đợi”.

Đường chưa hoàn thành nhưng đã hư hỏng
Đường chưa hoàn thành nhưng đã hư hỏng

Nói về nguyên nhân dẫn tới chậm tiến độ, ông Nguyễn Viết Đức, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Tân Kỳ cho biết: “Do trong quá trình triển khai việc thực hiện nguồn vốn bố trí cho dự án chưa kịp thời. Đặc biệt, do vướng việc thực hiện Nghị quyết 11 nên nguồn vốn trái phiếu Chính phủ nhỏ giọt. Ngoài ra, nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ phần lớn là do năng lực nhà thầu trước đây là Công ty Constrexim 16 không đảm bảo, sau đó dự án được bàn giao cho Công ty TNHH Hòa Hiệp (TP Vinh) đảm nhận, nhưng do thiếu vốn nên vẫn chậm tiến độ”.

Cũng theo ông Đức, hiện tại mặt cầu rất xấu, sắt lan can trên mặt cầu hơn 1 năm nay phơi nắng phơi mưa đã bị hoen gỉ hết. Nếu Nhà nước không đầu tư tiếp thì ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sinh hoạt của người dân, nhất là giao thông đi lại. Càng kéo dài thời gian thì sau này chất lượng mặt cầu sẽ ảnh hưởng, bê tông đổ vào sắt sẽ không kết dính.

Ông Nguyễn Văn Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ cho biết: Ngày 16/7/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường đã trực tiếp đến thị sát tại dự án này. Trong kết luận làm việc sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã đồng ý cho ứng trước ngân sách năm 2017 để hỗ trợ kinh phí tiếp tục thi công, hoàn thành cầu Phú Sơn. Trước mắt, cần khoảng 9 tỉ đồng để thông cầu và chống hư hỏng phần cốt thép, hiện tại, số tiền 117 tỉ đồng từ trái phiếu Chính phủ đã cấp hết.

Do đó, trước mắt, huyện Tân Kỳ làm tờ trình để UBND tỉnh giao Sở Tài chính cho nhà thầu ứng trước 5 tỉ đồng để thi công các hạng mục còn lại; đồng thời, yêu cầu nhà thầu phải hoàn thiện các hạng mục còn dang dở trước ngày 30/9/2016.

Tuy nhiên, đến ngày 4/8, có mặt tại dự án này, phóng viên vẫn không thấy có bất cứ bóng dáng của công nhân nào. Liên hệ với ông Phạm Đình Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH Hòa Hiệp, được ông này cho biết: Đến nay, đơn vị nhà thầu vẫn chưa nhận được kinh phí nên chưa thể thi công. Khi tiếp nhận công trình này, cần khoảng 31 tỉ đồng để hoàn thiện. Doanh nghiệp đã phải bỏ ra 25 tỉ đồng nhưng kinh phí nhận được chỉ mới 15 tỉ đồng, hiện chủ đầu tư đang nợ nhà thầu 10 tỉ đồng. “Ngay sau khi nhận được vốn, chúng tôi sẽ tiến hành thi công và hoàn thiện các hạng mục còn dang dở để thông cầu”, ông Hạnh khẳng định.

.

Phan Phượng

.