Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201211/24158-ong-tien-cua-tre-khuyet-tat-394235/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201211/24158-ong-tien-cua-tre-khuyet-tat-394235/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
'Ông Tiên' của trẻ khuyết tật - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 15/11/2012, 09:27 [GMT+7]
24158

'Ông Tiên' của trẻ khuyết tật

 Bấm Play để xem video. Nguồn: Tuoitre

Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng đôi chân của ông Hà Xuân Định, 82 tuổi, quê ở thôn Thượng, xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội vẫn bền bỉ, rong ruổi trên khắp mọi nẻo đường giúp đỡ trẻ em khuyết tật. Người dân trong thôn yêu mến gọi ông là ông “Tiên” chân đất.

Tiếng cưa, cắt, đục rộn rã từ bàn tay của những trẻ khuyết tật tại cơ sở đào tạo nghề Hợp tác xã Sơn khảm Ngọ Hạ, thôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội khiến chúng tôi không khỏi xúc động. Hàng nghìn trẻ khuyết tật từ khắp mọi miền đất nước được tập hợp về đây. Ở đây, các em được dạy nghề và có thể tự kiếm sống nuôi bản thân. Đây cũng chính là việc làm nhân đạo mà ông lão Hà Xuân Định đã làm trong suốt 10 năm qua.

Dù công việc của ông chẳng được ai trả công, nhưng đến nay đã có hơn 2.000 trẻ em khuyết tật được ông giúp đỡ. Ông coi việc làm này là trách nhiệm đối với xã hội.

Gặp lại ông, những đứa trẻ khuyết tật dường như vui hơn, đặc biệt với em Nguyễn Như Hà. Bố em mất sớm và mẹ đi lấy chồng, Hà trở thành đứa trẻ khuyết tật mồ côi, hàng ngày phải đi nhặt rác ngoài đường, phát âm không thành tiếng. Năm 2005, Hà được ông Định đưa về đây dạy nghề. Từ đứa trẻ khuyết tật lang thang, em đã trở thành tay khảm trai thạo nghề và được giữ lại tại Hợp tác xã làm việc.

Kể về ông Định, em Nguyễn Như Hà đã không dấu nổi niềm xúc động: “Ban đầu, ông Định đến nhà em và hỏi xem em có muốn đi làm không. Sau một hồi nói chuyện, mẹ đã đồng ý cho em đi làm. Trước đây, em ở nhà chỉ biết quét sân, nấu cơm thôi. Từ khi vào đây học được nghề, em cảm thấy đỡ nhàm chán hơn. Giờ em cũng kiếm được tiền tự nuôi bản thân mình. Em thấy đó là niềm hạnh phúc lớn”.

Nuôi ý định làm từ thiện khi còn trẻ với mong muốn giúp các em khuyết tật còn khả năng lao động hòa nhập cộng đồng, nhưng vì gia đình khó khăn nên ông Định chưa thể hoàn thành được tâm nguyện. Đến một ngày, ông nhận được tin vui, khi có một tổ chức phi Chính phủ của Mỹ là Marynol tài trợ cho Hợp tác xã Khảm trai Ngọ Hạ tại xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên đào tạo nghề miễn phí cho trẻ em khuyết tật, ông liền tình nguyện làm công tác tìm kiếm trẻ khuyết tật đến hợp tác xã học nghề. Lúc đó, ông Định đã ở tuổi 70. Không ai tin ông có thể làm được việc này vì tuổi đã quá cao, ngay cả gia đình ông cũng ngăn cản nhưng ông lão già có những lý lẽ riêng của mình.

Ông Hà Xuân Định vẫn lọc cọc đạp xe đi tìm các cháu mồ côi, khuyết tật
 
“Gia đình tôi lúc đầu không cho đi, sợ mình già yếu rồi sẽ gặp khó khăn. Nhưng tôi không thể ở nhà được dù gia đình rất nghèo. Còn sống được ngày nào, tôi muốn thắp lên ngọn lửa yêu thương ngày ấy, còn bao người đói rét, nên tôi không thể ở nhà. Lúc đầu công việc gặp khó khăn lắm. Năm 2003-2004, huyện Chương Mỹ cách đây 100 km, tôi đều đi xe đạp để đến gặp những em khuyết tật. Người ta bảo mua cho tôi xe máy, tôi cũng không lấy. Cuối cùng họ mua cho tôi 1 chiếc xa đạp mới để đi làm cho thuận tiện hơn”.

Hành trình đi tìm trẻ khuyết tật của ông Hà Xuân Định gắn liền với chiếc xe đạp. Không quản ngại khó khăn, gian khổ, hàng chục năm qua, cùng chiếc xe đạp rong ruổi khắp các huyện thị của Hà Nội và cả đến tận Hòa Bình, Hà Nam. Mỗi chuyến đi như vậy ông mất hàng tháng trời, đạp xe đạp hàng trăm cây số, cứ ở đâu có trẻ khuyết tật, kém may mắn là ông tìm đến chia sẻ và tỏ lòng giúp đỡ. Thời gian đầu, ông gặp rất nhiều khó khăn vì không phải ai cũng tin vào việc làm của mình. 

Ông Hà Xuân Định kể: “Lúc đầu, tôi gặp khó khăn lắm bởi vì đến người ta không tiếp, thậm chí có người còn đuổi thẳng. Tôi đến xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ có 15 thôn ở miền bán sơn địa. Tôi đi lang thang khắp 15 thôn ấy nhưng đến tối hỏi thăm đường vào nhà cán bộ để nghỉ thì nhân dân người ta không chỉ. Họ không tin mình mà. Vào ngủ nhờ người ta cũng không cho ở. Cuối cùng, tôi dắt xe đi và vào ngủ nhờ ở một ngôi chùa. Lúc đầu gặp khó khăn nhưng dần dần cũng quen nên công việc thuận lợi hơn. Nhiều cháu đi học nghề và có công ăn việc làm nên đã có nhiều phụ huynh tìm đến tôi nhờ giúp đỡ”.

Trong 11 năm làm từ thiện, ông Hà Xuân Định đã giúp đỡ được 2.000 trẻ em khuyết tật được học và dạy nghề. Có những em giờ đã là chủ của một cơ sở nghề với 7, 8 nhân công. Hàng nghìn em khuyết tật thạo nghề đã được giữ lại làm việc tại hợp tác xã khảm trai Ngọ Hạ. Nhiều người vào Nam làm việc và họ vẫn thường xuyên liên lạc hỏi thăm ông.

Cứ thế trong 11 năm ròng rã, ông Hà Xuân Định âm thầm làm công việc gian nan vất vả là giúp đỡ, chia sẻ với những trẻ em khuyết tật. Lòng nhân ái bao la đã thấm sâu vào huyết mạch, khiến ông vượt tất cả sự nguy hiểm, khó khăn, có khi đổi cả tính mạng. Có lần đi tìm trẻ, ông bị tai nạn phải nằm viện đến gần tháng trời nhưng khỏi bệnh ông lại tiếp tục lên đường.

Dù gia đình còn rất nghèo, ông Định luôn tôn chỉ lời dạy của Phật pháp “cứu một người phúc đẳng hà sa” nên với ông, hạnh phúc của đời người là sức khỏe, trí tuệ và lòng nhân ái. Đó là tài sản quý giá ông để lại cho con cháu.

T.H
.