Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//tin-tuc-su-kien/quoc-te/201905/trieu-tien-khong-chiu-thua-truoc-suc-ep-cua-my-852502/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//tin-tuc-su-kien/quoc-te/201905/trieu-tien-khong-chiu-thua-truoc-suc-ep-cua-my-852502/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Triều Tiên 'không chịu thua' trước sức ép của Mỹ - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 05/05/2019, 09:52 [GMT+7]

Triều Tiên 'không chịu thua' trước sức ép của Mỹ

Đó là nhận định của giới chuyên gia đối với vụ phóng thử “các vật thể bay tầm ngắn không xác định” mà CHDCND Triều Tiên thực hiện trong sáng 4-5. 

Theo họ, vụ phóng thử trên chứng tỏ Bình Nhưỡng ngày càng mất kiên nhẫn với cuộc đàm phán hạt nhân bị đình trệ với Washington, cũng như hợp tác kinh tế liên Triều thiếu tiến triển. Qua đó buộc Mỹ phải thể hiện sự linh hoạt trong đàm phán hạt nhân cũng như hối thúc Seoul có chính kiến riêng, đồng thời chứng tỏ Bình Nhưỡng sẽ không rút lui về mặt quân sự.

Nhà nghiên cứu chính trị quốc tế tại Đại học Toàn cầu Handong, Giáo sư Park Won-gon cho biết: “Động thái mới nhất dường như nhằm mục đích gây sức ép với Mỹ và bày tỏ sự giận dữ (với đàm phán hiện rơi vào thế bế tắc)”. Theo ông, hiện tại Bình Nhưỡng có thể gia tăng căng thẳng, song nước này sẽ quay trở lại đàm phán sau loạt động thái quân sự như vậy.

Triều Tiên đã phóng nhiều “vật thể bay tầm ngắn không xác định” vào sáng 4-5. (Ảnh: Yonhap)
Triều Tiên đã phóng nhiều “vật thể bay tầm ngắn không xác định” vào sáng 4-5. (Ảnh: Yonhap)

Đồng quan điểm, Giáo sư Yang Moo-jin thuộc trường Đại học nghiên cứu Triều Tiên cho biết: “Vụ phóng là lời cảnh báo gửi tới Mỹ, rằng nếu Mỹ duy trì sức ép và các lệnh trừng phạt, Triều Tiên sẽ phóng thêm các tên lửa có sức công phá lớn”. Theo ông Yang Moo-jin, với động thái này, “Triều Tiên cũng muốn chứng tỏ rằng nước này sẽ không chịu thua cuộc trước sức ép từ phía Mỹ trên bàn đàm phán”.

Trong khi đó, nhà phân tích về tình hình Triều Tiên Ankit Panda cho biết lần phóng tên lửa mới này của Triều Tiên là điều đã được dự báo trước: “Đây không phải là điều gây ngạc nhiên khi chính ông Kim Jong-un đã từng nhiều lần phàn nàn về những chính sách thù địch của Mỹ và cảnh báo sẽ có động thái đáp trả tương xứng từ tháng Tư vừa qua”.

Theo chuyên gia này, vụ phóng sáng 4-5 “không vi phạm các cam kết của bản thân ông Kim Jong-un về việc đình chỉ các vụ thử tên lửa”, vốn “chỉ áp dụng đối với các tên lửa đạn đạo liên lục địa”. Chuyên gia này nhấn mạnh: “Trong lịch sử, Triều Tiên thường không thử bất cứ thứ gì trong các cuộc đàm phán với Mỹ. Hiện tại, các cuộc đàm phán đang không diễn ra”.

Giới chuyên gia cũng cho rằng, thái độ giận dữ của Triều Tiên còn xuất phát từ việc nước này không thể giành được sự ủng hộ toàn diện từ các đồng minh truyền thống gồm Nga và Trung Quốc, trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ rơi vào bế tắc. Sự bế tắc này gây thiệt hại đáng kể cho các dự án hợp tác liên Triều.

Vụ phóng sáng 4-5 là động thái mới nhất trong những hoạt động quân sự công khai gần đây của Triều Tiên. Theo trang mạng 38 North, bán đảo Hodo - nơi Bình Nhưỡng thực hiện vụ phóng - là địa điểm quan trọng trong các vụ thử tên lửa và tập trận pháo binh quy mô lớn của Triều Tiên những năm gần đây. Bán đảo Hodo là nơi thường xuyên diễn ra các cuộc thử nghiệm tên lửa tầm ngắn KN-02/Hwasong-11 từ năm 2013 đến 2015.

Loại tên lửa trên có tầm bắn khoảng 120km và được phóng thử ít nhất 9 lần tại khu vực này. Lần gần đây nhất một cuộc thử nghiệm tên lửa được thực hiện tại bán đảo Hodo là tháng 4-2016, khi tên lửa đạn đạo Hwasong-10 được phóng thử nhưng đã gặp trục trặc sau khi được phóng đi.

Tuy nhiên, trong vụ phóng sáng 4-5, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JSC) ban đầu cho biết, Triều Tiên đã phóng nhiều “tên lửa” tầm ngắn, nhưng sau đó đã thay đổi thông báo và mô tả đây chỉ là các “vật thể bay”. Theo đó, các vật thể bay tầm ngắn được phóng từ khu vực gần thành phố duyên hải Wonsan từ 9h06 đến 9h27.

Việc thay đổi thông báo này cho thấy, vụ phóng của Triều Tiên có thể là phóng rocket đa nòng, không phải tên lửa. Một quan chức quốc phòng Hàn Quốc cũng xác nhận: “Vật thể mà Triều Tiên đã phóng sáng nay không phải là tên lửa đạn đạo”.

Vật thể bay này có tầm 70-200km. Hiện Hàn Quốc và Mỹ đang phân tích chi tiết các vật thể bay này và ý định của vụ phóng. Trong khi đó, giới phân tích cho rằng, Bình Nhưỡng dường như đã phóng các vật thể từ hệ thống phóng rocket đa nòng cỡ 300mm như một phần trong trong cuộc diễn tập của các đơn vị pháo binh hoặc thử nghiệm hệ thống vũ khí để cải tiến.

Những kết luận này cho thấy, động thái của Triều Tiên dường như được cân nhắc kỹ lưỡng và được điều chỉnh để không khiêu khích Mỹ tới mức làm chệch hướng ngoại giao, bởi điều này sẽ là đòn giáng cho mục tiêu của Bình Nhưỡng trong việc thúc đẩy nới lỏng trừng phạt quốc tế cũng như đẩy mạnh chương trình nghị sự kinh tế.

Ngay sau vụ phóng sáng 4-5, Phủ Tổng thống Hàn Quốc đã triệu tập cuộc họp khẩn với sự tham gia của các quan chức an ninh hàng đầu nước này để đánh giá về vụ phóng này. Giám đốc Văn phòng An ninh quốc gia Hàn Quốc Chung Eui-yong chủ trì cuộc họp khẩn này. Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Jeong Kyeong-doo, Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Seo Hoon và Phó Chánh Văn phòng an ninh quốc gia Kim Yoo-geun cũng tham gia cuộc họp.

Theo người phát ngôn của Phủ Tổng thống Ko Min-jung, các thành viên tham dự cuộc họp “đang giám sát tình hình hiện tại và trao đổi thông tin chặt chẽ với phía Mỹ”. Người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc thì phát đi thông cáo cho biết, Hàn Quốc mong muốn Triều Tiên sẽ tích cực tham gia vào các nỗ lực hướng tới nối lại nhanh chóng các cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân, đồng thời khẳng định, hành động thử tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên là đi ngược lại thỏa thuận liên Triều đã đạt được giữa lãnh đạo hai nước.

.

Nguồn: Khổng Hà/Báo CAND

.